Eo biển Đài Loan không “nóng” mới lạ. Tuy nhiên, hai sự kiện mới nhất nối đuôi nhau kiểu “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc ví như làn gió nóng mới lan từ đại lục ra vùng biển này.
Hai sự kiện mới nhất là sự xuất hiện và di chuyển chiến hạm của Trung Quốc và Mỹ qua eo biển này.
Đầu tiên, là tàu USCGC Stratton (WMSL 752) thuộc lớp Legend của tàu tuần duyên, đã di chuyển qua eo biển Đài Loan vào ngày 20/6. Theo thông báo của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ: “Chuyến đi của tàu Stratton qua eo biển Đài Loan chứng minh cam kết của Mỹ đối với một khu vực Indo-Pacific (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ sẽ bay qua, di chuyển và hoạt động tại bất cứ đâu luật quốc tế cho phép”.
Với cách diễn ngôn đó, Mỹ có ý phòng dư luận suy diễn theo hướng: chẳng có gì đáng làm ầm ĩ, nghiêm trọng hóa sự hiện diện của USCGC Stratton ở eo biển Đài Loan. Washington từng làm và chỉ làm những gì mà luật pháp quốc tế không cấm mà thôi.
Tuy nhiên, dư luận đâu dễ tin thế. Nhiều người có lý do để cho rằng, thời điểm này, sự xuất hiện và di chuyển của USCGC Stratton chẳng thể coi như một hoạt động bình thường. Và họ vận ngay động thái này với chuyến công du nặng phần thất bại mà ít phần thành công của ngoại trưởng Mỹ Blinken. Thì đấy, “nhân bảo như thần bảo”, từ trước lúc ông Blinken bước lên máy bay thực hiện sứ mệnh hàn gắn các lỗ thủng lớn, đang có chiều hướng ngày một rộng ra trong quan hệ ngoại giao giữa hai siêu cường cách nhau cả nửa vòng trái đất, Washington đã tiu nghỉu rằng “Chúng tôi không kỳ vọng chuyến thăm sẽ mang tới đột phá nào trong quan hệ song phương với Trung Quốc” kia mà.
Đó là chưa kể, vài bốn cơ quan truyền thông quốc tế còn “bơm đểu” rằng: Tận cuối chuyến thăm, phía chủ nhà là Bắc Kinh mới xác nhận và thu xếp để ông Tập Cận Bình gặp “sứ thần” của Nhà trắng; và “bình” thêm: Chẳng lẽ điều đó có thể coi như sự tôn trọng, thịnh tình? Rất có thể, Lầu Năm Góc đã chuẩn bị sẵn phương án khi chuyên cơ của ông Blinken về tới Washington, là phái ngay tàu tuần duyên USCGC Stratton di chuyển trong eo biển Đài Loan – khu vực từ lâu đã thành chuyện khiến hai bên cay cú, không thể thỏa hiệp; cũng là lý do làm chuyến công cán của ông Blinken không đạt kết quả nào đáng kể. Washington làm thế để chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy, đường đường siêu cường số 1 còn lâu mới ngán “bố con thằng nào” một khi thiện chí không được đáp lại.
Cùng may, đúng vào lúc ấy, tin từ Thông báo ngày 21/6 của Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết: một nhóm tác chiến Trung Quốc do tàu sân bay Sơn Đông dẫn đầu đã đi qua eo biển giữa đại lục và hòn đảo này. Tờ Taiwan News dẫn lời cơ quan trên nói đã nêu rõ quy mô bề thế của nhóm tác chiến: có tới 19 máy bay quân sự và 5 tàu hải quân – lực lượng này dập dềnh quanh Đài Loan trọng một ngảy đêm, từ 6h sáng 20/6 đến 6h sáng 21/6.
Vậy thì, suy cho cùng, nếu di chuyển chiến hạm trên eo biển Đài Loan bị quy như hành động gây hấn, thì Trung Quốc có động thái trước, chứ đâu phải Mỹ?
Sự kiện mới tinh này khiến nhiều người nhớ lại: Tháng 3/2022, tàu sân bay Sơn Đông đã di chuyển qua eo biển Đài Loan, chỉ vài giờ trước khi ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm. Vậy thì lần này, với sự lặp lại tình huống, nó hẳn phải nằm trong sự tính toán trước từ trước của Trung Quốc.
Nói cách khác, “kẻ cắp gặp bà già”, Mỹ đã lên kế hoạch đưa tuần duyên hạm USCGC Stratton tới, thì Trung Quốc còn tỏ ra cứng rắn hơn, cũng ủ mưu từ trước để khi vừa tống tiễn khách là ông Blinken đi, là lập tức điều cả nhóm tàu sân bay Sơn Đông tiến trước vào khu vực nhạy cảm này để “đe nẹt” Đài Loan và cảnh báo Mỹ.
T.V