Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Cao Quảng Kỳ mới đây tuyên bố trong bối cảnh “căng thẳng đang gai tăng tại Biển Đông do các quốc gia trong vùng gia tăng chạy đua vũ trang, quân đội Đài Loan tại một số vị trí đảo tiền tiêu (ở Biển Đông) được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu”.
Theo tờ Taipei Times (Thời báo Đài Bắc), trong một báo cáo trước Ủy ban đối ngoại và quốc phòng của Nghị viện Đài Loan, lãnh đạo Quốc phòng của vùng lãnh thổ này, ông Cao Quảng Kỳ đã thông báo có đe dọa quân sự tiềm năng nhắm vào một số đảo mà Đài Bắc kiểm soát tại quần đảo Đông Sa (Pratas) và Trường Sa – nơi 5 nước, 6 bên, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.
Trong bối cảnh này, lực lượng cảnh sát biển của Đài Loan đang đồn trú (trái phép) tại đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Đài Loan chiếm đóng trái phép từ năm 1956), trong những năm gần đây đã được tăng cường nhiều trọng pháo như Bofor 400 mm và T-63 120 mm, do Đài Loan tự sản xuất và các phương tiện này thường xuyên được bảo dưỡng, hiệu chỉnh.
Taipei Times cho hay, cũng theo báo cáo nói trên, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đã ủy nhiệm cho lực lượng Hải quân huấn luyện các đơn vị cảnh sát biển của vùng lãnh thổ này đang đồn trú (trái phép) trên đảo Ba Bình và các tiền đồn khác ở Biển Đông về kỹ thuật sử dụng vũ khí, điều khiển hoạt động súng pháo binh và huấn luyện chiến đấu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan cũng cho biết ông không có quyền trả lời câu hỏi : “Liệu Đài Bắc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tại đảo Ba Bình chưa” từ một nghị sỹ.
Về khả năng Trung Quốc đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông như cảnh báo của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work hôm 30/3, ông Chu Ngũ Mỹ -Phó Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Đài Loan tuyên bố, cơ quan này đã nhận thức được tình hình và đang liên tục theo dõi các diễn biến ở Biển Đông một cách chặt chẽ.
Ông Chu Ngũ Mỹ khẳng định, các tin tức tình báo do văn phòng và quân đội thu thập cho thấy, mặc dù Trung Quốc đang gia tăng cơ sở hạ tầng và bố trí nhiều hệ thống tên lửa, máy bay chiến đấu trái phép tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng phi pháp từ năm 1974), nhưng hiện tại Bắc Kinh “chưa có đủ khả năng quân sự tại khu vực để tuyên bố lập vùng ADIZ tại Biển Đông trong thời gian trước mắt”.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, Trung Quốc vừa triển khai nhiều tên lửa đất đối không Hồng Kỳ 9 (Hong-qi 9), với tầm bắn 200 km tại Hoàng Sa và có khả năng đã bắn thử tên lửa chống hạm YJ-62 tại quần đảo này, với tầm bắn khoảng 300 km. Đây cũng là thông tin được truyền thông khu vực loan tải trong những tuần gần đây.
Taipei Times cho hay, cả ông Cao và ông Chu đều tuyên bố khẳng định quyết tâm sẵn sàng “chiến đấu”, “bảo vệ” yêu sách chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông, nhưng cả hai đều không nói rõ lực lượng cảnh sát biển của Đài Loan đang đồn trú (trái phép) tại đảo Ba Bình có thể kháng cự được bao lâu trong trường hợp bị tấn công.
Trong một diễn biến khác liên quan, khi đàm phán bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân toàn cầu tại Washington mới đây với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã “nhắc nhở” Washington chớ xâm phạm cái gọi là “chủ quyền và lợi ích quốc gia” của Bắc Kinh tại Biển Đông dưới danh nghĩa thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Ông Tập nói “Trung Quốc tôn trọng và giữ gìn quyền tự do hàng hải và hàng không của tất cả các nước theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ hành động làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia và lợi ích an ninh của Trung Quốc với cớ tự do hàng hải. Mong Mỹ tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ, phát huy vai trò mang tính xây dựng cho giữ gìn hoà bình và ổn định của khu vực Biển Đông”.