Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hầu hết các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều phản đối sự mở rộng của NATO trong khu vực.
“Lập trường của hầu hết các nước trong khu vực này rất rõ ràng: họ phản đối việc thiết lập các khối quân sự khác nhau trong khu vực, họ không hoan nghênh việc NATO mở rộng sang châu Á, họ không chấp nhận việc chuyển sự đối đầu mang tính bè khối sang châu Á”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo hôm nay 5/6.
Ông Uông khẳng định, các quốc gia trong khu vực “sẽ không cho phép xảy ra Chiến tranh Lạnh hay chiến tranh nóng ở châu Á”.
Bình luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau tuyên bố của các quan chức Indonesia, Singapore và một số quốc gia khác rằng họ không muốn chứng kiến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Theo ông Uông, châu Á là “khu vực có tiềm năng tăng trưởng và phát triển lớn nhất trên thế giới”. Ông cho rằng châu Á nên là một khu vực hợp tác cùng có lợi và không nên chia thành các khối “nhỏ khép kín và độc quyền”.
“Một số quốc gia nói rằng họ tự do và cởi mở trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực, nhưng trên thực tế, họ đang liên tục chia nhỏ các khối quân sự khác nhau và cố gắng đưa NATO vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông Uông cho biết.
Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào cuối tuần trước, các quan chức quốc phòng Indonesia, Singapore và một số quốc gia khác đã bày tỏ sự lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong khu vực.
Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã công bố sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại diễn đàn, ông lưu ý rằng việc thành lập các liên minh quân sự kiểu NATO ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ dẫn đến một loạt xung đột.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, tâm lý Chiến tranh Lạnh đang trỗi dậy và làm gia tăng đáng kể rủi ro an ninh. Ông chỉ trích Mỹ một cách kín đáo, cáo buộc “một số quốc gia” tăng cường chạy đua vũ trang và cố ý can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, châu Á – Thái Bình Dương ngày nay cần sự hợp tác cởi mở và toàn diện, không phải là kết thân theo nhóm nhỏ.
NATO đang có kế hoạch mở văn phòng liên lạc đầu tiên ở châu Á, đặt tại Nhật Bản vào năm 2024. Động thái này được cho là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại của NATO với các đối tác an ninh như Hàn Quốc, Australia và New Zealand, đối phó với những thách thức địa chính trị từ Trung Quốc và Nga.