Rất nhanh chóng, sau hai ngày làm việc (19-20/5), Hội nghị các nhà lãnh đạo G7 từ bảy quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc, ra Tuyên bố chung. Và rồi ngay sau tiếng vỗ tay bế mạc là sự phản đối của hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ.
Các vị nguyên thủ tham dự Hội nghị gồm có: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Nhật Bản (chủ nhà) Fumio Kishida, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.
Có một nghi thức mới, đây là lần đầu, các nhà lãnh đạo G7, trong đó có ba cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp, cùng đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hiroshima. Bảo tàng là nơi lưu lại dấu tích nặng nề của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào ngày 6/8/1945.
Nghi thức này như một thông điệp của Hội nghị về nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trong giai đoạn hiện nay. Ngay trước thềm phiên khai mạc, trong các cuộc hội đàm với các đồng cấp Canada, Pháp và Đức, Thủ tướng Fumio Kishida đã nhấn mạnh sự cần thiết để các nhà lãnh đạo G7 chứng kiến tận mắt hậu quả to lớn do sử dụng bom nguyên tử.
Vì lẽ đó, vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân trở thành chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7. Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố, thế giới đang chứng kiến những cuộc khủng hoảng lớn làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế và phải nỗ lực cao nhất giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân để đạt “mục tiêu cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Cùng với đó là những vấn đề quan trọng mà Hội nghị G7 đã thảo luận và đi đến thống nhất đưa vào Tuyên bố chung, đó là: Cam kết sát cánh cùng Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga, để mang lại một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài; “quan ngại sâu sắc” và cảnh báo Trung Quốc về hoạt động quân sự hóa ở châu Á – Thái Bình Dương; ám chỉ Trung Quốc “cưỡng bức kinh tế”, cũng như đề cập đến tình hình Đài Loan và một số vấn đề liên quan .
Trong Tuyên bố, các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ sự lo lắng về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông. (Điều này hoàn toàn khác với tuyên bố của Bắc Kinh, rằng tình hình Biển Đông vẫn luôn ổn định). Tuyên bố nêu rõ: “Phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc”; “Phản đối những hành vi ép buộc kinh tế nhằm theo đuổi các mc ụ tiêu chính trị”. Đây được đánh giá là những tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của G7 nhằm vào Trung Quốc.
Ngay lập tức Bắc Kinh và Moscow đã phản ứng mạnh mẽ trước Tuyên bố chung của G7. Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối nước chủ nhà Nhật Bản. Ông Uông Văn Bân, một phát ngôn viên quen thuộc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc “G7 đã bôi nhọ, tấn công và can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Ông Uông lưu ý: “Vấn đề Đài Loan là của người Trung Quốc, không ai có quyền chĩa mũi dùi vào”. Còn về việc “ép buộc kinh tế” thì ông cho rằng, chính Mỹ mới là “kẻ cưỡng bức kinh tế thật sự. G7 không nên đồng lõa với Washington”!
Phản ứng của Nga xoay quanh vấn đề tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Ukraine. Hôm 20/5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine là không cần thiết ở thời điểm này. Ông nói: “Không thể tham gia các cuộc đàm phán với một quốc gia bị chi phối từ bên ngoài. Các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra với ‘các ông chủ’, cụ thể là Washington. Ngoài họ ra, không cần phải đàm phán với một bên nào khác”.
Bộ Ngoại giao Nga giải thích thêm rằng, G7 đã nêu vấn đề to tát, thể hiện sự công khai ý đồ muốn đánh bại Nga trên chiến trường. G7 muốn loại bỏ Nga như một đối thủ cạnh tranh địa chính trị.
Thật ra, theo chúng tôi, đến nay, thế giới vẫn chưa có một định nghĩa thuyết phục về khái niệm “địa chính trị”, bởi lẽ tình hình thế giới thay đổi hết sức nhanh chóng. Thêm vào đó là giá trị của các nhân tố địa lý như khí hậu, đại dương… đối với vận mệnh của nhiều quốc gia cũng không ngừng biến đổi.
Cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn là sự ganh đua, đấu tranh của một nước hoặc liên minh các nước với đối thủ của mình về phương châm, phương cách, chính sách và mưu lược được hoạch định trong một khoảng thời gian, trên một không gian địa lý nhất định.
Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh G7 vào lúc này là thể hiện thái độ, chính sách cụ thể của cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ – Trung Quốc – Nga vừa cạnh tranh, vừa kiềm chế lẫn nhau, vì lợi ích, mục tiêu chiến lược của mỗi quốc gia. Trong đó, cạnh tranh giữa Mỹ – Trung Quốc mang tính quyết liệt về kinh tế và địa – chính trị; Mỹ – Nga đang ở thế cạnh tranh về mặt quân sự, tranh giành ảnh hưởng tại các “điểm nóng” trên thế giới, mà nóng nhất lúc này là Ukraine.
Vấn đề “ai thắng ai” vẫn đang là câu chuyện dài dài. Trong cuộc đua ấy, nghệ thuật thắng từng bước được xem là phép thắng lợi tinh thần được các bên coi trọng và khai thác triệt để.
H.Đ