Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa“Ly hôn là…hạnh phúc” ở TQ

“Ly hôn là…hạnh phúc” ở TQ

Tỉ lệ kết hôn và sinh sản của Trung Quốc đang ở mức thấp kỷ lục nhưng tỉ lệ ly hôn lại tăng chóng mặt trong những thập kỷ gần đây.

Tỷ lệ ly hôn tại Trung Quốc vượt tỷ lệ kết hôn từ năm 2012.

Trong khi chính quyền Trung Quốc đang tìm cách ứng phó với khủng hoảng suy giảm dân số thì nước này lại ghi nhận tỉ lệ ly hôn vượt tỉ lệ kết hôn và sinh sản.

Các vụ bạo lực gia đình gia tăng và phong trào nữ quyền ngày càng mạnh mẽ đã dẫn đến làn sóng ly hôn trên khắp Trung Quốc.

Trung Quốc lần đầu ghi nhận tỉ lệ ly hôn vượt tỉ lệ kết hôn vào năm 2012 và đạt đỉnh 4,71 triệu cặp trong năm 2019. Đến năm 2022, con số này giảm xuống còn 2,1 triệu cặp.

Sự sụt giảm của tỉ lệ ly hôn trong những năm gần đây một phần là do quá trình xử lí đơn ly hôn bị chậm trễ trong đại dịch và quy định “30 ngày hòa giải” được chính phủ đưa ra vào năm 2021.

Chủ nghĩa nữ quyền hiện đại tại Trung Quốc bảo vệ, đòi hỏi các quyền và lợi ích của phụ nữ. Từ việc chống lại định kiến bất bình đẳng giới và “quyền thượng đẳng” của nam giới, phụ nữ Trung Quốc sẵn sàng chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tuy nhiên, những phụ nữ bị hạn chế về tài chính và trình độ học vấn có thể bị thiệt thòi trong việc tiếp cận và thực hiện quyền ly hôn. Phụ nữ có con cũng thường gặp nhiều khó khăn và thách thức về kinh tế trong việc ly hôn và chấp nhận tái hôn sau đó.

Khi các thế hệ sau thập niên 1980 phải đối mặt với phí sinh hoạt ngày càng tăng và giá nhà đất quá cao, họ có xu hướng dựa vào cha mẹ về cả tài chính lẫn chuyện tình cảm.

Cha mẹ tại Trung Quốc thường đầu tư rất nhiều cho đứa con duy nhất của họ, bao gồm học phí, chi phí đám cưới và nơi cư trú sau hôn nhân. Chính điều này đã hợp pháp hóa vai trò của cha mẹ trong việc quản lý cuộc sống riêng tư của con cái.

Từ việc sắp xếp những buổi hẹn hò mù quáng đến giám sát cuộc sống hôn nhân của con, sự can thiệp của cha mẹ dễ gây nên nhiều cuộc xung đột giữa các cặp vợ chồng với hậu quả nghiêm trọng là ly hôn.

Chi phí sinh hoạt gia tăng kết hợp với tình trạng thất nghiệp và phong tỏa trong thời kỳ COVID-19 đã dẫn đến những căng thẳng về kinh tế và tinh thần trong các gia đình. Xã hội đã góp phần gây ra các vụ bạo lực gia đình và xung đột tiềm ẩn ngày càng gia tăng, dẫn đến những mối quan hệ vợ chồng tan vỡ.

Nền kinh tế phát triển của Trung Quốc đã mở ra một chiếc hộp Pandora chứa nhiều lý do dẫn đến ly hôn, bao gồm: Sự thịnh vượng về kinh tế, tự do cá nhân, xu hướng theo đuổi của cải cũng như chủ nghĩa vật chất ngày càng tăng.

Nhu cầu tình cảm đi kèm với sự gia tăng về sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, mại dâm và ngoại tình trong hôn nhân đã dẫn đến hậu quả tan vỡ các mối quan hệ và ly hôn.

Tiệc ly hôn hiện nay thường được các thế hệ sau thập niên 1980 tổ chức. Kể từ đầu những năm 2010, nghi lễ này nổi lên như một “cách tiếp cận tao nhã” để kết thúc tình yêu và kỷ niệm hôn nhân.

Ngày càng có nhiều phụ nữ chia sẻ cuộc sống hậu ly hôn đầy tích cực trên mạng xã hội, họ ca ngợi giấy ly hôn là “giấy chứng nhận hạnh phúc”. Thậm chí, một số người còn chi hàng nghìn USD cho việc chụp ảnh ly hôn.

Trong khi ly hôn là nỗi đau đối với nhiều gia đình và cảnh báo vấn đề dân số không mấy tích cực tại Trung Quốc – thì đối với một số phụ nữ, đó là sự cứu rỗi và hạnh phúc mãi mãi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới