Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Khổ nhục kế” của Washington?

“Khổ nhục kế” của Washington?

Dề dứ mãi, cuối cùng, ông Anthony Blinken cũng đã có mặt ở Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc. Bình luận về sự kiện này, có người cho rằng: Washington đang dùng “khổ nhục kế”.

Vẻ đăm chiêu của ông Blinken tại sân bay ở Bắc Kinh sáng 18/6.

Dề dứ là bởi, chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ từng dự kiến diễn ra từ tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, vụ khinh khí cầu Trung Quốc “lạc” vào không phận Mỹ và bị bắn hạ, đã khiến chuyến đi bị đình lại. “Đình” chứ không hủy bỏ – như thông tin của giới chức Mỹ. Và ai cũng biết, đó là cách mà Washington thể hiện để Bắc Kinh hiểu Mỹ đang bất bình tới mức nào.

Mỹ thì vẫn thế: giận thì giận, nhưng lại luôn bị chi phối bởi tính thực dụng. Thực dụng nên tự dặn phải kiềm chế, phản ứng vừa đủ, không để vượt quá biên độ khiến mọi thứ vỡ tung kiểu “lành làm gáo, vỡ làm môi…”. Chính thế, có tới hai cú “cắt mặt, cắt mũi” máy bay, tàu khu trục Mỹ của chiến đấu cơ và tàu chiến Trung Quốc diễn ra trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6, vậy mà Washington cũng cố hạ cấp tính chất nghiêm trọng bằng cách diễn ngôn hành động khiêu khích của Trung Quốc thành “tương tác không an toàn” (!).

Liên quan câu chuyện, nhiều người còn dẫn ra Washington đã kiên trì, nhũn nhặn như thế nào nhằm hy vọng có được cái gật đầu của Bắc Kinh để hai bên ngồi lại bàn cách hóa giải những tình huống quân sự “vượt ra ngoài kiểm soát trên biển và trên không” mà Mỹ ngày càng lo ngại. Thậm chí, săn đón mãi, cuối cùng, dẫu chỉ được người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc “ban” cho cái bắt tay hờ hững mươi giây, ông Lloyd Austin – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tuy không nói ra, vẫn đành học “phép thắng lợi tinh thần” của AQ để tự động viên, an ủi “thế vẫn hơn không”.

Trở lại sự kiện được quan tâm từ gần nửa năm, nay mới thành hiện thực. Một số hãng truyền thông quốc tế, trong đó có AFP, cùng với thông tin ông Blinken tới Bắc Kinh, đã gắn tấm hình nhà ngoại giao cao cấp nhất của Nhà trắng lầm lũi bước xuống cầu thang máy bay, gương mặt không những không chút nào rạng rỡ, ngược lại, trĩu nặng ưu tư. Sử dụng tấm hình này, có lẽ cánh báo chí muốn thay cho sự bình luận, rằng: Nhìn vẻ lao lung của ông Blinken kìa. Thì đến vậy thôi, chứ mong gì kết quả!

Nếu truyền thông quốc tế cho là thế thật, thì thực ra, cũng chẳng là một phát hiện ghê gớm; càng không phải là cái gì đó mới mẻ. Nhà trắng đã bi qua trước rồi. Không chứa chất nỗi giận trong lòng, ngày 16/6, nghĩa là trước thềm chuyến công du của ông Blinken, ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, đã nói thẳng trong cuộc họp báo ở Nhật Bản: “Ngoại trưởng Blinken sẽ giải thích chính sách của Mỹ là theo đuổi con đường ngoại giao để kiểm soát căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chúng tôi không kỳ vọng chuyến thăm sẽ mang tới đột phá nào trong quan hệ song phương với Trung Quốc”.

“Không kỳ vọng…” chỉ là một cách nói. Nếu trắng ra, chắc tới 99% không đạt mục tiêu. Vậy nên, một câu hỏi tất yếu nhiều người đặt ra, là: biết trước là không có kết quả, sao Washington vẫn cố làm để bị mang tiếng trước thiên hạ như một kẻ yếu thế trước Bắc Kinh?

Nhiều người còn tinh quái gắn sự kiện này với một loạt cuộc đổ bộ tới Bắc Kinh từ tháng 3 trở lại đây những nhân vật tinh hoa bậc nhất trong lĩnh vực công nghệ Mỹ, như Tim Cook (CEO của Apple), Elon Musk (CEO của Tesla), Bill Gates (ông chủ Microsoft) và Jensen Huang (CEO của Nvidia).

Ngần ấy sự kiện, chẳng lẽ không bất thường chăng?

Quá bất thường là khác. Một sự bất thường cho thấy bên cần là Mỹ, bên ngảnh mặt làm cao, thậm chí, làm ngơ, là Trung Quốc.

Nói cho cùng, sự hiện diện tại Bắc Kinh của những ông vua, ông chúa công nghệ như Tim Cook, Elon Musk, Bill Gates…còn có thể giải thích là chuyện làm ăn của các tập đoàn, doanh nghiệp, chẳng liên quan tới phương diện quốc gia. Còn với ông Blinken lại là câu chuyện khác. Đường đường chính khách hàng đầu siêu cường số một thế giới, vào chính thời điểm quan hệ Mỹ – Trung chạm đáy, chẳng mấy hy vọng nhận được sự đón tiếp thịnh tình mà vẫn khăn gói tới Bắc Kinh, nếu không vì “phương diện quốc gia” thì vì gì? Không vì quốc gia, sao ông Blinken phải chịu tổn thương trước thái độ khinh khỉnh của người Trung Quốc.

Nói cách khác, tình thế buộc ngoại trưởng Mỹ phải dùng phép “khổ nhục kế” để hy vọng Bắc Kinh mủi lòng; từ mủi lòng mà thể hiện chút thiện chí nào đó trước những đề nghị, yêu cầu mà Washington theo đuổi nhằm cải thiện quan hệ giữa hai bên vậy?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới