Kinh doanh dưới giá vốn cùng các khoản chi phí tăng cao khiến Bamboo Airways báo lỗ sau thuế tới 17.619,3 tỉ đồng trong năm 2022. Vốn chủ sở hữu âm 835,8 tỉ đồng.
CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – Mã CK: BAV) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán với doanh thu thuần đạt 11.732,2 tỉ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong kỳ cũng tăng gần gấp đôi so với năm 2021 lên 14.941,7 tỉ đồng khiến Bamboo Airways báo lỗ gộp 3.200,4 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2021 lỗ gộp 4.060,2 tỉ đồng).
Trong năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính của Bamboo Airways đạt 121,1 tỉ đồng, giảm 95,2% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính tăng gấp 4,7 lần lên 1.405,8 tỉ đồng (trong đó chi phí lãi vay là 544,6 tỉ đồng).
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2022 của hãng hàng không này tăng vọt lên mức 12.749,8 tỉ đồng, gấp 80,4 lần so với năm trước. Điều này khiến Bamboo Airways báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 17.592,3 tỉ đồng.
Trừ đi các chi phí khác, Bamboo Airways báo lỗ sau thuế năm 2022 lên tới 17.619,3 tỉ đồng, gấp 7,7 lần so với số lỗ 2.280,7 tỉ đồng trong năm 2021.
Đáng chú ý, khoản lỗ trong năm 2022 đã đẩy giá trị lỗ lũy kế của Bamboo Airways tại cuối năm 2022 lên 19.335,8 tỉ đồng, vượt cả quy mô vốn điều lệ (18.500 tỉ đồng). Vốn chủ sở hữu cũng bị bào mòn từ mức 16.783,4 tỉ đồng xuống âm 835,8 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Bamboo Airways đạt 18.007,6 tỉ đồng, giảm 32,9% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền, cùng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 6.435,8 tỉ đồng.
Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn và dài hạn của Bamboo Airways đạt 9.232,6 tỉ đồng, giảm 43,8% so với đầu năm. Trong đó, hãng bay này đã phải trích lập tới 12.492,3 tỉ đồng dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi (cuối năm 2021 không phát sinh chỉ tiêu này).
Ngoài ra, Bamboo Airways còn ghi nhận 210 tỉ đồng đầu tư tài chính dài hạn. Trong đó, giá trị của khoản dự phòng ở mức 730,7 tỉ đồng, tương đương số vốn đã đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.
Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Bamboo Airways đạt 18.843,5 tỉ đồng, tăng 87% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính (ngắn và dài hạn) là 10.623,3 tỉ đồng, chiếm 59% tổng nguồn vốn.
Gần đạt điểm hòa vốn trong quý 1/2023
Năm 2022, Bamboo Airways đã thực hiện 51.236 chuyến bay an toàn, vận chuyển hơn 7 triệu lượt khách, tăng trưởng từ 100% đến trên 200% so với năm 2021. Tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ bình quân đạt trên 95%, dẫn đầu toàn ngành.
Với sự phục hồi của thị trường hàng không, Bamboo Airways cho biết hoạt động kinh doanh của hãng cũng đang dần phục hồi và gần đạt điểm hòa vốn về hoạt động kinh doanh chính trong quý 1/2023.
Năm 2023, Bamboo Airways đặt kế hoạch tăng trưởng kinh doanh dự kiến trên hai con số, khoảng 15-20% tùy diễn biến thị trường. Để bắt kịp đà hồi phục, hãng đang cân nhắc và tính toán các kịch bản để tăng trưởng đội bay, mở rộng mạng lưới và nâng cao hiệu quả khai thác.
Ban lãnh đạo Bamboo Airways cho biết hãng sẽ tiếp tục hoàn thiện tần suất khai thác và mở thêm các đường bay mới, tập trung vào các thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Australia. Đồng thời, hãng sẽ đề nghị Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương cho phép tăng đội tàu bay lên trên 30 chiếc.
T.P