Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (United States Commission on International Religious Freedom –USCIRF) công bố hôm 1 tháng 5 năm 2023, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn đang tiếp tục bức hại các đoàn thể tôn giáo trong năm 2022, trong đó có Pháp Luân Công. Trước tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng ở Trung Quốc, ủy ban đã hối thúc chính phủ Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức ĐCSTQ vi phạm nhân quyền.
“Trong suốt năm vừa qua, chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục lên án sự vi phạm tự do tôn giáo và buộc những thủ phạm bức hại phải chịu trách nhiệm thông qua các biện pháp trừng phạt có tính nhắm thẳng và các công cụ khác. Trong tương lai, Hoa Kỳ nên có những bước tiếp theo để ủng hộ tự do tôn giáo tín ngưỡng trên toàn thế giới”, Phó Chủ tịch Abraham Cooper nhấn mạnh trong cuộc họp báo. “Chúng tôi hối thúc Quốc hội và Nhánh Hành pháp thực thi những khuyến nghị nêu trong báo cáo thường niên năm 2023 của USCIRF để thúc đẩy hơn nữa nhân quyền cơ bản và phổ quát này“.
Theo ông Cooper, Trung Quốc vẫn đang đàn áp tín ngưỡng tôn giáo của các đoàn thể tín đồ Phật giáo Tây Tạng, Cơ đốc giáo và các học viên Pháp Luân Công. Một số dù đã thoát khỏi Trung Quốc nhưng vẫn đang đối mặt với sự đàn áp không ngừng. Trong báo cáo thường niên năm 2023, USCIRF đề xuất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt 17 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, vào danh sách các “Quốc gia đặc biệt đáng quan ngại” (CPCs), bởi những chính phủ này đã vi phạm một cách có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng đối với tự do tín ngưỡng.
Nhưng trong những năm gần đây, chính quyền này trở nên ngày càng thù địch với tôn giáo, thực hiện các chiến dịch nhằm “Trung Quốc hóa” các tôn giáo. Báo cáo giải thích thêm: “Những chính sách này yêu cầu các nhóm tín ngưỡng tôn giáo phải ủng hộ ĐCSTQ, trong đó có việc thay đổi các giáo lý của họ để phù hợp với hệ tư tưởng của ĐCSTQ”.
Chính quyền ĐCSTQ vẫn tiếp tục cuộc bức hại Pháp Luân Công và các đoàn thể khác. Báo cáo cho biết, theo thông tin trên website Minghui: “Trong năm 2022, các nguồn thông tin Pháp Luân Công ghi nhận 7.331 trường hợp [học viên] bị sách nhiễu và bắt giữ, 633 trường hợp bị kết án tù và 172 ca tử vong vì cuộc bức hại”.
Ngày 30 tháng 11 năm 2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã liệt Trung Quốc vào danh sách CPCs và tái thiết lập các hạn chế trong việc quản lý xuất khẩu các công cụ hoặc thiết bị kiểm soát tội phạm hoặc điều tra sang Trung Quốc.
Tháng 12 năm 2022, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) Hoa Kỳ đã trừng phạt hơn 40 cá nhân và tổ chức vì tội vi phạm nhân quyền đến từ 9 quốc gia. Lệnh trừng phạt này dựa trên Sắc lệnh Hành pháp 13818, Luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky.
Trong số các viên chức bị xử phạt có Ngô Anh Kiệt (cựu Bí thư Đảng ủy khu tự trị Tây Tạng, nhiệm kỳ từ năm 2016 đến 2021) và Trương Hồng Ba (Cục trưởng Cục Công an Tây Tạng). Cả Trương và Đường Dũng (cựu phó cục trưởng Nhà tù khu vực Trùng Khánh) đều đang đối mặt với chế tài hạn chế thị thực (visa) đến Hoa Kỳ bởi những hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng và bức hại Pháp Luân Công của họ.
Căn cứ vào tình hình vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Trung Quốc, USCIRF đưa ra đề xuất: “Tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt có tính nhắm thẳng vào các quan chức và tổ chức Trung Quốc có những vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, đặc biệt là trong nội bộ của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, Cục các vấn đề Tôn giáo Nhà nước, bộ máy công an và an ninh quốc gia của ĐCSTQ“.
Theo thông tin đăng tải trên website của USCIRF, ủy ban này là một cơ quan của Chính phủ liên bang Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1998 theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Act–IRFA). USCIRF vận hành độc lập với các đảng phái, có chức năng chủ yếu là giám sát, quan sát tình hình tự do tôn giáo cũng như tình trạng vi phạm quyền tự do tôn giáo ở các quốc gia trên toàn thế giới; soạn thảo và đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho Tổng thống, Ngoại trưởng và Quốc hội Hoa Kỳ; và đồng thời theo dõi việc thực thi đối với các khuyến nghị này.
Đặc biệt, những phân tích của USCIRF được dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng thông qua hình thức giảng dạy, thực hành, thờ phụng hoặc tuân thủ [lễ nghi tôn giáo], dù là riêng tư một mình hoặc ở trong cộng đồng cùng những người khác tại nơi công cộng hoặc tại nhà riêng”.
T.P