Với vụ vỡ đập Nova Kakhovka ở Ukraine, có nhiều cảnh báo về nguy cơ thảm họa sinh thái và hạt nhân nếu nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị ảnh hưởng.
Phát biểu ngày 6-6, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân cảnh báo vụ vỡ đập Nova Kakhovka trên sông Dnieper ở vùng Kherson có thể đe dọa nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và kêu gọi cả Nga lẫn Ukraine đảm bảo điều này không xảy ra.
“Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại rất lớn về việc con đập tại nhà máy thủy điện Kakhovka bị vỡ”, Đài Russia Today dẫn lời ông Trương nói.
Theo đại sứ Trung Quốc, hồ chứa Kakhovka là nguồn cung cấp nước làm mát chính cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và việc hồ chứa bị cạn có thể khiến nhà máy không có đủ nước trong tương lai.
“Trung Quốc nhắc lại rằng trong trường hợp xảy ra thảm họa hạt nhân, không ai có thể tránh bị ảnh hưởng. Chúng tôi kêu gọi kiềm chế tối đa, tránh những lời nói và hành động có thể leo thang đối đầu và dẫn đến tính toán sai lầm, đồng thời duy trì sự an toàn và an ninh của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”, ông Trương cảnh báo.
Thảm họa hạt nhân “chậm”
Đập Nova Kakhovka bị vỡ sáng 6-6 gây ngập lụt nghiêm trọng tại hàng chục ngôi làng lân cận và buộc hơn 17.000 người phải di tản và có thể hàng chục ngàn người nữa phải rời bỏ nhà cửa.
Cả Ukraine và Nga đều đổ lỗi cho nhau làm vỡ đập. Ukraine cho rằng Nga phá đập nhằm ngăn cản cuộc phản công của nước này, trong khi Matxcơva nói Kiev muốn cắt nguồn nước của bán đảo Crimea bị sáp nhập vào Nga năm 2014.
Trong khi đó, đối với người dân tại đây, họ đang phải đối mặt thêm với nguy cơ thảm họa trong lúc cuộc sống đã khó khăn vì chiến tranh.
Báo Guardian dẫn lời các nhà phân tích cho rằng trong trường hợp xấu nhất, vụ vỡ đập có thể gây nguy hiểm lâu dài cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Nếu không có đủ nguồn nước trong tương lai, nhà máy này sẽ không thể làm mát hệ thống, vận hành các máy phát điện và từ đó có thể làm rò rỉ hạt nhân.
Bình luận trên Twitter, ông Edwin Lyman, chuyên gia an toàn hạt nhân tại liên minh các nhà khoa học có liên quan, gọi tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là một “thảm họa chậm”. “Chúng ta sẽ thấy tác động đối với nhà máy theo thời gian. Có một khoảng thời gian để giải quyết vấn đề này, nhưng nó không phải là vô hạn”, ông Lyman nói.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nói rằng nhà máy Zaporizhzhia hiện không gặp nguy hiểm vì các hồ chứa nước làm mát của nhà máy đang đầy và đủ đáp ứng trong vài tháng tới. Theo Hiệp hội Hạt nhân Mỹ, nhà máy này cũng có máy bơm để lấy nước từ các nguồn thay thế. Ngoài ra, nhà máy Zaporizhzhia không còn hoạt động trong vài tháng qua nên sẽ cần ít nước làm mát hơn.
Nhưng chiến sự kéo dài từ đầu năm ngoái đến nay đã gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng và nguồn nước của Ukraine. Vụ vỡ đập Nova Kakhovka khiến nhà máy Zaporizhzhia lại mất thêm một lớp bảo vệ an toàn.
Thảm họa sinh thái
Cựu bộ trưởng sinh thái Ukraine, ông Ostap Semerak, cho rằng bên cạnh mối đe dọa về hạt nhân, vụ vỡ đập có thể gây ra những hiểm họa tiềm tàng khác.
Cụ thể, ông này nói rằng khi nước lũ nhấn chìm các thành phố, trạm xăng và trang trại, cuốn theo các hóa chất nông nghiệp và sản phẩm hóa dầu chảy vào biển Đen.
“Điều này sẽ có tác động đến Romania, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria. Nó sẽ có hại cho tất cả khu vực”, ông Semerak nói trên báo Guardian khi cảnh báo “đây có thể là thảm họa tồi tệ nhất ở Ukraine kể từ Chernobyl năm 1986”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết 150 tấn dầu nhờn công nghiệp đã bị cuốn trôi khi phòng chứa động cơ tại nhà máy thủy điện Kakhovka chìm trong nước.
Bà Olena Kravchenko, giám đốc của tổ chức phi chính phủ về Luật Môi trường nhân dân Ukraine, nói rằng đập Nova Kakhovka bị vỡ có nguy cơ gây ra “hậu quả môi trường chưa từng có” đối với các khu vực hạ lưu, cửa sông Dnieper và các hệ sinh thái ở khu vực ven biển Đen.
Khi dòng sông bị ô nhiễm, một số thành phố, bao gồm cả Kherson, có thể thiếu nước và những vùng đất nông nghiệp không đủ nước tưới tiêu, ảnh hưởng đến mùa màng.