Trong những năm gần đây, các tính năng chia sẻ trên điện thoại như Bluetooth và AirDrop được người biểu tình ở Trung Quốc và Hong Kong sử dụng rộng rãi để tránh sự kiểm duyệt của chính quyền trong khi chia sẻ dữ liệu. Theo các quy định do chính quyền Trung Quốc đưa ra, AirDrop và Bluetooth sẽ phải đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Trong tương lai, người dùng sẽ được yêu cầu đăng ký bằng tên thật trước khi ghép nối và chia sẻ dữ liệu.
AirDrop chỉ hỗ trợ dành riêng cho điện thoại iOS hoặc MacOS, nó hoạt động tương tự như tính năng truyền dữ liệu qua Bluetooth của điện thoại hệ điều hành Android. Các nhà hoạt động nói rằng, động thái trên của chính quyền sẽ cản trở khả năng huy động mọi người hoặc khả năng chia sẻ thông tin của họ.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong là kênh truyền thông đầu tiên đưa tin về quy định mới này. Theo một tuyên bố từ Cục quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh dữ liệu tại nước này, quy định sắp tới nhắm vào các công nghệ truyền dẫn không dây qua Bluetooth hoặc Wifi.
Ở Trung Quốc, các dịch vụ chia sẻ như Bluetooth và AirDrop là các kênh chuyển tiếp thông tin quan trọng, đặc biệt là khi đang ở bên trong bức tường lửa Internet nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mọi người thường sử dụng các dịch vụ này để lan truyền thông điệp chính trị, gửi tệp, hình ảnh, âm thanh và video tới nhiều thiết bị lân cận.
Theo quy định, việc sử dụng công nghệ này phải phù hợp với các quy định của “Luật An ninh mạng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, yêu cầu người dùng cung cấp thông tin nhận dạng thực.
Các quy định liên quan chỉ được công bố bằng tiếng Trung và không nêu tên AirDrop hoặc các phần mềm chia sẻ khác.
Tuy nhiên, AirDrop lại được các nhà hoạt động sử dụng vô cùng rộng rãi, vì nó không yêu cầu kết nối Internet và cho phép họ chia sẻ thông tin với người lạ mà không bị lộ thông tin cá nhân.
Ví dụ, tháng 10 năm ngoái, một số nhà hoạt động đã sử dụng AirDrop để chia sẻ các áp phích chống ông Tập Cận Bình trên tàu điện ngầm Thượng Hải. Vào thời điểm đó, ông Tập Cận Bình sắp giành được nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, một điều chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên, ngay sau khi ông Tập nhậm chức, Apple đã cập nhật phiên bản AirDrop tại Trung Quốc và giới hạn phạm vi chia sẻ.
Apple đã thay thế tùy chọn “Mọi người” bằng tùy chọn “Mọi người trong 10 phút” để giới hạn thời gian người dùng có thể sử dụng tính năng này. Trước đó, AirDrop có ba tùy chọn: “Không nhận” (Receiving Off), “Chỉ danh bạ” (Contacts Only) và “Mọi người” (Everyone).
Giờ đây, người dùng Trung Quốc bị giới hạn thời gian 10 phút khi nhận tệp từ những người không trong danh bạ, sau 10 phút, tính năng này sẽ tự động đóng.
Apple đã không giải thích lý do tại sao họ tung ra bản cập nhật này tại Trung Quốc đầu tiên. Nhưng nhiều năm qua, gã khổng lồ công nghệ này vẫn luôn bị chỉ trích vì cố gắng lấy lòng chính quyền Trung Quốc.
Apple đã không trả lời yêu cầu bình luận của nhiều kênh truyền thông về quy định này.
Trong quy định mới còn yêu cầu các công ty công nghệ cài đặt mặc định cho chức năng chia sẻ tệp là “Đóng tiếp nhận”; nếu không được người dùng cấp quyền, các chức năng xem trước thông tin cũng phải mặc định tắt.
Theo BBC, nhà hoạt động nhân quyền người Hà Lan Lâm Sinh Lượng (Lin Shenliang) cho biết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc rất muốn bịt các lỗ hổng trên Internet và đàn áp những tiếng nói đối lập”.
Ông Lâm suy đoán rằng Bắc Kinh có thể sẽ đưa ra nhiều quy định như vậy hơn nữa. “Đây là một Trung Quốc đang tiến tới ‘1984’”. Ông đang đề cập đến tác phẩm “1984” của tác giả George Orwell, cuốn tiểu thuyết chống lại chủ nghĩa toàn trị, độc tài.
Một kỹ sư phần mềm yêu cầu được giấu tên cho biết, nếu các nhà phát triển phần mềm và điện thoại di động muốn tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc, họ hoặc là phải tuân thủ các quy định mới hoặc là bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng.
“Giống như WeChat, các nhà phát triển sẽ phải cung cấp chức năng kiểm duyệt và chấp nhận mệnh lệnh gỡ bỏ [bài viết hoặc tin nhắn]. Những quy định mới này có thể trở thành chướng ngại đối với các ứng dụng không phải của Trung Quốc”, vị kỹ sư này cho hay.
Tuy nhiên, nhà hoạt động nhân quyền Lâm Sinh Lượng cho rằng làn sóng phản kháng trước đây trong thời áp đặt chính sách Zero Covid đã đánh dấu một sự thức tỉnh chính trị mới trong quần chúng Trung Quốc, nó sẽ không dễ dàng bị dập tắt.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ tìm ra những cách mới để lên tiếng. Nếu chúng tôi dũng cảm và sát cánh cùng nhau, chúng tôi sẽ không bị áp chế”.
T.P