Vào dịp kỷ niệm 34 năm sự kiện thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989 (hay còn gọi là sự kiện Lục Tứ ở Trung Quốc), Nhà tưởng niệm Lục Tứ đầu tiên trên thế giới sẽ được khánh thành bên cạnh Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ.
Ông Vương Đan (Wang Dan) một trong những nhà lãnh đạo sinh viên nổi bật nhất tại Quảng trường Thiên An Môn năm ấy, trên Facebook đã thông báo rằng đối với việc khánh thành nhà tưởng niệm, các phương tiện truyền thông phương Tây như New York Times, Wall Street Journal, Reuters cùng nhiều kênh truyền thông Nhật Bản và truyền thông tiếng Trung đã đăng ký phỏng vấn.
Một cuộc họp báo dành cho các ký giả Trung Quốc và nước ngoài sẽ được tổ chức vào ngày 1/6, lễ khai mạc Nhà tưởng niệm Lục Tứ sẽ được tổ chức vào sáng ngày 2/6 và một cuộc họp kín kéo dài 3 giờ sẽ được tổ chức vào buổi chiều.
Ông Vương Đan nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng ban đầu dự kiến quyên góp được 500.000 đô la Mỹ, ngoại trừ hơn 70.000 đô la Mỹ do hơn 50 nhà hoạt động dân chủ tham gia phong trào quyên góp, phần còn lại là những khoản quyên góp nhỏ.
Tên của bảo tàng được đề tự (viết chữ lưu niệm) bởi ông Bào Đồng (Bao Tong) – cố thư ký của ông Triệu Tử Dương. Dù không còn đủ sức để cầm bút khi nhập viện nhưng ông Bào Đồng vẫn kiên trì hoàn thành việc đề tự cho nhà tưởng niệm trước khi qua đời.
Đề cập đến biến cố đã trải qua, ông Vương Đan viết trên Facebook rằng: “Hôm nay, 34 năm trước, một phong trào dân chủ làm rung chuyển thế giới đã khai màn ở Bắc Kinh. 50 ngày nước mắt và mồ hôi, 50 ngày bôn ba và hô hào, kêu lên tiếng lòng chung của người dân Trung Quốc: ‘Cần dân chủ!’, ‘Chống tham nhũng!’, Nhưng cái mà họ nhận được lại là sự đàn áp máu và lửa của chế độ phát xít ĐCSTQ.
34 năm đã trôi qua, lịch sử đã chứng minh lời kêu gọi của chúng ta năm xưa không sai, chúng ta đã từng đấu tranh gian khổ cho sự ra đời của một nước Trung Quốc dân chủ, mặc dù thất bại nhưng vẫn vinh quang! Nhìn lại chặng đường đã qua, tuy không đạt được mục tiêu và phải trả giá, nhưng thế hệ chúng ta xứng đáng với đất nước, xứng đáng với lương tâm của chính mình”.
Tiếp tục, ông viết: “34 năm đã trôi qua, chúng tôi chưa bao giờ quên lý tưởng ban đầu của mình, và chúng tôi sẽ không bao giờ hối tiếc về những gì mình đã làm. Chúng tôi tổ chức các hoạt động kỷ niệm hàng năm, không chỉ để vinh danh tuổi trẻ của chúng tôi, mà còn để tiếp tục tinh thần của năm 1989”.
Bên cạnh việc khánh thành nhà tưởng niệm, một loạt các hoạt động kỷ niệm Lục Tứ do Ủy ban hải ngoại của Đảng Dân chủ Trung Quốc khởi xướng đã được phát động trên toàn thế giới, bao gồm tuyệt thực, hoạt động kỷ niệm trực tuyến và kháng nghị trực tiếp tại hiện trường.
Thảm sát Thiên An Môn hay còn gọi là sự kiện Lục Tứ, là một phong trào vận động dân chủ yêu nước chống tham nhũng hủ bại của học sinh, sinh viên năm 1989, đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình dùng vũ lực quân đội, xe tăng, súng ống và gậy gộc để đàn áp và tàn sát đẫm máu. Theo ước tính mới nhất của Anh quốc, số người chết trong sự kiện khoảng 10.000 người, với hàng nghìn người khác bị thương. Những ước tính trước đây về số người chết trong các cuộc biểu tình dân chủ Thiên An Môn là vào khoảng vài trăm cho đến trên 1.000 người.
Cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân quyền và các nhà phân tích chính trị đã lên án chính phủ Trung Quốc về vụ thảm sát. Nhiều nước phương Tây áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã bắt giữ trên diện rộng những người biểu tình và những người ủng hộ họ, đàn áp các cuộc biểu tình khác xung quanh Trung Quốc, trục xuất các ký giả nước ngoài, kiểm soát chặt chẽ việc đưa tin các sự kiện trên báo chí trong nước, củng cố cảnh sát và lực lượng an ninh nội bộ, cách chức hoặc bắt giữ các quan chức mà họ cho là có thiện cảm với người biểu tình. Tình báo của phương Tây đã phát động Chiến dịch Chim hoàng yến, giúp các nhân vật lãnh đạo cuộc biểu tình trốn ra nước ngoài qua ngả Hồng Kông nhằm đưa họ trở thành các lãnh đạo phong trào chống nhà nước Trung Quốc trong tương lai.
T.P