Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNền kinh tế Mỹ phải trả giá thế nào khi thoát vỡ...

Nền kinh tế Mỹ phải trả giá thế nào khi thoát vỡ nợ

Thỏa thuận về việc nới trần nợ công của Washington sẽ giúp Mỹ tránh được một vụ vỡ nợ, nhưng có thể giáng thêm đòn lên nền kinh tế vốn đang lao đao.

Thỏa thuận về việc nới trần nợ công sẽ làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công vào cuối tuần trước, và đang chờ Quốc hội thông qua. Như vậy, Mỹ có thể thoát khỏi kịch bản tồi tệ nhất là một cuộc vỡ nợ.

Nhưng dù ít hay nhiều, thỏa thuận này vẫn làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trong những quý vừa qua, chi tiêu liên bang đã thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Nhưng xu hướng này có thể bị đảo ngược sau thỏa thuận mới về trần nợ.

Nguy cơ suy thoái gia tăng
Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, hai tuần trước khi giới chức Mỹ đạt được thỏa thuận, các nhà kinh tế đã tính toán khả năng Mỹ rơi vào suy thoái là 65%.

Đối với các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), việc chính phủ hạn chế chi tiêu sẽ là biến số mới mà họ cần tính đến để đưa ra các quyết định về lãi suất điều hành và dự báo tăng trưởng.

Các thị trường đang nghiêng về khả năng Fed tăng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm lên vùng 5,25-5,5%.

“Thỏa thuận này tương đương với việc thắt chặt chính sách hơn nữa, trong bối cảnh chính sách tiền tệ vốn đã thắt chặt rồi”, bà Diane Swonk – kinh tế trưởng tại KPMG – bình luận. Vị chuyên gia cho rằng cả hai sẽ khuếch đại lẫn nhau.

Chi tiêu sẽ bị giới hạn kể từ năm tài khóa mới, tức ngày 1/10. Nhưng tác động có thể xuất hiện trước đó, chẳng hạn việc dừng hỗ trợ Covid-19 hoặc các khoản vay sinh viên. Dù vậy, những thay đổi này có khả năng không được thể hiện trên GDP.

Việc giới hạn chi tiêu tài khóa có thể sẽ diễn ra đúng vào thời điểm nền kinh tế Mỹ suy yếu. Khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế học cho thấy GDP quý III và IV của Mỹ có khả năng ghi nhận mức giảm 0,5%.

“Số nhân tài khóa (đo lường hiệu quả của việc tăng chi tiêu trong chính sách tài khóa của chính phủ đối với GDP) thường tăng cao trong thời kỳ suy thoái. Vì thế, nếu kinh tế Mỹ bước vào suy thoái, việc giảm chi tiêu tài khóa sẽ tác động lớn hơn tới GDP và việc làm”, ông Michael Feroli – chuyên gia kinh tế trưởng Mỹ tại JPMorgan Chase & Co. – nhận định.

Nhưng ông vẫn tin rằng Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái. Bất chấp việc Fed tăng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái, nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang chống chịu tốt.

Tác động không nhỏ
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm. Theo một nghiên cứu của Fed San Francisco, người tiêu dùng vẫn còn một khoản tiết kiệm lớn do hạn chế chi tiêu trong thời kỳ đại dịch.

Các quan chức Fed sẽ phải tính toán nhiều thứ. Ngoài tác động của thỏa thuận về trần nợ công đối với triển vọng kinh tế, thị trường tiền tệ và thanh khoản cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Thêm vào đó, Mỹ đã đạt giới hạn nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng 1. Kể từ đó đến nay, Bộ Tài chính Mỹ dùng toàn bộ tiền mặt để tiếp tục thanh toán.

Một khi nỗi lo về trần nợ qua đi, cơ quan này sẽ buộc phải tăng cường bán trái phiếu kho bạc để tăng tiền mặt. Làn sóng này có thể rút cạn thanh khoản từ hệ thống tài chính, dù rất khó đánh giá tác động một cách chính xác.

Bản thân Fed cũng đã bán danh mục đầu tư trái phiếu lên tới 95 tỷ USD mỗi tháng. Động thái này sẽ được giới quan sát theo dõi chặt chẽ trong những tuần tới.

Xét về lâu dài, quy mô của việc thắt chặt chi tiêu chắc chắn sẽ tác động đến nợ công của Mỹ.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Mỹ cần siết ngân sách cơ bản (không tính tiền trả lãi) thêm 5 điểm phần trăm GDP “để nhanh chóng giảm nợ công vào cuối thập kỷ này”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới