Monday, September 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiên minh các quốc gia cùng chí hướng trên Biển Đông

Liên minh các quốc gia cùng chí hướng trên Biển Đông

Báo chí phương Tây gần đây có nhiều bài phân tích, bình luận về việc Việt Nam tỏ ra thân Mỹ và “những người bạn của Mỹ”. Thân Mỹ, đương nhiên mối quan hệ với các nước trong khối ASEAN cũng trở nên nhạt nhòa.

Thật ra đường lối ngoại giao của Việt Nam đã được khẳng định nhất quán trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và được ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong lập luận về chính sách ngoại giao “cây tre”. Hà Nội chả dại gì xích về Mỹ và đồng minh Mỹ mà xa cách các nước lân bang. Có chăng ngay các nước trong khối này cũng nhận rõ một điều, vai trò của khối đa phương ngày càng trở nên mờ nhạt, “bỏ thì thương vương thì tội”.

Chỉ dẫn ra một việc hệ trọng, 10 quốc gia Đông Nam Á dự kiến thảo luận và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), vậy mà đã hơn 20 năm trôi qua, vẫn giẫm chân tại chỗ.

Hẳn bạn đọc chưa quên, nhằm đối phó với những tranh chấp phức tạp, có nguy cơ leo thang thành xung đột ở Biển Đông, tháng 7/1992, tại Manila, Philippines, ngoại trưởng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra Tuyên bố ASEAN về Biển Đông. Đây là lần đầu ASEAN thể hiện lập trường chung về Biển Đông. Tuyên bố ASEAN cố gắng đưa ra Bộ quy tắc ứng xử không chính thức, dựa trên nguyên tắc tự kiềm chế, không dùng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Đủ biết, ASEAN đang bị Trung Quốc chi phối rất mạnh, nếu không muốn nói là tất cả. Mới rồi, hôm 23/6, Indonesia (Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023), thông báo quyết định dời địa điểm tổ chức cuộc tập trận quân sự chung lần đầu tiên của Khối sang một địa điểm cách xa Biển Đông. Giới nghiên cứu đã không hề ngạc nhiên, bởi từ lâu khối này luôn bị Trung Quốc tác động, chia rẽ mạnh mẽ. Sự im lặng của các nước trong khối được giấu sau cái vỏ nguyên tắc “không can thiệp lẫn nhau”. Chính bởi thế, càng làm cho vai trò trung gian của khối thêm mờ nhạt.

Lúc đầu, cuộc diễn tập phi chiến đấu dự định diễn ra tại vùng cực nam Biển Đông, từ ngày 18-25/9. Sau đó lại được chuyển hoàn toàn ra khỏi tuyến đường thủy chiến lược tới Biển Nam Natuna trong hải phận của Indonesia. Chủ nhà Indonesia nói rằng, quyết định di chuyển địa điểm là một quyết định độc lập và không có sự can thiệp từ các quốc gia khác.

Một số nhà quan sát đặt vấn đề, những hành vi cưỡng ép, bắt nạt các nước yếu thế của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua liệu có đẩy Việt Nam và một số nước xích lại gần Mỹ? Đó là một câu hỏi sát thực. Tuy nhiên, các nước trong khu vực đều tính toán một chiến lược tầm xa và có lộ trình cụ thể trong việc đối phó với Trung Quốc. Song không thể phủ nhận việc tiến tới một mối quan hệ thiết thực hơn, nhanh hơn giữa Việt Nam cũng như một số nước với Mỹ và đồng minh Mỹ.

Đối với Việt Nam, nếu Trung Quốc càng gây chuyện thì Hà Nội sẽ gần gũi hơn những người Mỹ và bạn của Mỹ. Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bên lề hội nghị thượng đỉnh G7. Hai bên đã nhất trí cùng nhau giải quyết những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên biển để bảo đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.

Với tư cách là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực, Nhật Bản có thể giúp Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Tokyo gần đây đã tập trung giới thiệu chương trình Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) cho các đối tác có cùng chí hướng đối mặt với “những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”. Chương trình này tạo điều kiện cho Nhật Bản chuyển giao thiết bị cho Việt Nam để giám sát các hoạt động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Cần lưu ý, Việt Nam là thành viên của ASEAN và khối này có “cơ chế cộng 3” để giải quyết các vấn đề về kinh tế với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cho nên mới quan hệ mật thiết giữu Việt Nam và Hàn Quốc cũng là lẽ tự nhiên.

Hàn Quốc với Mỹ thì chúng ta quá rõ, đó là hai nước đồng minh chiến lược. Hai nước đã có 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh. Mới đây, hôm 26/4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thăm chính thức Mỹ. Ông và Tổng thống Joe Biden đã có cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, tập trung bàn về các cam kết của Mỹ về việc tăng cường khả năng quân sự, bao gồm cả hạt nhân để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Washington đang tăng cường các nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản – hai đồng minh an ninh quan trọng tại châu Á trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng gia tăng.

Hàn Quốc với Việt Nam cũng là đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol từ ngày 22 đến 24/6 vừa qua là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc. Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên Tổng thống Yoon Suk Yeol tới thăm sau khi nhậm chức hồi tháng 5/2022. Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng, tạo xung lực mới cho hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu.

Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam trong những năm qua cũng đẩy mạnh việc hợp tác với Philippines là đồng minh lâu năm khác của Mỹ trong khu vực. Năm 2022, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên nắm quyền. Từ đó Manila có những động thái kiên quyết hơn đối với Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền lợi trên Biển Đông. Trong bối cảnh này, Việt Nam đã chớp thời cơ thúc đẩy mối quan hệ với Philippines, phát huy lợi ích và lợi thế của cả hai nước.

Chính phủ Philippines kiên quyết bảo vệ chính mình cũng có nghĩa là có lợi cho Hà Nội. Liên minh các quốc gia có cùng chí hướng sẽ tìm cách đẩy lùi âm mưu bành trướng, sự cưỡng ép của Trung Quốc trên Biển Đông.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới