Khẳng định chủ quyền trên Biển Đông bằng cách tìm và chứng minh những xác tàu đắm dưới đáy biển, cùng những cổ vật, là một cách làm mới của Trung Quốc.
Theo cái lí lẽ rất “củ chuối” của các nhà khảo cổ học Trung Quốc thì vùng biển nằm trong khu vực “Đường chín đoạn” trên Biển Đông mà từng có dấu vết tàu bè Trung Quốc qua lại thì chứng tỏ nó thuộc chủ quyền của họ.
Các nhà khoa học chuyên ngành khảo cổ Trung Quốc đã cố tình làm ngơ trước những khảo sát của Việt Nam và một số quốc gia khác đã từng tìm thấy các xác tàu đắm cùng rất nhiều cổ vật quý, chủ yếu là đổ gốm sứ, trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình.
Xin nêu một dẫn chứng: 25 năm trước, vào năm 1998, Việt Nam đã tiến hành công việc tìm kiếm xác tàu đắm cùng với các bình gốm cổ Chu Đậu. Tại Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, người ta đã phát hiện được xác của 5 con tàu đắm. Sau nhiều năm tiến hành trục vớt, các cơ quan chuyên môn đã trục vớt được khoảng 400 nghìn đồ sứ còn nguyên vẹn và nhiều tấn đồ sứ bị vỡ, tương đương với hàng trăm nghìn sản phẩm nữa.
Xin lưu ý, Cù Lao Chàm cách đất liền khoảng 170 hải lý (315 km) và cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km. Đó là điều Trung Quốc không thể chối cãi, Hoàng Sa là của Việt Nam, chứ không thể có Tây Sa nào hết. Những đồ gốm trục với được ở Cù Lao Chàm có niên đại thế kỷ 15. chúng gồm các dòng gốm: Hoa lam, gốm vẽ nhiều màu, gốm men mầu xanh ngọc, gốm men màu xanh dương sẫm, gốm men trắng, gốm men nâu, gốm men sành; trong đó có một số đồ gốm lần đầu tiên được các nhà khảo cổ tìm thấy như bát hoa lam vẽ rồng.
Trước khi được tìm kiếm, khảo sát có tổ chức, gốm Cù Lao Chàm được phát hiện vào đầu năm 1990. Trong khi đánh bắt cá ở vùng biển Hội An ngư dân đã phát hiện ra một con tàu cổ chở đầy đồ gốm Việt Nam bị đắm ở ngoài khơi, cách đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam khoảng 20 km về phía đông. Theo các chuyên gia khảo cổ, “kiểu dáng và họa tiết trên các đồ gốm vớt được hoàn toàn giống đồ gốm tìm thấy ở Chu Đậu – Hải Dương có niên đại thế kỷ 15 đến 16”.
Mọi chuyện rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật. Vậy mà, tháng 5/2023, Trung Quốc bất ngờ phát động chiến dịch trục vớt 100 nghìn cổ vật nằm trong hai con tàu đắm của hải quân Trung Quốc thời nhà Minh. “Chiến dịch” dự kiến sẽ kéo dài một năm.
Khảo sát là quyền của Trung Quốc. Và nước này cũng đã tổ chức khảo sát kể từ năm 2012 (sau Việt Nam hơn 20 năm). Khi đó, ông Li Xiaoje, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc tuyên bố: “Khảo cổ học hàng hải là một sự thi hành chủ quyền quốc gia”. Ông Li không ngại ngần cho biết, họ sẽ tiến hành điều tra, khảo cổ ở các khu vực tranh chấp khác.
Điều phi lý và trắng trợn là, kể từ tháng từ tháng 3/ 2012, Bắc Kinh bắt đầu tiến hành trấn áp hoạt động của các nước khác khi trục vớt và khảo cổ. Phía Trung Quốc đã xua đuổi một nhóm nhà khảo cổ của Pháp và Phililippines đang hợp tác khảo sát xác tàu đắm ở bãi cạn Scarborough. Thời điểm Trung Quốc và Philippines đối đầu căng thẳng, sau khi tàu hải quân của Philippines bắt giữ 8 ngư dân Trung Quốc gần bãi cạn này.
Gần 20 năm qua, Trung Quốc đã đào tạo hơn 100 nhà khảo cổ đại dương, xây dựng 3 viện bảo tàng dưới nước và đầu tư hàng triệu USD vào nghiên cứu. Họ tuyên bố xanh rờn: “kiên quyết ngăn chặn nạn cướp bóc cổ vật của Trung Quốc” (!). Năm 2022, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã sử dụng sóng siêu âm để xác định 5 xác tàu đắm mà họ tin là “một phần của hạm đội của Trịnh Hòa”.
Trung Quốc đã dựng lên một câu chuyện hoang đường: Trong chuyến đi sứ thứ tư đến Tây Dương (1413-1415), Đô đốc Thái giám Trịnh Hòa đã đánh chiếm Chiêm Thành trên lục địa và các quần đảo Tây Sa và Nam Sa ở Biển Đông vào năm 1413 (Tây Sa – Hoàng Sa của Việt Nam; Nam Sa- Trường Sa của Việt Nam).
Bắc Kinh cố tình lờ tít chi tiết này, nhiều xác tàu đắm mà họ tuyên bố là của mình nằm cách rất xa đất liền Trung Quốc, quanh những rạn san hô và bãi đá ngoài khơi các nước như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines. Khi thời tiết xấu, tàu thuyền các nước thường đi sát những nơi này để tránh nguy hiểm.
Tháng 5/2023, lần đầu tiên Trung Quốc trục vớt cổ vật ở độ sâu 1.500 m. Khoảng 100 nghìn cổ vật thời Minh dự kiến được vớt lên. Từ tuyên bố mơ hồ này, Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc là chủ nhân của Con đường Tơ lụa qua ngả Biển Đông từ xa xưa. Họ coi đây là các bằng chứng để khẳng định mạnh mẽ hơn các yêu sách chủ quyền đối với một phần lớn Biển Đông, vốn đã bị Tòa trọng tài Liên hợp quốc (PCA) bác bỏ hồi năm 2016.
Báo chí Trung Quốc huênh hoang nói đến một “chương mới trong việc khai thác đáy biển Trung Quốc”. Phó giám đốc cơ quan du lịch tỉnh Hải Nam -Trung Quốc, cho biết, tại khu vực nằm trong “Đường chín đoạn” ở Biển Đông, trong những năm gần đây, nước này đã phát hiện hơn 100 cổ vật, được coi là “có ý nghĩa văn hóa tại những vùng nước nông hơn ở Biển Đông”.
Thật là một “chiến dịch” trục vớt cổ vật kỳ quái!
Một quốc gia đi sau trong việc tìm kiếm cổ vật dưới biển sâu lại la lối mình đã tìm ra dấu tích của cha ông trên Biển Đông. Không những thế lại còn ngăn chặn việc khảo sát, tìm kiếm của các nước khác.
Thêm một bằng chứng của sự ngạo mạn, bất chấp sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
H.Đ