Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐừng bắt nước chảy ngược!

Đừng bắt nước chảy ngược!

Chính quyền Đài Bắc vừa lên tiếng phản đối Bộ Ngoại giao Việt Nam vì đã yêu cầu quân đội Đài Loan dừng ngay việc tổ chức bắn đạn thật trên đảo Ba Bình. Phớt lờ và phản đối sự thật là hành động “bắt nước chảy ngược” của Đài Loan.

Nguyên văn phản đối của Bộ Ngoại giao Đài Loan được phát đi hôm 11/6 : “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tuyên bố cuộc tập trận bắn đạn thật gần đây do Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) tổ chức ở vùng biển chung quanh đảo Thái Bình (Ba Bình) là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Bà cũng tuyên bố rằng cuộc tập trận gây ra mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định hàng hải và an ninh hàng hải, đồng thời làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) cho rằng những tuyên bố này hoàn toàn không thể chấp nhận được !”.

Đài Bắc còn khẳng định, họ có quyền “thực hiện tất cả các quyền của một quốc gia có chủ quyền đối với Đảo Thái Bình và các vùng biển liên quan”. Nhân danh Bộ Ngoại giao, họ nhắc lại “bốn nguyên tắc” và “năm hành động” mà nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố năm 2016 để tìm cách giải quyết các vấn đề về Biển Đông.

Trước đó, hôm 8/6, trả lời câu hỏi của báo chí về phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển chung quanh Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển chung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam…”

Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố có đầy đủ chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý đối với đảo Ba Bình vô cùng rõ ràng. Trước hết về địa lý, Ba Bình có độ cao chừng 4m, thấp hơn Nam Yết một chút, diện tích 489.600m2 (gần 50ha). Đây là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Đảo có điều kiện sinh hoạt tốt nhất, đất đai màu mỡ, trồng được khoai mì, rau cải, chuối… Chung quanh có san hô, mặt nước khá yên tĩnh, tàu nhỏ có thể cập bến khá tốt. Rất tiếc, nó đang là thực thể tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc và Philippines.

Câu chuyện về “dòng nước chảy xuôi” – Ba Bình của Việt Nam- khá dài. Chúng tôi chỉ xin tóm tắt mấy điểm đủ thấy Ba Bình nói riêng, Trường Sa, Hoàng Sa nói chung là của Việt Nam từ hàng thế kỷ nay. Từ năm 1933, với danh nghĩa “bảo hộ” Việt Nam, Pháp đã cho quân chiếm đóng, thiết lập Đài quan trắc khí tượng, số hiệu 48919, do World Meteorological Organisation cấp phát cùng với Đài quan trắc ở Hoàng Sa (Pattle) mang số hiệu 48860 và Phú Lâm mang số hiệu 48859.

Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, chế độ bảo hộ Pháp có viên Khâm sứ đứng đầu Trung kỳ chịu trách nhiệm quản lý quần đảo Hoàng Sa. Trong khi Nam kỳ quản lý quần đảo Trường Sa, lại ở dưới chế độ thuộc địa Pháp, song thực chất tất cả đều thuộc chế độ đô hộ kiểu trực trị của Pháp. Mọi quyền hành trong tay Pháp. Chính quyền Nam triều chỉ có trên danh nghĩa. Song trên thực tế chính quyền thuộc địa Pháp cũng đã có những hành động cụ thể để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.

Ngày 22/8/1956, lực lượng hải quân của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đổ bộ lên các hòn đảo chính của nhóm Trường Sa, dựng Cột đá chủ quyền và trương cờ.

Hai tháng sau, vào tháng 10/1956, hải quân Đài Loan bất ngờ chiếm đảo Ba Bình (vào thời điểm này, Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm).

Phải hơn 50 năm sau, vào ngày 21/1/2008, lần đầu tiên Đài Loan cho máy bay quân sự C-130 Hercules hạ cánh xuống đường băng vừa xây xong trên đảo Ba Bình. Hành động ngang ngược này xâm phạm trắng trợn lãnh thổ Việt Nam.

Theo thông tin trên Thời báo Đài Bắc, hiện Đài Loan đã triển khai tên lửa chống thiết giáp Kestrel phát triển nội địa trên đảo Ba Bình để “tăng cường khả năng phòng thủ của đơn vị đồn trú và chống đổ bộ”. Học con bài “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc, đóng trên đảo Ba Bình hiện nay là đơn vị cảnh sát biển thay cho lực lượng thủy quân lục chiến.

Trong những năm qua, Trung Quốc, Philippines cũng liên tục “đòi” Đài Loan phải trả lại Ba Bình. Nhưng chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý của hai quốc gia này hầu như không có. Chỉ có chính quyền Đài Bắc vì đã chiếm giữ lâu và đã xây dựng xong một số cơ sở quân sự cho nên họ liên tục khẳng định Ba Bình là… của Đài Loan và thường xuyên tổ chức luyện tập sẵn sàng chiến đấu.

Việt Nam trước sau như một khẳng định dứt khoát chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có đảo Ba Bình. Giành lại quyền kiểm soát các thực thể đang bị chiếm giữ trái phép là công việc lâu dài. Lúc này chỉ mong Đài Loan đừng ham cái nhỏ mà bỏ cái lớn, đừng để bị lợi dụng biến thành “con tốt” trong ván bài tranh chấp địa-chính trị, địa – chiến lược giữa các nước lớn, mà rõ nhất ở đây là giữa Mỹ và Trung Quốc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới