Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhép hòa giải từ… một người có lý lẽ

Phép hòa giải từ… một người có lý lẽ

Trong chiến tranh, công tác địch vận có vai trò hết sức quan trọng. Vụ tập đoàn đánh thuê Wagner với hơn hai vạn tay súng tấn công Nga, và sau đó đã chấp nhận lui binh, có nhiều nguyên nhân. Song có một nguyên nhân gần như quyết định định, đó là thuyết phục được người đứng đầu lùi bước.

Người có lý lẽ thâm hậu và có khả năng “đánh vào lòng người” đó là Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ông là người bạn thân thiết với người đứng đầu lực lượng Wagner từ thuở hàn vi. Ông cũng hiểu rõ hoàn cảnh, lý do xô đẩy thủ lĩnh Prigozhin làm phản, từ chỗ cùng mục tiêu đánh Ukraine sang tấn công ngược trở lại phía Nga.

Vì lẽ đó, lịch sử đã chọn Lukashenko là người hòa giải vĩ đại, giúp cho cuộc binh biến nhanh chóng chấm dứt và bớt hao tổn xương máu một cách đau thương và vô ích.

Hôm 27/6 Tổng thống Belarus cho hay, ông đã lay chuyển ý chí sắt đá của ông Prigozhin. Đó là một cuộc trò chuyện đặc biệt chưa từng có trong ngoại giao, một cuộc điện thoại đầy cảm xúc. Có lúc ông đã dùng nhiều từ “đệm lót” ngoài vỉa hè để nói với “người bạn” của mình. Có lúc mềm mỏng, có lúc đe dọa, quan trọng là làm sao để “kẻ điên” nhìn thấy con đường sáng phía trước. Con đường sáng đấy là: từ bỏ “cuộc hành quân vì công lý” của hàng nghìn binh lính hướng tới Moscow, và sẽ được an toàn di chuyển sang Belarus sống lưu vong.

Prigozin có điên không? Chính là vị thủ lĩnh Wagner này thừa nhận, khi từ Ukraine đến Rostov – thành phố miền Nam nước Nga – ông ở trong trong trạng thái “nửa tỉnh nửa điên”. Trước đó ông ta đã bị quá nhiều áp lực và bị ảnh hưởng bởi những người lãnh đạo các đội quân tấn công trên chiến trường Ukraine và đã chứng kiến binh lính của mình thương vong quá nhiều!

Không chỉ có người đứng đầu, theo thỏa thuận, binh lính dưới trướng ông Prigozhin vốn là lực lượng tiên phong trong nhiều chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine cũng sẽ được ân xá. Họ sẽ có quyền lựa chọn, hoặc là sang Belarus cùng ông Prigozhin, hoặc ký hợp đồng gia nhập quân đội Nga, hoặc trở về nhà đoàn tụ với gia đình.

Theo lời Tổng thống Belarus Lukashenko, khi đội quân làm phản đang kiểm soát thành phố Rostov của Nga và một nhóm lính khác đang hành quân tới Moscow, ông đã tìm cách gọi điện hàng giờ để thuyết phục, đấu lý, làm dịu cái đầu đang bốc lửa của Prigozhin. Với sự thân tình, khẩu khí của người đang chia lửa, Lukashenko “không dưới mười 10 lần phải… văng tục”.

Đáp lại, thủ lĩnh Wagner “bắn” hàng tràng, nói rằng ông rất căm phẫn “sự hủ bại và bất tài trong giới lãnh đạo quân đội Nga”. Ông ta cũng muốn trả thù cho binh lính của mình đã bị quân đội Nga giết hại (!). Prigozhin thét lên: “Nhưng chúng tôi muốn công lý! Bọn họ muốn bóp chết chúng tôi! Chúng tôi sẽ tới Moscow!”.

“Không. Không làm thế được!” – Lukashenko ngắt lời – “Giữa đường, các ông sẽ bị nghiền nát như rệp”.

Đang căng bỗng trùng xuống. Vị Tổng thống, nhà thương thuyết khôn ngoan trầm giọng: “Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhờ tôi giúp đỡ. Putin than phiền rằng, ông Prigozhin đã không nghe điện thoại của ông ấy”. Tổng thống Belarus nhiều lần nhắc lại, ông đã khuyên ông Putin không nên, không được “vội vàng” đàn áp quân nổi dậy. Đó sẽ là tội ác, là sai lầm lớn không thể sửa chữa.

Đến đây thì giọng của “kẻ điên” Prigozhin đã trùng xuống. Ông nói rằng, Wagner chưa bao giờ có kế hoạch lật đổ chính quyền Putin. Ông chỉ muốn Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga Valery Gerasimov phải bị sa thải.

Đấy là Prigozhin muốn như thế. Tổng thống Belarus khôn khéo đáp lại bằng câu nói lửng lơ : “Không ai cho ông Shoigu hay Gerasimov…”. Thay vì nói hết câu, Tổng thống Lukashenko kể đã thuyết phục được thủ lĩnh Wagner rằng, Moscow sẽ được bảo vệ. Nếu như ai đó, lực lượng nào đó tiếp tục cuộc binh biến sẽ nhận chìm nước Nga vào hỗn loạn và đau thương.

Kết cục là, Prigozhin đã nghe lời người bạn cật ruột. Ông ta đã chấp nhận sang Belarus “lánh nạn” ít bữa. Trước mắt là cho cái đầu … bớt điên.

Thật đáng khâm phục tài thuyết khách của vị Tổng thống Belarus. Tổng thống Nga Putin nên có phần thưởng xứng đáng cho Lukashenko. Ông đã góp phần cứu nước Nga, đã thắng trong một hoàn cảnh đặc biệt, một vũ khí ngoại giao đặc biệt.

Ở Việt Nam, trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược trước đây có phương châm xử thế rất hay: Tác chiến quan trọng như thế nào thì địch vận cũng cần như thế. Không đánh mà thắng, đánh vào lòng người là nghệ thuật “tâm công”, không phải của riêng bộ đội, mà của cả mọi lực lượng. Phải dùng mọi hình thức, nắm lấy mọi cơ hội mà tuyên truyền làm tan rã tinh thần của địch.

Phương châm này, trong thời đại ngày nay, được vận dụng rất “ngon lành” tại cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” Nga-Ukraine.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới