Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngNhật Bản phóng tên lửa RIM-162 ESSM trong tập trận chung với...

Nhật Bản phóng tên lửa RIM-162 ESSM trong tập trận chung với Mỹ

Trước những cuộc tập trận của Nga và Trung Quốc, Nhật Bản phối hợp với Mỹ triển khai cuộc tập trận chung và sử dụng tên lửa hiện đại ESSM.

Một tàu chiến của hải quân Nhật Bản đã bắn tên lửa phòng không RIM-162 Evolved Sea Sparrow (ESSM) vào một mục tiêu mô phỏng trong cuộc huấn luyện với hải quân Mỹ (USN) tại Hawaii tuần trước, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, một cuộc đụng độ hải quân với Trung Quốc ở biển Hoa Đông gần quần đảo Ryukyu (Nansei theo cách gọi của Nhật Bản) và Okinawa là kịch bản có khả năng xảy ra, đặc biệt là sau các động thái quân sự gần đây của Trung Quốc với Đài Loan.

Theo các chuyên gia, hiện nay bất kỳ lực lượng đơn lẻ nào đối đầu với một Trung Quốc vượt trội về mặt hậu cần đều có rất ít cơ hội thành công. Chỉ một lực lượng tổng hợp mới có khả năng đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hải quân Trung Quốc (PLAN) và lực lượng không quân (PLAAF). Chính vì thế, động thái tập trận chung là một lời cảnh báo răn đe gửi đến Bắc Kinh.
Lời cảnh báo

Các bức ảnh cho thấy tàu khu trục JS Suzutsuki của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) đã phóng tên lửa từ hầm phóng thẳng đứng (VLS). Tên lửa bắn trúng một máy bay không người lái mô phỏng mục tiêu của kẻ thù.

Một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản mô tả tàu JS Suzutsuki “đang được điều động huấn luyện với Mỹ, đã phóng tên lửa ESSM ở vùng biển xung quanh Hawaii để hỗ trợ hải quân Mỹ”.

Các chuyên gia phân tích chỉ ra, từ “hỗ trợ” ngụ ý khả năng phối hợp tương tác giữa hải quân Nhật Bản và Mỹ. Các tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) có thể được coi là một phần của hạm đội kết hợp, cung cấp khả năng phòng không tích hợp cho cả các tàu hải quân Mỹ (USN), đồng thời lực lượng này có thể thực hiện các cuộc tấn công chống tàu lớn hơn hoặc thậm chí tấn công trên bộ.

Chỉ huy trưởng của JS Suzutsuki, ông Noguchi Yuta cho biết: “Chúng tôi đã thể hiện hết khả năng của các hệ thống vũ khí được lắp đặt, thành công trong việc hạ gục mục tiêu và cải thiện khả năng chiến thuật khi phối hợp tác chiến. Ngoài ra, tinh thần của thủy thủ đoàn rất cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ”.

Ông Yuta cũng đưa ra tuyên bố trong cuộc tập trận: “Đó là hiện thực hóa một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, một môi trường an ninh không dung thứ cho bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.
Một số chuyên gia cho rằng, cuộc tập trận như là một phản ứng trước việc các máy bay ném bom chiến lược H-6 Trung Quốc và Tu-95 Nga tiến hành tuần tra chung trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông.

Để đáp trả, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM) đã đăng những bức ảnh cho thấy, máy bay F-16 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JASDF) bay cùng những chiếc F-35 của Mỹ và một máy bay tiếp nhiên liệu trên không.

Trước đó, vào ngày 20/6, JMSDF cũng chia sẻ hình ảnh tàu khu trục lớp Maya JS Haguro tham gia cuộc tập trận song phương phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD), với tàu sân bay USS John Finn thuộc Hạm đội 7 của hải quân Mỹ.

Tên lửa Sea Sparrow phiên bản cải tiến

RIM-162 ESSM là biến thể khác của tên lửa RIM-7 Sea Sparrow (SSM), một phiên bản phóng từ biển của tên lửa không đối không AIM-7 Sparrow (AAM), được tạo ra để thay thế cho những loại tên lửa thế hệ trước lỗi thời.

Điều thú vị là phiên bản tên lửa phóng từ biển SSM được phát triển để đối phó với tên lửa hành trình chống hạm của Liên Xô sau vụ đánh chìm tàu ​​khu trục INS Eilat của Israel vào năm 1967.

Năm 1968, bốn quốc gia NATO là Đan Mạch, Italia, Na Uy và Mỹ ký một biên bản ghi nhớ để cùng phát triển hệ thống tên lửa Seasparrow (NSSMS). Hiệp hội “chim sẻ biển” NATO sau đó ra đời và hiện có tới 12 quốc gia thành viên.

Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia không phải thành viên NATO đang sở hữu hệ thống này. Nó được lắp đặt trên các tàu sân bay trực thăng Hyuga, các khinh hạm lớp Akizuki, Takanamim và Murasame và được bắn từ các bệ phóng thẳng đứng.

“Vào tháng 4/1991, Văn phòng Dự án Sea Sparrow của NATO đã đề xuất lên Ban chỉ đạo Dự án Sea Sparrow việc nâng cấp NSSMS nhằm cải thiện hiệu suất chống lại các mối đe dọa ở độ cao thấp có khả năng di chuyển nhanh hơn và cơ động hơn”, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Tập đoàn Raytheon sau đó bắt đầu phát triển một biến thể tiên tiến vào năm 1995, nhằm tăng tốc độ tối đa của tên lửa lên Mach 2 và cho phép nó thực hiện các thao tác cơ động hơn.

So với RIM-7, ESSM có khả năng liên kết dữ liệu giữa hành trình, hệ thống dẫn đường quán tính được cập nhật cùng với radar bán chủ động và phần đầu đạn được thiết kế lại.
Tên lửa hoạt động như thế nào?

Tên lửa có chiều dài 3,64 mét và đường kính 0,254 mét, với tầm bắn khoảng 50 km, chạy bằng nhiên liệu rắn và có thể đạt tốc độ Mach 4.

Nó sử dụng radar quán tính và bán chủ động để dẫn đường. Hệ thống định hướng ESSM hoạt động trong ba chế độ khác nhau: Định hướng từ đầu đến cuối (HAW), định hướng giữa chặng đường (MCG) và định hướng đầu cuối băng tần X hoặc định hướng giữa chặng đường kết hợp với định hướng đầu cuối băng tần S.

Ở chế độ HAW, tên lửa sử dụng khả năng dẫn đường bán chủ động từ khi phóng tới mục tiêu. Trong MCG, tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính của nó để bay đến điểm được lập trình sẵn và được cập nhật mục tiêu trong quá trình bay.

Tên lửa ESSM được xem là vũ khí tiên tiến nhất hiện nay của hải quân Nhật Bản, là phương tiện răn đe của nước này trước các mối đe dọa trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới