Chỉ có việc đề xuất mở một Văn phòng của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Nhật Bản mà đã gây rất nhiều tranh luận trái chiều. Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thẳng thừng bác bỏ khả năng Tokyo gia nhập NATO thì Pháp phản đối ý tưởng mở Văn phòng liên lạc tại Nhật Bản.
Có thể xem thái độ của Paris là ngăn chặn từ xa việc Nhật Bản muốn đứng cùng hội cùng thuyền với NATO.
Không chỉ là chuyện nội bộ giữa Paris và Tokyo mà là chuyện đối ngoại. Phải chăng Paris muốn tránh khơi thêm những hiềm khích với Trung Quốc, vì những xích mích với Nga thời gian qua đã quá mệt mỏi.
Tại sao lại liên quan đến Trung Quốc? Nguyên nhân sâu xa là ở chỗ: NATO đang muốn tăng cường ảnh hưởng nhằm đối phó với các thách thức địa-chính trị từ Trung Quốc và Nga. Với ý đồ đó, Văn phòng đại diện dự kiến sẽ được mở trong năm 2024, góp phần thúc đẩy các trao đổi giữa liên minh NATO và những đối tác an ninh như Hàn Quốc, Úc, New Zeland…
Theo tin từ Hãng AFP, hôm 6/6 một quan chức Bộ Ngoại giao Pháp tiết lộ: Paris thận trọng trong việc không đồng ý cho việc mở Văn phòng NATO tại Nhật Bản là vì, Khối này là một liên minh quân sự “hoạt động trong vùng Bắc Đại Tây Dương”. Vì thế cần có “giới hạn rõ ràng phạm vi hành động” trong khu vực.
Theo đó, Paris có thể dùng quyền phủ quyết, bác bỏ kế hoạch NATO đặt văn phòng đại diện tại Tokyo.
Vậy nước chủ nhà Nhật Bản thì sao? Tokyo có muốn NATO mở Văn phòng hay không? Xin thưa, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng khẳng định, quốc gia Đông Á này không có ý định gia nhập khối liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, dù là với vai trò thành viên chính thức hay thành viên không hoàn toàn. Tuy nhiên, ông Kishida thừa nhận, Liên minh quân sự lớn nhất thế giới này có kế hoạch mở Văn phòng đại diện tại Nhật Bản.
Không gia nhập, không có nghĩa là Nhật Bản từ chối sự hợp tác với NATO. Trái lại, Nhật Bản đang muốn mở rộng thêm các phương án về mặt chiến lược, nhằm “nâng cao khả năng răn đe” trong bối cảnh tình hình khu vực căng thẳng. Điều dễ thấy là, Nga và Trung Quốc đang hợp tác chặt chẽ về kinh tế, quân sự; Bắc Triều Tiên ngày càng gắn bó với Trung Quốc và Nga để phát triển vũ khí hạt nhân; Eo biển Đài Loan vẫn đang là cái lò lửa có thể bùng cháy dữ dội…
Không phải bây giờ mà từ 2007, thời ông Shinzo Abe làm Thủ tướng, Nhật Bản đã tìm cách xích lại gần NATO. Hơn một năm qua, cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, cùng với tham vọng thôn tính Đài Loan của Bắc Kinh bằng vũ lực, càng thúc đẩy Tokyo mở toang cánh cửa đón ngọn gió từ Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
NATO cũng đã nhìn thấu tâm can Trung Quốc. Quốc gia này ngày càng hung hăng, trở thành mối đe dọa ngày càng lớn, và là một “đối thủ cạnh tranh có hệ thống”. Pháp cùng với Mỹ và Anh là ba thành viên của NATO, đồng thời là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quyền phủ quyết và là các nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Thế cho nên, thật đáng ngạc nhiên khi Paris “chống đối” việc mở Văn phòng liên lạc tại Tokyo, nhất là khi biết rằng NATO đã có một số cơ sở tương tự ở ngoài khối như là tại Ukraina hay Kuweit!
Tờ Le Figaro của Pháp giải thích: nếu đặt Văn phòng của NATO ở Nhật Bản sẽ “hoạt động quá xa khu vực” mà tổ chức này cần “phụ trách”. Một lý do nữa, đó là… “yếu tố Bắc Kinh”. Paris lo ngại sẽ bị đẩy vào thế kẹt giữa một bên là Mỹ và bên kia là Trung Quốc. Nếu Văn phòng của NATO được đặt tại Nhật Bản chả khác nào đổ thêm dầu vào lửa.
Lại nữa, nếu đặt Văn phòng tại Nhật Bản thì có đặt tại Hàn Quốc không, nếu Seoul đề nghị? Nếu có hai Văn phòng của NATO sát nách Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ vô cùng “ngột ngạt” vì bị “bao vây tứ bề”.
Lúc này Tokyo đang rất khó hiểu về quan điểm của Paris. Một chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học Tokyo, ông Akira Igata viết trên báo Le Figaro, tỏ ý tiếc rằng “những gì đang diễn ra tại châu Âu hiện nay sẽ được lập lại tại châu Á trong tương lai”. Rằng, Pháp có thể đã “nhầm lẫn” khi coi việc mở Văn phòng đại diện tại Nhật Bản là việc kết nạp thêm một thành viên của Châu Á – Thái Bình Dương vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (!).
Còn nhà nghiên cứu Stephen R. Nagy của đại học Công giáo ở Tokyo nêu một lý do khác: NATO và châu Á đang cần đến nhau hơn bao giờ hết. Sự cần đến nhau thể hiện ở nhiều điều, chỉ xin nêu một vấn đề quân sự, đó là, chiến đấu cơ của Âu-Mỹ rất cần sử dụng chíp do châu Á sản xuất.
Cũng có những phân tích khác lưu ý rằng, NATO muốn Nhật Bản ủng hộ Âu-Mỹ trong cuộc chiến với Ukraine, nhưng lại đẩy những mối lo ngại của Tokyo về an ninh xuống hàng thứ yếu, vì sợ bất hòa với Trung Quốc.
Vậy là, câu chuyện mở Văn phòng của NATO tại Nhật Bản đang vấp phải sự phản ứng của các quốc gia đồng minh và trong khu vực. Đương nhiên, Trung Quốc sẽ là nước phản ứng đầu tiên.
Chỉ thương cho khổ chủ Tokyo, lòng thì muốn, lời thì ấp úng. Ông Tomita Koji, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, ấp úng: “Việc mở văn phòng đại diện là một trong những điều chúng tôi đang thảo luận… Chúng tôi chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này. Nhưng chúng tôi vẫn tin, đang trên con đường đến đó”.
H.Đ