Có những con đường không dễ dàng chinh phục, để lại bao nỗi nuối tiếc cho những kẻ đam mê. Những chiếc xe bị bỏ rơi ở tuyến Tứ Xuyên – Tây Tạng chính là một minh chứng cho điều đó.
Nhiều người thích du lịch một mình hơn là đi theo nhóm vì nhiều lý do: tự do hơn, đi đâu tùy thích… Một trong các xu hướng du lịch một mình phổ biến là đi phượt. Ở Trung Quốc, tuyến đường Tứ Xuyên – Tây Tạng là cung đường phượt yêu thích của nhiều người.
Không chỉ sở hữu nhiều cảnh đẹp, cung đường này còn gắn với một hiện tượng kỳ lạ. Đó là có thể dễ dàng bắt gặp nhiều chiếc xe bị bỏ rơi ven đường. Một số còn khá mới. Một số là những chiếc xe đắt tiền. Thậm chí có cả những xe địa hình như Jeep Wrangler.
Theo Sohu, tuyến Tứ Xuyên – Tây Tạng nổi tiếng đầy sự kích thích, vừa nguy hiểm vừa thú vị. Trước khi lên đường thì ai cũng háo hức. Nhưng đi được nửa đường thì nhiều người chùn bước. Thậm chí có người không đi được một nửa đã phải quay về. Một số thậm chí bỏ xe lại rồi đi bộ về.
Nguyên nhân rất đơn giản: xe hỏng và đường rất khó đi. Nếu ở một con đường khác, khi xe hỏng, chỉ cần nhờ người dân trong vùng hoặc gọi đội cứu hộ khẩn cấp là được. Nhưng với tuyến Tứ Xuyên – Tây Tạng, xe hỏng là một rắc rối lớn.
Tứ Xuyên – Tây Tạng là một trong những con đường nguy hiểm nhất, nằm ở độ cao cao nhất, và khi đi thì trầy trật, “hành xác” nhất thế giới. Đặc biệt, tuyến đường nằm ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, càng đi càng xảy ra hiện tượng “say độ cao”. Say độ cao có thể biến chứng thành phù phổi hoặc phù não và dẫn đến tử vong.
Ở đây gần như không có cửa hàng sửa xe, hoặc không đủ gần. Khi tìm được người đến giúp, lúc quay lại thì xe có thể đã bị “luộc” một số bộ phận từ những kẻ trộm cắp hoặc bị động vật phá hoại.
Gọi đội cứu hộ chưa chắc đã có. Ngay cả gọi được cũng chưa chắc đã “cứu” được xe vì đường có thể rất xấu, xe có thể nằm ở vị trí khá hiểm hóc. Thời gian chờ có thể rất lâu, mà sống ngoài trời ở khu vực đồi núi cũng là một thử thách không nhỏ, ngay cả khi ở trong xe.
Một số người có thể đặt vấn đề tại sao dân trong vùng không mang những chiếc xe vô chủ này về nhà sửa lại và sử dụng hay bán đi. Thứ nhất, chi phí để kéo một chiếc xe hỏng ở đây rất đắt đỏ. Nếu chi phí chỉ như ở những nơi khác, chủ sở hữu đã không buộc phải bỏ xe lại.
Đường có thể xấu đến mức chiếc xe kéo được về nhà còn “tàn tạ” hơn cả lúc được phát hiện, thậm chí chỉ đáng giá như sắt vụn, bán vậy thì không đủ bù đắp chi phí bỏ ra.
Thứ hai, xe bị bỏ rơi thường là bị hỏng rất nặng. Chi phí sửa chữa có thể còn tốn kém hơn giá trị thực tế. Thứ ba, rất dễ dính đến kiện cáo. Chủ sở hữu đã bỏ xe lại không có nghĩa sẽ không bao giờ quay lại.
T.P