Các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ bàn luận về cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc và cơ chế nhằm chống lại sự cưỡng ép kinh tế của Bắc Kinh.
Trong ngày làm việc thứ hai của hội nghị thượng đỉnh G7, đang diễn ra tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản), các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ xác nhận tầm quan trọng của việc thắt chặt mối quan hệ với các nước mới nổi và đang phát triển, trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách gia tăng hợp tác quân sự trên toàn cầu, theo hãng thông tấn Kyodo News.
Trong khi đó, Bloomberg đưa tin các nhà lãnh đạo G7 (Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý) cũng sẽ khởi động một cơ chế mới để đối phó hành vi cưỡng ép kinh tế. Các nhà lãnh đạo muốn gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng họ đoàn kết trong việc chống lại điều mà họ coi là hành động thù địch trên mặt trận kinh tế.
Trong một thông báo, chính phủ Anh cáo buộc Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế để chèn ép các nước như Úc và Lithuania trong các mâu thuẫn chính trị.
Cơ chế mới mang tên Nền tảng điều phối G7 về cưỡng ép kinh tế sẽ giúp giải quyết việc các biện pháp chèn ép kinh tế được sử dụng ngày càng nhiều và nguy hiểm hơn nhằm can thiệp vào vấn đề của nước khác.
Cơ chế chung này sẽ cho phép các thành viên G7 phối hợp ứng phó với các hành động như giới hạn thương mại và đầu tư, tẩy chay, tấn công mạng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa sẽ tự động kích hoạt sự phản ứng mỗi khi có sự chèn ép.
Các nguồn tin cũng cho rằng các nước còn bất đồng về mức độ phản ứng, và mặc dù họ muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng nhiều nước vẫn còn có sự liên hệ chặt chẽ về kinh tế với Trung Quốc.
Trả lời họp báo bên lề hội nghị tại Hiroshima sáng 20.5, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết các lãnh đạo G7 sẽ đưa ra một bộ công cụ chung để đối phó hành vi cưỡng ép kinh tế, gồm các bước để xây dựng chuỗi cung ứng với sức chống chịu tốt hơn, những biện pháp kiểm soát xuất khẩu và đầu tư nước ngoài để bảo vệ công nghệ nhạy cảm. Mỗi nước sẽ quyết định cách tiếp cận của riêng họ, Reuters dẫn lời cố vấn Mỹ.
Ông Sullivan nói các thành viên G7 muốn giảm thiểu rủi ro liên quan Trung Quốc, không phải là phân ly với quốc gia này. Ông tiết lộ tuyên bố chung của các lãnh đạo sẽ nhấn mạnh rằng mỗi nước có một mối quan hệ và cách tiếp cận độc lập, nhưng G7 đoàn kết và đồng lòng về một bộ tiêu chuẩn chung.
Vị quan chức cho hay tuyên bố chung sẽ không khiến Trung Quốc ngạc nhiên bởi nội dung của nó là những lo ngại của G7 mà Bắc Kinh đã biết rõ.
T.P