Cuộc nổi loạn ngắn ngủi của tập đoàn tư nhân Wagner xảy ra hôm 24/6 , đến nay vẫn gây chấn động kinh hoàng nước Nga, Ukraine và nhiều nước trên thế giới. Mặc dù ông chủ của Wagner đã quyết định lui binh, nhưng đám mây u ám Wagner vẫn còn bao phủ bầu trời Nga.
Chỉ nổ ra ba ngày, vô cùng bất ngờ và thậm “vô lí”, nhưng hậu quả của cuộc “phản tỉnh” sẽ rất nặng nề. Thật là bài học đau xót cho Moscow và Tổng thống Putin.
Hậu quả không thể chối cãi là, vị thế của quân Nga trên chiến trường Ukraine bị suy giảm nặng nề. Hơn hai vạn lính Wagner đã buông súng, rút khỏi Ukraine để tham gia vào cuộc phản chiến. Hai vạn quân tương đương với 5% lực lượng quân sự đang có mặt ở Ukraine. Hai vạn quân ấy “không phải dạng vừa” mà là lực lượng lành nghề nhất của đội quân xâm lược.
Qua cuộc binh biến cho thấy, nước Nga đã rệu rã như thế nào. Một nhà nghiên cứu quân sự Nga cho hay, đội quân đánh thuê phải mất gần một năm mới chiếm được thành phố Bakhmut của Ukraine, thế nhưng chỉ mất vài giờ họ đã thôn tính thành phố Rostov-on-Don (lớn hơn Bakhmut gần 20 lần).
Quân lính đánh thuê đã ào ào xông tới như vào chỗ không người. Điều này cho thấy việc phòng thủ của Nga vô cùng sơ hở, kém cỏi. Hiện tại, Moscow chủ trương, nhanh chóng giảm quân số ở Ukraine để kéo quân về đối phó các vấn đề an ninh nghiêm trọng bên trong đất nước.
Một nhiệm vụ khẩn cấp nữa là, Nga sẽ phải huy động bộ máy quân sự và an ninh lớn để truy tìm, bắt bớ, xử phạt những kẻ phản loạn. Ấy là chưa kể đến sự đấu đá nội bộ trong thời gian qua giữa các phe phái đã làm suy yếu quân Nga. Ông Putin không thể không kiên quyết xử lý các quan chức địa phương, cảnh sát trưởng, chỉ huy quân sự đã “khoanh tay” bất lực hoặc ngấm ngầm ủng hộ bọn phản bội.
Chính người đứng đầu Điện Kremlin cũng chưa hết choáng váng. Dường như ông cũng bị gạt ra ngoài không thể đàm phán với Prigozhin, đến nỗi, và để cho nhà độc tài Belarus, Tổng thống Alyaksandr Lukashenko phải đứng ra thương thảo với ông trùm nổi loạn.
Từ đầu năm 2023 đến nay sự chán nản, bất mãn của binh sĩ Nga trên chiến trường Ukraine là không khí bao trùm. Xảy ra cuộc binh biến này, tinh thần chiến đấu của họ sẽ càng suy sụp. Binh lính Nga sẽ nghi ngờ về lòng trung thành của cấp trên. Và lớn hơn là sự nghi ngờ về sự “chính nghĩa” của Chiến dịch quân sự đặc biệt mà họ luôn bị nhồi nhét trong một năm rưỡi qua.
Binh lính Nga đã bị tác động rất lớn khi nghe lời bác bỏ “hành động yêu nước” của dân Nga khi buộc phải cầm súng đánh vào những người anh em thân thiết một thời. Lời bác bỏ ấy của chính Thủ lĩnh Wagner. Ông Prigozhin đã bác bỏ các nội dung chủ chốt trong lời tuyên truyền của Điện Kremlin cho cuộc xâm lược ngăn chặn cuộc tấn công sắp xảy ra của Ukraine do NATO hậu thuẫn, nhằm vào miền đông Ukraine và bán đảo Crimea.
Còn nữa, Prigozhin bác bỏ cáo buộc của Nga rằng quân Ukraine đã ném bom Donbas trong tám năm trước khi xảy ra cuộc xâm lược toàn diện. Để xảy ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn là do tham vọng cá nhân của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và các nhà tài phiệt Nga.
Mục tiêu gây chiến với Ukraine của Moscow ngày càng không thuyết phục. Những tuyên bố của họ không có căn cứ khi nhận định về “phát xít Ukraine” và “phương Tây đế quốc”. Điều này Prigozhin nói rằng, đó là sự dối trá trắng trợn, không thể biện minh cho cuộc xâm lược. Nó sẽ tiếp tục làm gia tăng bất mãn trong quân Nga đang chiến đấu và thiệt mạng trên chiến trường.
Qua cuộc binh biến cho thấy ở trong nước quân đội Nga rất lúng túng và nội bộ lục đục. Họ đã gần như “dâng” trụ sở Quân khu miền Nam cho quân nổi loạn. Có thể do quân Nga thiếu người, bởi không có lực lượng nào đủ sức ngăn cản Wagner, hoặc họ không muốn đánh nhau với Wagner, và thậm chí… ủng hộ đội quân đánh thuê.
Quân đội Nga, từ các tướng lĩnh lâu năm đã bắt đầu nghi ngờ sự lãnh đạo tối cao của ông Putin. Liệu ông ta có còn đủ uy tín và khả năng thuần phục các tướng lĩnh hay không. Nếu như chấp nhận thỏa thuận đòi Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov thôi chức và đưa người khác lên lãnh đạo cuộc chiến ở Ukraine trở thành sự thật thì đây là một thất bại lớn của Putin.
Thượng tầng thay đổi thì phía dưới hỗn loạn. Thay tướng không chỉ là thay người mà là thay quan điểm, mục tiêu, cách đánh, thậm chí thay toàn bộ hệ thống mệnh lệnh.
Trong vùng tối bao giờ cũng phát lộ những khoảng sáng. Lối thoát cho Putin và cộng sự của ông là, đội quân Wagner không thật đáng sợ trước một đội quân chính quy dầy dạn Nga. Bởi Wagner suy cho cùng chỉ là lực lượng dùng để tấn công, đánh chiếm, chứ không phải lực lượng để phòng thủ, chiến đấu lâu dài.
Nga đang tìm cách chia nhỏ tập đoàn đánh thuê Wagner và bố trí vào các đơn vị chính quy của mình. Sự sắp xếp này chính là nhằm kiểm soát được tình hình. Càng lúng túng, Nga sẽ càng sa lầy. Thời cơ lớn cho cuộc tổng phản công của Ukraine sẽ đến. Nếu quân Ukraine tạo ra một chiến thắng vang dội như ở Kherson hay Kharkiv trước đây thì quân Nga sẽ nhanh chóng tan rã.
Có điều quân Ukraine cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là lực lượng không quân quá yếu so với Nga, lại đang phải đối mặt với lưới mìn dày đặc do quân Nga rải ở mặt trận. Không gỡ được mìn thì binh sĩ Ukraine sẽ bị giam chân.
Như thế, cuộc phản loạn của Wagner như một cú thôi sơn bất ngờ nhưng chưa đến mức làm đảo lộn tình hình chiến trường Ukraine. Và chiến thắng (hay thất bại) của cả hai bên vẫn đang ở rất xa.
H.Đ