Báo chí phương Tây và các nước đồng loạt đưa tin trong tháng 5 này, Trung Quốc tỏ ra hung hăng hơn bao giờ hết với một chuỗi hành động gây căng thẳng trên Biển Đông. Điều này chứng tỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh ngày càng trở nên mãnh liệt.
Chuỗi hành động đó bao gồm:
Một, cuộc tập trận với “cường độ cao” ở Biển Đông khi có đội tàu hải quân hùng hậu tham gia, dẫn đầu là một tàu khu trục lớn 10.000 tấn lớp 055 của Hải quân Trung Quốc.
Hai, tàu khu trục Type 052D Trường Sa và các tàu khu trục Type 054A Liễu Châu và Nhạc Dương trực thuộc lực lượng hải quân của Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam, kết hợp với sự dẫn dắt của tàu khu trục lớn nêu trên, đã tổ chức tập trận phối hợp ở Biển Đông trong hơn 80 giờ, kéo dài trên bốn khu vực, trong 4 ngày, 3 đêm.
Ba, Trung Quốc cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng các tàu hải cảnh, tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, với âm mưu trực tiếp là gây khó khăn, cản phá hoạt động khai thác dầu khí.
Bốn, Trung Quốc triển khai “đèn báo hiệu” tại quần đảo Trường Sa; tổ chức tìm kiếm cổ vật, chủ yếu là sản phẩm gốm sứ, từ những con tàu đắm để chứng minh lịch sử giao thương hàng hóa của nước này từ xa xưa (thế kỷ 14 – 15) trên Biển Đông.
Liên kết chuỗi hành động này của chính quyền Bắc Kinh, thấy rõ một điều, tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ đằng sau những lời nói hữu hảo. Hành động trực tiếp của họ là, quấy nhiễu, đe dọa những quốc gia khác như Việt Nam, Philippines, Indonesia… ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia này. Bắc Kinh đã vi phạm trắng trợn Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOC-1982), bất chấp mọi phản đối của các nước láng giềng ở khu vực và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Phía sau những cuộc tập trận dồn dập này, Trung Quốc muốn tỏ rõ thái độ cạnh tranh với Mỹ, rằng họ là một cường quốc vô địch trong khu vực, bên cạnh đó là sự đe dọa, nếu quốc gia nào trong khu vực có hành động phản kháng, thì sẽ phải đối diện với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
“Miệng Nam mô, bụng bồ dao găm”, Bắc Kinh luôn ngon ngọt nói rằng, nước này là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, chỉ mong muốn được đối thoại, hợp tác, vì một biển Đông hòa bình, ổn định. Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc, mới đây đưa tin Bắc Kinh cam kết sẵn sàng hợp tác với ASEAN để đưa ra các đảm bảo về mặt thể chế để xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Luôn ca ngợi “4 tốt, 16 chữ vàng”, mới đây từ ngày 23/5 đến 25/5, Trung Quốc cử tàu huấn luyện Thích Kế Quang của Hải quân thăm xã giao thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Dẫn đầu đoàn là một Thiếu tướng hải quân Trung Quốc. Cờ hoa bay rợp và những cái bắt tay xiết chặt giữa hải quân hai nước. Giả dối hết sức!
Không phải bây giờ mà trong bao năm qua, ít nhất là từ năm 1990 đến nay, Trung Quốc luôn luôn nói một đằng, làm một nẻo như thế.
Chuỗi hành động dồn dập của Trung Quốc nằm trong âm mưu thực hiện chiến thuật “vùng xám” để chuẩn bị nâng tầm của chiến thuật này. Đây là điều mà Việt Nam và các nước đang có tranh chấp cần cảnh giác. Có những thực thể mà từ trước đến nay chưa có bên nào chiếm giữ ở khu vực Trường Sa, nay Trung Quốc nâng số lượng chuyến tàu của họ ngang qua đó.
Trung Quốc tăng cường các chuyến tàu qua đây giống như họ đã làm với khu vực Đá Ba Đầu vào năm 2021. Không chỉ “đi qua”, họ cho tàu neo đậu ở ngay gần đó, mặc dù có nhiều nơi họ chưa xây cất gì, nhưng qua đó để khẳng định sự hiện diện “thường xuyên” hơn, như một sự đã rồi, một tất yếu (!).
Trong tháng 5, tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc đã vào vùng EEZ của Việt Nam quấy nhiễu từ đầu tháng, nhưng đến cuối tháng Hà Nội mới lên tiếng. Tuy chậm còn hơn không. Cần phải lên tiếng mạnh mẽ để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Nếu cứ im lặng thì một khi Trung Quốc đe dọa, sử dụng chiến thuật “vùng xám” uy hiếp, rồi xâm phạm hải phận trắng trợn, thì tiếng nói của Việt Nam sẽ không được quốc tế lắng nghe và ủng hộ.
Xin lưu ý một điều, các cuộc tập trận mới đây của quân đội Trung Quốc đã rèn luyện, nâng cao khả năng định hướng chiến đấu của từng tàu và toàn bộ đội tàu của họ. Điều này đặt nền tảng vững chắc để họ thực hiện các cuộc đấu tranh quân sự linh hoạt và tăng cường khả năng đối phó với các tình huống khẩn cấp một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, các cuộc tập trận thường xuyên của Trung Quốc có thể đóng vai trò như một thông điệp rằng nước này sẽ không thỏa hiệp trước hành động khiêu khích và gây bất hòa thông qua sức mạnh quân sự của Mỹ, đồng thời nhắn gửi với các nước trong khu vực nên “tìm kiếm sự hợp tác”.
Một lần nữa, Trung Quốc lại bộc lộ tham vọng độc chiếm Biển Đông một cách mạnh mẽ và ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế. Việt Nam và các nước trong khu vực cần đoàn kết chặt chẽ hơn, chuẩn bị đối phó chủ động hơn với “chiến thuật vùng xám mới” của Bắc Kinh.
H.Đ