Ngày 18.6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tới Berlin, bắt đầu chuyến công du 5 ngày tới Đức và Pháp – hai cường quốc lớn của châu Âu và là thành viên hàng đầu của EU.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lý Cường kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Trung Quốc vào tháng 3. Hoàn cầu Thời báo dẫn lời các chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy, Trung Quốc coi trọng quan hệ song phương với hai nước châu Âu và quan hệ chiến lược Trung Quốc – EU.
Chuyến thăm của ông Lý sẽ mang lại sự chắc chắn hơn cho hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu, đồng thời sẽ có lợi cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu khi thế giới vẫn đang trong tình trạng bất ổn do xung đột Nga – Ukraina và nguy cơ đe dọa xu hướng đa cực hóa.
Các chuyên gia nhận định, EU – đặc biệt là các thành viên hàng đầu – muốn tìm kiếm khả năng hợp tác với Trung Quốc để phá vỡ thế bế tắc trong cuộc khủng hoảng Ukraina và khôi phục hòa bình, ổn định cho châu lục. Về phần mình, Trung Quốc cũng tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn với các nước châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khoa học và công nghệ, cũng như kinh tế và thương mại, theo giới phân tích.
“Tất cả những điều này khiến Trung Quốc và các cường quốc hàng đầu của EU chia sẻ những lợi ích và mối quan tâm chung rộng lớn và cụ thể, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển hơn nữa trong quan hệ của Trung Quốc với Pháp, Đức và EU” – Song Luzheng, học giả Trung Quốc cư trú tại Pháp và là nhà nghiên cứu tại Viện Trung Quốc thuộc Đại học Phục Đán, cho hay.
Phục hồi toàn cầu
Tân Hoa Xã dẫn lời Thủ tướng Lý Cường cho biết, Đức là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc và chuyến thăm này sẽ thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống của hai nước.
Ông Lý cho biết, trong những năm gần đây, mối quan hệ Trung Quốc – Đức đã có những bước tiến ổn định, hợp tác song phương không ngừng được tăng cường và mở rộng, với những thành tựu mới đã đạt được trong các lĩnh vực như kinh tế và thương mại, công nghệ, giao lưu nhân dân và trao đổi văn hóa, cũng như phát triển xanh.
Ông Lý Cường chỉ ra, phía Trung Quốc sẵn sàng tham gia trao đổi thẳng thắn và sâu sắc với phía Đức dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt, và đạt được kết quả cùng có lợi, gửi tín hiệu tích cực và mạnh mẽ nhằm duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định cũng như hòa bình và thịnh vượng của thế giới.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chuyến thăm đáp lễ của Thủ tướng Lý Cường có lợi cho việc duy trì trao đổi cấp cao – ông Li Chao, trợ lí Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Âu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, lưu ý.
Ông cũng ghi nhận hợp tác kinh tế – thương mại luôn là trụ cột của quan hệ hai nước. Xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc gần đây giảm sút nên thông qua các cuộc đàm phán, hai bên có thể xây dựng cầu nối cho các doanh nghiệp và giúp khôi phục sự ổn định trong quan hệ kinh tế và thương mại song phương.
Vì một thế giới đa cực
Theo học giả Song Luzheng, Pháp và Đức muốn tìm cách tăng cường hợp tác với Trung Quốc để cùng thúc đẩy đa cực hóa trật tự thế giới.
Với việc Pháp – thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là cường quốc có vũ khí hạt nhân – bắt đầu kêu gọi tự chủ chiến lược sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Emmanuela Macron hồi đầu tháng 4, Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự thế giới đa cực.
Theo trang DW ngày 9.5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi EU “mở rộng và cải tổ”. Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Đức cho biết: “Liên minh châu Âu cần phải thay đổi”, đồng thời nói thêm “Châu Âu phải hướng ra thế giới”. Ông cho biết, thế giới đang ngày càng trở nên đa cực và châu Âu nên tìm kiếm sự hợp tác toàn cầu hơn trên cơ sở bình đẳng.
Pháp hiện đang thực hiện các bước cụ thể để thúc đẩy đa cực hóa. Từ ngày 22-23.6, Pháp sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới. Thủ tướng Lý Cường dự kiến cũng tham dự hội nghị. Hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề bao gồm biến đổi khí hậu, năng lượng, sức khỏe cộng đồng và cách đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng.
Các chuyên gia cho rằng, sự tham dự của Thủ tướng Lý Cường cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc đối với nỗ lực của Pháp trong việc thúc đẩy đa cực hóa trật tự thế giới.
T.P