Sunday, September 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBí mật đằng sau bức chân dung Mao Trạch Đông trước lầu...

Bí mật đằng sau bức chân dung Mao Trạch Đông trước lầu Thiên An Môn

Quảng trường Thiên An Môn là quảng trường lớn nhất trung tâm Bắc Kinh – thủ đô Trung Quốc. Gọi là quảng trường Thiên An Môn vì ngoài chiếc sân rộng có sức chứa hàng chục vạn người, nó còn có tòa lầu Thiên An Môn cực kỳ hoành tráng, là cửa phía nam của Hoàng thành, được xây dựng từ năm 1420 đời Minh, có tên là Thừa Thiên Môn; đến đời Thanh đổi tên thành Thiên An Môn.

Bức chân dung của Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Quảng trường Thiên An Môn.

Tầng 2 toà lầu này, ngày mùng 1/10/1949, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã long trọng tuyên bố sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Từ đó trở đi những ngày lễ quan trọng nhất của Trung Quốc, trong đó có ngày Quốc khánh mùng 1/10, được tổ chức tại quảng trường này.

Lịch sử xây dựng quảng trường bắt đầu vào năm 1417 với một hành lang dài hình chữ T nối giữa Thừa Thiên Môn, năm 1651 nhà Thanh tu bổ và đổi tên thành Thiên An Môn và Đại Minh Môn. Năm 1912, đổi tên thành Trung Hoa Môn, nay đã bị phá bỏ ở phía Bắc và Nam, và giữa Trường An Môn Đông (đã bị phá bỏ) và Trường An Môn Tây (đã bị phá bỏ) ở phía Đông và Tây được gọi là Thiên Bộ Lang (hành lang dài 1000 bước chân) hai bên hành lang là các công sở triều đình. Quảng trường được bao quanh bởi tường cao, người dân bị cấm tiếp cận trừ những dịp nhất định.

Năm 1911, nhà Thanh sụp đổ, chính quyền Trung Hoa Dân quốc cho phá bỏ phần tường bao quanh và một số các công trình đã bị phá bỏ trước đó, khiến quảng trường trở nên thông thoáng, cho người dân đi vào quảng trường. Từ đây, quảng trường trở thành nơi tụ họp của các phong trào chính trị liên quan đến vận mệnh toàn Trung Hoa. Ngày 4/5/1919 phong trào Ngũ Tứ của học sinh, sinh viên, trí thức, thị dân, Trung Quốc đấu tranh chống lại những nhượng bộ của chính quyền trước ngoại bang đã bùng nổ ở đây.

Ngày mùng 1/10/1949, trên thành lầu Thiên An Môn, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đọc diễn văn khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Năm 1955 đến năm 1959, hướng tới kỷ niệm 10 năm quốc khánh, quảng trường được cải tạo thành như hiện nay với chiều dài 880m nam-bắc và chiều rộng 500m Đông-Tây, diện tích 440.000m².

Hàng loạt công trình lớn trong Thập đại công trình được xây dựng xung quanh quảng trường như: Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Bảo tàng Cách mạng, Đài tưởng niệm các anh hùng dân tộc…

Năm 1969 đến 1970, cổng Thiên An Môn được tu bổ hoàn toàn. Năm 1976, sau khi Chu Ân Lai qua đời, một cuộc biểu tình chống “Bè lũ bốn tên” tổ chức tại đây bắt đầu cho sự kết thúc hoàn toàn Cách mạng văn hoá. Năm 1989 tại đây, đã diễn ra thảm sát Thiên An Môn nhằm vào các sinh viên học sinh biểu tình đòi tự do dân chủ. Hiện nay quảng trường được sử dụng làm nơi tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng.

Ngoài lầu Thiên An Môn ở đây còn có các công trình hoành tráng khác rất hấp dẫn đối với du khách. Bên phải quảng trường là trụ sở Quốc hội Trung Quốc. Bên trái là bảo tàng Lịch sử. Phía nam là bia kỷ niệm các anh hùng nhân dân và tiếp đó là nhà Chủ tịch Lăng Mao Trạch Đông.

Tuy nhiên với bất kỳ ai đã có may mắn được tới quảng trường thì một trong những ấn tượng sâu sắc nhất là bức chân dung Chủ tịch Mao Trạch Đông được treo rất trang trọng chính giữa mặt trước lầu Thiên An Môn. Ngoài giá trị về mặt xã hội và nghệ thuật, theo tính cho tới thời điểm hiện tại đây là bức tranh chân dung được vẽ bằng tay lớn nhất thế giới. Nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc và những bí mật xung quanh bức chân dung khổng lồ có một không hai này.

Phải mãi tới gần đây thông qua tài liệu “Thiên An Môn – Quảng trường bị phong mục” những bí mật ấy mới được sáng tỏ.

Sau khi Bắc Kinh được giải phóng ngày 23/3/1949, Mao Trạch Đông từ Tây Bá Pha (thuộc huyện Giáp tỉnh Sơn Tây) đã trở về Bắc Kinh và cho tiến hành các công việc chuẩn bị lễ thành lập nước. Vì vậy ngày 2/9/1949, Chu Ân Lai đã ra chỉ thị với nội dung: trong ngày lễ thành lập nước sẽ tổ chức duyệt binh. Thời gian duyệt binh được tổ chức vào ngày thành lập Chính phủ, địa điểm duyệt binh tốt nhất là trước Thiên An Môn. Bản chỉ thị cũng nêu rõ: lầu Thiên An Môn sẽ được chọn làm đài Chủ tịch của ngày quốc lễ nên cần phải được trang hoàng cho tốt.

Nhận chỉ thị trên, tướng Diệp Kiếm Anh – Thị trưởng lâm thời thành phố Bắc Kinh – đã yêu cầu tiến hành công việc chuẩn bị. Trong đó một công việc đặc biệt là: trong ngày lễ phải có bức chân dung Mao Trạch Đông được treo chính giữa mặt trước lầu Thiên An Môn. Ngoài yêu cầu nghệ thuật, nó phải có kích thước phù hợp với cảnh quan để mọi người trên quảng trường cùng chiêm ngưỡng.

Ban tổ chức đã trao nhiệm vụ này cho Chu Lệnh Chiêu – Giáo sư, chuyên gia nghệ thuật khoa Mỹ thuật Thực dụng trường Nghệ thuật Quốc lập Bắc Kinh, Giáo sư Chu lập tức lựa chọn một số sinh viên xuất sắc nhất của khoa mỹ thuật, trong đó có Trần Nhược Cúc, làm trợ thủ. Tại bức tường phía đông của Thiên An Môn, Châu Lệnh Chiêu cùng các cộng sự đã cho dựng một giá vẽ bằng gỗ cao 3 tầng rồi căng vải lên đó. Bức chân dung được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu, Giáo sư Chu chịu trách nhiệm vẽ phác thảo và lựa chọn màu sắc.

Tấm ảnh Mao Trạch Đông đội mũ bát giác được chọn làm ảnh mẫu cho bức vẽ. Tuy nhiên chiếc áo Tôn Trung Sơn trong ảnh thì vẽ đã được thay bằng kiểu áo hở cổ. Sau khi xem bức tranh, tướng Nhiếp Vinh Trăn đã cho rằng việc thay đổi thành áo hở cổ là không thỏa đáng vì trong ngày đại lễ thì mọi thứ phải thực sự nghiêm cẩn. Vì vậy giáo sư Chu và các học trò của mình đã vẽ lại như trong tấm ảnh mẫu.

Cuối tháng 9/1949 bức chân dung hoàn thành, một đội công nhân xây dựng được điều tới để treo bức tranh lên mặt tiền của lầu Thiên An Môn và đây chính là bức chân dung Mao Trạch Đông mà mọi người được thấy trong ngày lễ thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mùng 1/10/1949.

Vào mùa thu năm 1950, họa sĩ Tân Mãng – nhân viên phòng Mỹ thuật Nhân dân thành phố Bắc Kinh nhận được lời mời của Hồ Kiều Mộc – thư ký riêng của Mao Trạch Đông tới Trung Nam Hải và được giao nhiệm vụ vẽ chân dung Mao Chủ tịch với kích thước rất lớn, nhưng không được biết để dùng vào việc gì. Vốn từng là giảng viên của trường Nghệ thuật Lỗ Tấn tại Viên An vào cuối những năm 30 và đầu những năm 40 của thế kỷ XX, Tân Mãng đã thực thi nhiệm vụ một cách bài bản.

Tân Mãng đã lựa chọn một bức ảnh Mao Chủ tịch không đội mũ, mắt nhìn hơi nghiêng lên phía trên làm ảnh mẫu. Để bức vẽ tránh được sai sót do kích thước quá lớn, Tân Mãng mời thêm một số họa sĩ trong đó có Tả Huy, Chương Tùng Hạc từ khu giải phóng tới cùng cộng tác. Khi vẽ, Tân Mãng đứng ở phía xa chỉ huy còn Tả Huy, Chương Tùng Hạc thì đứng dưới giá vẽ thực hiện.

Tuy nhiên khi bức chân dung hoàn thành và được treo lên thì một số người xem có nhận xét: bức vẽ Mao Trạch Đông mà chỉ có một cái tai thì chưa giống lắm, hơn nữa khuôn mặt lại nhìn nghiêng lên phía trên. Sau khi nghe được những lời nhận xét đó, nhóm của Tân Mãng quyết định vẽ lại và lần này họ lấy bức ảnh mẫu chụp Mao Trạch Đông chính diện, đôi mắt đang nhìn thẳng phía trước. Bức tranh này đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Và đó chính là bức tranh Mao Trạch Đông mà mọi người được thấy trước lầu Thiên An Môn dịp Quốc khánh Trung Quốc năm 1950.

Các bức chân dung Mao Trạch Đông được treo ở Thiên An Môn cứ mỗi năm thay đổi một lần bằng vẽ mới khoảng trước hoặc sau tiết lập thu và được treo lên Thiên An Môn để thay thế bức cũ dịp chuẩn bị lễ Quốc khánh mùng 1/10.

Từ năm 1953, các bức chân dung này đều do Trương Chấn Sĩ, giáo sư Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc, một họa sĩ vẽ tranh chân dung nổi tiếng nhất Trung Quốc đảm nhận. Tới năm 1964, do tuổi cao sức yếu nên Trương Chấn Sĩ xin nghỉ và công việc này được giao cho Vương Quốc Đông giảng viên hội họa công tác tại Công ty Mỹ Thuật Trung ương Trung Quốc gánh vác.

Bức chân dung đầu tiên mà Vương Quốc Đông vẽ được lấy mẫu từ một bức ảnh chụp ở tư thế nghiêng mắt nhìn thẳng. Vương và các cộng sự đã tập trung rất nhiều công sức để biểu đạt cái thần khí của mắt và vùng phía trên lông mày, mặc dù đây là bức tranh sơn dầu nhưng Vương Chấn Đông đã khéo kết hợp với hội họa truyền thống Trung Hoa nên bức tranh thấm đẫm tính dân tộc, rất được mọi người thán phục, nó được đánh giá là bức tranh chân dung Mao Trạch Đông thành công nhất kể từ năm 1949, mở ra một hướng đi mới cho sự sáng tạo vẽ chân dung nói chung và vẽ chân dung Mao Trạch Đông nói riêng.

Thật ra khi vẽ bức tranh chân dung này Vương Chấn Đông và cộng sự đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề chất liệu cũng như kích thước vải dùng để vẽ và ảnh hưởng của thời tiết lên bức tranh. Do kích thước bức tranh cực lớn (cao 6m, rộng 4.6m) không kể khung nên bắt buộc phải dùng tới ba tấm vải ghép lại với nhau nhưng dù đã cố gắng ghép thế nào đi chăng nữa thì do chất liệu vải của mỗi tấm là không thể giống nhau nên đường ghép giữa các tấm vẫn có lộ ra, ảnh hưởng rất lớn đến mỹ cảm của bức tranh chân dung, nhất là khuôn mặt. Để giải quyết vấn đề này, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công nghiệp Nhẹ Trung Quốc, Nhà máy Dệt sợi Đồng Cáp Nhĩ Tân kết hợp với Nhà máy Dệt thảm Thiên Tân đã bỏ ra rất nhiều công sức nghiên cứu đã khắc phục được vấn đề kích thước khổ vải, và tạo ra được những loại vải dày mỏng khác nhau để các họa sĩ lựa chọn lấy chất liệu vải phù hợp nhất.

Tuy nhiên vì bức tranh luôn được treo ở mặt tiền của Lầu Thiên An Môn nên nó không hề được che chắn, vì vậy, yếu tố thời tiết có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của tranh. Nhất là việc tranh được căng trên nền bằng gỗ hoặc kim loại thì gió mưa thường làm cho mặt tranh bị thấm nước, khiến cho màu sắc bức tranh bị xuống cấp nhanh chóng. Để giải quyết điều này, các nhà quản lý bức tranh đã phải kết hợp với các nhà hóa học dày công nghiên cứu, cuối cùng đã tìm ra được một loại hợp kim nhôm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng trên.

Năm 1966, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành thông tri 16/5, Cách mạng Văn hóa chính thức bắt đầu. Ngày 1/5, Lâm Bưu có một bài nói chuyện gọi Mao Chủ tịch là thiên tài, câu nào của Mao Chủ tịch cũng là chân lý, mỗi câu hơn cả vạn câu của chúng ta. Từ đó, các nơi trên toàn quốc bắt đầu phong trào sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông.

Trên toàn quốc một đợt ấn phẩm lớn gọi là “hồng bảo thư” Mao Chủ tịch Ngữ Lục được xuất bản. Ngày 12/8 các trường đại học ở Bắc Kinh triệu tập đại hội long trọng để phát “nghênh bảo thư” mỗi người được phát miễn phí một bộ “hồng bảo thư” tức là sách đỏ. Các nơi trên toàn quốc rộ lên cơn sốt mua “Mao tuyển”.

Ngày 18/6, Mao Trạch Đông tiếp kiến đoàn đại biểu hồng vệ binh tại Cổng thành Thiên An Môn khiến sự sùng bái lên thành cao trào, trên quảng trường Thiên An Môn hàng trăm ngàn Hồng Vệ Binh vẫy Hồng Bảo Thư hô to khẩu hiệu “Vạn tuế” tràn ngập cả quảng trường. Sau đó Mao Trạch Đông lại liên tục gặp mặt hơn mười một triệu Hồng Vệ Binh.

Trong Cách mạng văn hóa, sùng bái cá nhân đối với Mao Trạch Đông điên cuồng đến nỗi tất cả văn chương bao gồm cả luận văn khoa học, đều phải kèm theo các trích dẫn trong Mao Chủ tịch Ngữ Lục. Hơn nữa, tất cả chữ lấy từ sách của Mao Trạch Đông đều phải in đậm.

Trong khoảng thời gian này, tất cả các bài phát biểu trong đại hội trước tiên phải bắt đầu với Mao Chủ tịch Ngữ Lục, khởi đầu bằng “Mao Chủ tịch dạy chúng ta rằng”. Thậm chí nói chuyện với nhau trên đường phố cũng phải bắt bắt đầu với Mao Chủ tịch Ngữ Lục; ai ai cũng phải nhảy điệu múa trung thành để biểu thị bản thân trung thành vô hạn với lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch, chính giữa sảnh lớn trong mỗi gia đình đều phải treo chân dung Mao. Sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông trong Đại Cách mạng Văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc có lẽ đến Hitler của Đức Quốc Xã cũng phải chào thua.

Ngày mùng 9/9/1976 Mao Trạch Đông tạ thế. Chính phủ Trung Quốc quyết định tổ chức quốc tang. Để chuẩn bị cho việc này Vương Quốc Đông lại được giao trọng trách vẽ bức chân dung cực lớn để treo trong buổi lễ với bút pháp cực kỳ độc đáo mà gam màu chủ đạo là màu đen nhạt. Bức tranh này đã được treo trên Thiên An Môn trong dịp lễ truy điệu Mao Trạch Đông và một thời gian dài sau đó. Đây cũng là bức chân dung của Mao Chủ tịch cuối cùng do Vương Chấn Đông vẽ.

Đầu năm 1992 Vương Chấn Đông nghỉ hưu và người kế tục nhiệm vụ của Vương là Các Tiểu Quang. Bức chân dung Mao Trạch Đông treo ở trước Lầu Thiên An Môn là bức chân dung thứ 15 do Các Tiểu Quang vẽ vào năm 2005, có chiều cao 6m, rộng 4.6m, nếu kể cả phần khung tổng trọng lượng của bức tranh là 1.5 tấn là bức chân dung có kích thước lớn nhất thế giới thời điểm đó.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới