Friday, November 15, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNỗi ám ảnh đeo bám doanh nghiệp Việt là thanh tra, kiểm...

Nỗi ám ảnh đeo bám doanh nghiệp Việt là thanh tra, kiểm tra

Mặc dù đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, nhưng thanh tra, kiểm tra vẫn luôn là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp. Những câu chuyện kể về các đoàn thanh, kiểm tra hầu hết không có gì tích cực.

Nỗi ám ảnh

Cán bộ tiếp đoàn thanh tra của một doanh nghiệp tại Hà Nội kể, ông sợ nhất là khi các đoàn thanh, kiểm tra đến. Trước đây, đã từng có đoàn bắt doanh nghiệp phải đón cán bộ từ nhà, đưa đến doanh nghiệp làm việc, sau đó lại phải chở từng người về tận nhà. Sau khi kết thúc thanh, kiểm tra, doanh nghiệp phải mời đoàn đi ăn và “phong bì”… đặc biệt là lĩnh vực thuế và hải quan. Thậm chí, doanh nghiệp còn phải biết ý có quà gửi về cho thủ trưởng và quỹ cơ quan.

Trong khi đó, một chuyên gia về cải cách môi trường kinh doanh kể câu chuyện thực tế về vấn đề này với giọng cảm thán: lãnh đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội một huyện của Hà Nội là địa bàn có hơn 8.000 cơ quan, doanh nghiệp – xử lý công việc chuyên môn thì chần chừ, nhưng đi thanh tra cơ sở và nhất là doanh nghiệp thì lại rất nhanh, dường như xem đó là việc ưu tiên.

Về mặt báo cáo, công tác thanh, kiểm tra thời gian gần đây đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Số cuộc thanh, kiểm tra và sự chồng chéo trong hoạt động thanh, kiểm tra ngày càng giảm. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố giữa tháng 4 vừa qua cũng cho thấy từ năm 2017 đến năm 2022, công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp đã liên tục giảm. Năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp phải đón tiếp 3 đoàn thanh tra trở lên là 7,39%, trong khi 2017 là gần 22%; tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra kiểm tra là 6,69%, trong khi năm 2017 là 13,46%; có 10% doanh nghiệp cho rằng hoạt động thanh kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp, thấp hơn con số 19% của năm 2017.

Tuy nhiên, năm 2022, số giờ trung bình mỗi cuộc thanh kiểm tra ở một số lĩnh vực tăng lên. Chẳng hạn như lĩnh vực thuế tăng 4 giờ so với 2021 và 1 giờ so với 2020. Vẫn có 14% doanh nghiệp được hỏi cho biết phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo chịu gánh nặng thanh, kiểm tra nhiều nhất. Những doanh nghiệp có thời gian hoạt động càng lâu, quy mô càng lớn thì càng tiếp đón nhiều đoàn thanh, kiểm tra và nội dung thanh, kiểm tra cũng trùng lặp nhiều nhất. Các doanh nghiệp hoạt động dưới 3 năm, có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phản ánh nhiều hơn về hiện tượng nhũng nhiễu của cán bộ thanh, kiểm tra.

Trong khi đó, báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa Quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành” cho biết có 58,92% doanh nghiệp đã gặp ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, nội dung “kiểm tra chồng chéo, trùng lặp” là khó khăn thường gặp nhất với 39% lượt doanh nghiệp lựa chọn.

Một số bộ, ngành thường tham gia vào hoạt động kiểm tra chuyên ngành với các hàng hóa kể trên có thể kể đến như: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Khoảng 81,5% trong số các doanh nghiệp có mặt hàng bị kiểm tra từ 2 bộ, ngành trở lên cho rằng tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành gây tốn kém về thời gian và chi phí.

Thay đổi cái nhìn của doanh nghiệp

Mặc dù đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, nhưng thanh, kiểm tra vẫn đang là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp. Những câu chuyện kể về các đoàn thanh, kiểm tra hầu hết không có gì tích cực trong mắt các nhà quản lý kinh doanh. Do mỗi cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm một ngành, lĩnh vực, còn doanh nghiệp thì hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nên vẫn có nguy cơ cao xảy ra tình trạng “một cổ nhiều tròng”. Cùng với đó, hiện tượng nhũng nhiễu, làm khó của công chức thanh tra trong quá trình thực thi nhiệm vụ vẫn tồn tại. Vì vậy, đối với các doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra luôn gắn liền với sự bất an, gánh nặng và cả hệ lụy. Con số 14% số doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra nêu trên, nếu tính ra tiền mặt, con số chắc hẳn không hề nhỏ.

Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí không chính thức là gánh nặng và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại Việt Nam. Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà đang làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các doanh nghiệp muốn kinh doanh công bằng tại Việt Nam.

Liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, theo bà Nguyễn Minh Thảo – Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), giai đoạn từ 2015 đến 2019, Chính phủ đã có những cải cách rất mạnh mẽ, giúp cho các thủ tục về kiểm tra chuyên ngành được tốt hơn, đồng thời kết nối với cổng thông tin một cửa quốc gia. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cảm thấy “hài lòng” với sự thay đổi mạnh mẽ và khác biệt. Tuy nhiên, từ 2020 đến nay, mức độ cải cách trong lĩnh vực quản lý và kiểm tra chuyên ngành có sự chững lại. Một điểm quan trọng là Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải cắt giảm các danh mục, mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, nhưng từ năm 2019 đến nay số lượng mặt hàng cắt giảm rất ít.

Điều lấy làm băn khoăn là lẽ ra năm 2022 phải là thời điểm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục sau dịch bệnh, thì các cuộc thanh, kiểm tra vẫn cứ diễn ra, gây khó thêm cho khu vực doanh nghiệp. Bởi vậy, việc cải cách hoạt động này cần phải được đẩy mạnh hơn nữa trong giai đoạn hiện nay.

Theo các chuyên gia, mặc dù số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra đã giảm, tình trạng chồng chéo về nội dung thanh kiểm tra và chi phí không chính thức cũng giảm, tuy nhiên không vì thế mà dư địa cho cải cách đã hết. Công tác thanh, kiểm tra cần có sự đổi mới hoàn toàn về tư duy trong thời gian tới. Thanh tra, kiểm tra là để giúp các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, chứ không phải là soi lỗi và bắt phạt; cần áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau.

Đặc biệt, thanh tra, kiểm tra phải tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và can thiệp vào các vấn đề quản trị nội bộ của doanh nghiệp như quan điểm đã được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh nhiều lần; cùng với đó là có những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn hiện tượng lợi dụng thanh, kiểm tra nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Các chuyên gia nhấn mạnh, trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, các cơ quan quản lý phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách môi trường kinh doanh, nhằm giảm thiểu gánh nặng cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, phải làm thay đổi cái nhìn của doanh nghiệp về công tác thanh tra, kiểm tra.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới