Chúng ta phải loại bỏ tư duy, cách làm việc dựa trên “tinh thần anh em, đồng chí”, mà chỉ làm việc trên tinh thần tôn trọng quy định của pháp luật.
AFP ngày 11/3 đưa tin, công ty sản xuất xe lửa lớn nhất Trung Quốc CRRCđã thắng thầu tại Chicago và ký hợp đồng cung cấp 846 toa tàu điện ngầm cho thành phố lớn nhất miền Trung Tây, Hoa Kỳ với trị giá lên đến 1,3 tỷ USD – một kỷ lục trong lĩnh vực này.
Đây là hợp đồng cung cấp toa tàu lớn nhất mà một công ty Trung Quốc đã có được trong một nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ. Trên website của mình, CRRC mô tả đó là một “bước đột phá” cho xuất khẩu thiết bị cao cấp của Trung Quốc.
Thanh phố Chicago có hệ thống giao thông công cộng lớn thứ hai tại Hoa Kỳ. Hợp đồng kỷ lục của CRRC được ký kết nhằm cung cấp lượng toa tàu để thay thế khoảng một nửa lượng tàu hiện có tại Chicago. Thị trưởng của thành phố, ông Rahm Emanuel, cho biết thỏa thuận này sẽ “đi vào lịch sử”, theo The Chicago Sun-Times ngày 10/3.
Theo kế hoạch, các toa tàu sẽ được lắp ráp tại thành phố Chicago bởi CSR Sifang – một công ty con của CRRC tại Mỹ. CRRC đã bỏ giá thầu giá rẻ nhất trong phiên đấu thầu tại Chicago và đã đánh bại công ty Bombardier của Canada bằng 226 triệu USD.
Theo Bloomberg News ngày 10/3, đây là gói thầu thứ 2 có quy mô lớn mà Trung Quốc giành được tại Hoa Kỳ, sau gói thầu công ty CNR giành được tháng 10/2014 cung cấp hệ thống tàu điện ngầm cho thành phố Boston, trị giá 567 triệu USD.
Năm 2015, CNR và CSR Sifang sáp nhập thành công ty CRRC, một nỗ lực để tăng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả trên thị trường toàn cầu.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang trực tiếp thúc đẩy ngành đường sắt cao tốc Trung Quốc xuất khẩu thiết bị và công nghệ ra nước ngoài. Dựa vào những động thái này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng có thể đưa đất nước họ trở thành một quốc gia công nghiệp tiên tiến.
Chicago Tribune ngày 10/3 cho biết, các toa tàu mới được Trung Quốc thiết kế đã thỏa mãn được yêu cầu cần phải giải quyết bởi những bất tiện giữa ghế ngồi và lối đi của những toa tàu đang được sử dụng tại Chiacago. Đó là đáy quần của người đứng hay vừa bước lên tàu không còn đập vào tầm mắt của người ngồi ghế.
Như vậy là ngành đường sắt của Trung Quốc không chỉ có mặt tại những nước nghèo hay đang phát triển. Các công ty đường sắt Trung Quốc không chỉ cung cấp sản phẩm cho những quốc gia có trình độ khoa học công nghệ thấp hay trung bình. Và các nhà thầu Trung Quốc không chỉ thắng thầu ở những nền kinh tế vốn được xem có cơ chế đấu thầu không minh bạch.
Điều gì đã giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc chiến thắng đối phương, thuyết phục được đối tác cực kỳ khó tính như vậy? Phía sau những chiến thắng của doanh nghiệp Trung Quốc tại những thị trường khắt khe, những khách hàng khó tính là gì?
Tuân thủ luật chơi và khai thác những lợi thế tuyệt đối
Bắc Kinh từ lâu đã kêu gọi các doanh nghiệp đường sắt mở rộng hợp tác đầu tư ở nước ngoài để khai thác chuyên môn, mở rộng thị phần và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc.
Trung Quốc đã đành bại Nhật Bản trong dự án đường sắt cao tốc tại Indonesia, Trung Quốc cũng thắng thầu tại Serbia, Hungary và đang chuẩn bị triển khai dự án tại Thái Lan.
Cho dù Mexico hủy bỏ một dự án đường sắt cao tốc nhiều tỷ đô la vào năm 2015 khi cáo buộc nhà thầu Trung Quốc được thiên vị trong quá trình đấu thầu, song điều đó không ảnh hưởng đến việc thắng thầu của doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Mỹ, theo AFP.
Có thể thấy rằng việc công ty đường sắt Trung Quốc CRRC thắng thầu kỷ lục, cung cấp toa xe lửa tại Chicago là không dễ dàng.
Việc họ chiến thắng phải được xem là thành công của người Trung Quốc trong làm ăn ở nước ngoài, đặc biệt tại những nước có luật lệ chặt chẽ và tỷ lệ dân chúng chẳng ưa gì cách làm ăn của người Trung Quốc ở mức độ cao.
Và điều kiện đầu tiên nhất là họ phải tuân thủ luật chơi. Hệ thống luật pháp tại Mỹ không có cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc phá luật rồi áp dụng luật chơi của mình để chiến thắng đối phương.
Thể chế chính trị của Mỹ đã hoàn thiện và ổn định hàng trăm năm. Cơ chế thực thi pháp luật của Mỹ cụ thể và chi tiết. Vì vậy những tác động có ý đồ gần như bị miễn nhiễm.
Là một nền kinh tế thị trường tự do truyền thống và điển hình, các doanh nghiệp trong và ngoài nước Mỹ, khi tham gia vào sân chơi trên đất Mỹ đều phải tuân thủ cơ chế.
Những án lệ đã được vận dụng và áp dụng từ rất lâu nên gần như không có ngoại lệ cho doanh nghiệp Trung Quốc. Nghĩa là doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp của một quốc gia nào đó đều được đối xử như nhau.
Là một quốc gia có nền kinh tế thị trường, vận hành theo quy luật của thị trường tự do, vai trò của chính phủ Mỹ rất rõ ràng ở việc hỗ trợ, nhằm tạo sân chơi bình đẳng, đảm bảo và bảo vệ lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp và người tiêu dùng qua cơ chế cạnh tranh lành mạnh.
“Không thấy nhà nước đâu cả nhưng nhà nước lại có mặt ở khắp mọi nơi” – đó là vai trò của chính phủ trong cơ chế thị trường tự do, theo nhà kinh tế Mỹ Paul Anthony Samuelson – Nobel kinh tế 1970 .
Mô hình tàu hoả cao tốc Trung Quốc (bên phải) đã chiến thắng mô hình của Nhật Bản tại dự án đường sắt cao tốc tại Indonesia. Ảnh: Want China Times. |
Điều đó khác với vai trò của chính phủ trong những nền kinh tế có điều tiết khi “Nhà nước ở khắp mọi nơi nhưng lại không thấy nhà nước đâu cả” – nghĩa là chính phủ can thiệp nhưng kém hiệu quả. Từ đó hình thành nên những ưu ái, thiên vị và kéo theo là phá bỏ cơ chế, gây nên những lỗ đen cho việc lạm dụng quyền lực trong kinh tế để làm lợi cá nhân hay tạo ra “lợi ích nhóm”.
Như vậy, việc tuân thủ luật chơi của Mỹ là một trong những cơ sở đầu tiên nhất giúp nhà thầu Trung Quốc nuôi cơ hội giành chiến thắng trên đất Mỹ. Bởi lẽ nếu doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm luật chơi hay không hiểu luật chơi thì sẽ bị gạt khỏi cuộc chơi, hoặc không thể tham gia cuộc chơi bình đẳng với các đối thủ khác.
Thứ hai là các công ty Trung Quốc vừa khai thác những lợi thế của mình, vừa dùng thủ thuật nhưng không vi phạm luật chơi để chiến thắng đối thủ.
Lợi thế tuyệt đối của doanh nghiệp Trung Quốc luôn là giá rẻ và đây là kết quả của những thủ thuật như đảo ngược quy trình kinh tế trong hợp tác đầu tư và hiệu quả kép trong đầu tư sản xuất – kinh doanh.
Tiếp theo là chất lượng sản phẩm, mà cụ thể là khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Yếu tố này có sự giúp sức của đối tác. Đó là các yêu cầu càng chi tiết, càng cụ thể thì sẽ giúp cho nhà thầu chính xác trong tính toán khi lập dự án đấu thầu, và tránh được những phát sinh “có khả kháng” khi triển khai dự án, nếu trúng thầu.
Có lẽ, việc thiết kế đảm bảo yêu cầu của người đứng và người ngồi trên xe điện ngầm mà Trung Quốc thắng thầu trong “gói thầu Chicago” là minh chứng rõ nét nhất cho việc chi tiết hoá yêu cầu của đối tác, cụ thể hoá tính năng của sản phẩm.
Đây là một trong những yêu cầu rất quan trọng mà nhiều chủ đầu tư ở các quốc gia trên thế giới “cố tình quên” để giúp nhà thầu Trung Quốc trúng thầu.
Cuối cùng là tác động bởi chính sách “ngoại giao kinh tế” của chính phủ Trung Quốc, nó chứng tỏ kinh tế Trung Quốc không suy sụp. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng giúp doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế ở nước ngoài, song nó không phải là lợi thế tuyệt đối. Bởi lẽ chính phủ nào cũng có thể tạo ra lợi thế ấy giúp doanh nghiệp của mình, nếu chính phủ thực sự quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động.
Như vậy, việc doanh nghiệp đường sắt Trung Quốc thắng thầu kỷ lục ở Mỹ có ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó thực lực và khả năng của doanh nghiệp Trung Quốc đóng vai trò quan trọng. Nhưng việc giúp đỡ của đối tác cũng quan trọng không kém trong chiến thắng kỷ lục ấy, đó là hoàn thiện cơ chế và chi tiết hoá yêu cầu của sàn phẩm – dịch vụ khi mời thầu.
Việt Nam rút ra được điều gì qua việc doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu kỷ lục tại Mỹ?
Theo người viết thì Việt Nam rút ra được những lợi ích cho mình qua vụ việc trên, từ cả Mỹ và Trung Quốc. Đầu tiên nhất đó chính là hoàn thiện thể chế chính trị và hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật, cụ thể là kiện toàn và hoàn thiện hệ thống luật pháp.
Luật pháp trong kinh tế phải rõ ràng, sát thực tế, hạn chế tối đa việc có thể diễn giải đa nghĩa, đa chiều. Để làm tốt công việc xây dựng pháp luật thì đòi hỏi những con người tham gia vào công việc này phải là những người có đủ tầm – tài năng và thực tế.
Hiện nay, việc soạn thảo, hoàn thiện, thông qua các dự án luật chuyên ngành tại Việt Nam có rất nhiều bất hợp lý. Biểu hiện cụ thề là người hiểu biết về lĩnh vực được xem là đối tượng điều chỉnh của luật lại chưa được tập hợp tham gia soạn thảo, hoặc không được mời góp ý điều chỉnh, xây dựng luật.
Từ việc không huy động được “người tài” làm luật sẽ dẫn đến luật không sát thực tế, không phổ quát, từ đó khiến cho vai trò của luật bị xem nhẹ, đứng sau những quyết định hành chính mang tính cảm quan và sẽ gây thiệt hại hại cho nhà nước, cho xã hội.
Người viết đã từng tham gia mở thầu những dự án xây dựng và đã cảm nhận được trong nhiều dự án việc trúng thầu là không minh bạch.
Trong kinh tế kỹ thuật, vai trò của những đơn vị tư vấn kỹ thuật là cực kỳ quan trọng. Đây là nhân tố giúp chủ đầu tư không có chuyên môn sâu, kiến thức chuyên ngành liên quan tới dự án vẫn có thể quyết định sáng suốt khi chọn thầu.
Tuy nhiên, lực lượng này cũng không thể thực hiện tốt vai trò của mình khi tính chuẩn mực của luật pháp bị gác lại phía sau giá trị của những quyết định cảm quan.
Người viết đã từng chia sẻ rằng, trong những dự án doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu tại Việt Nam thực ra họ chỉ là đơn vị trúng thầu thôi, còn người thắng thầu thì không phải họ.
Có những con người, những thực thể đã “đặt thầu những ảnh hưởng đến việc thắng thầu”. Và nhà thầu nào “mua cái ảnh hưởng” đó với giá cao nhất thì sẽ thắng thầu.
Có thể hiểu một cách nôm na là một dự án sẽ có hai gói thầu được mời, một gói (gói 1) liên quan đến giá trị của dự án, một gói (gói 2) liên quan đến “ảnh hưởng quyết định thắng thầu”.
Giá trị của hai gói thầu này là trái ngược nhau. Gói 1 càng thấp thì gói 2 phải càng cao. Và điều đó sẽ ảnh hưởng đến xấu đến chất lượng sản phẩm – dịch vụ của dự án.
Nếu chi tiết hoá ngay từ khi mời thầu, duyệt thầu thì sẽ không có kiểu “đường cong mềm mại” như thế này và muốn diễn giải thế nào cũng được. Ảnh: Nguyễn Khánh / Báo Tuổi trẻ. |
Vì vậy, đế tránh những “dự án tai tiếng” do nhà thầu Trung Quốc thắng thầu, để việc doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu có thể trở nên bình thường như ở Mỹ thì Việt Nam phải hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật trong lĩnh vực kinh tế.
Nó sẽ phải là công cụ có thể ngăn chặn hữu hiệu tất cả những “nguy cơ” tạo ra những “lợi ích nhóm”, làm giàu cho một số người nhưng làm nghèo đất nước.
Ngày 4/8/2014 bà Lauren Ziegler, Giám đốc chương trình toàn cầu, Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ đã từng cho biết: “Chúng tôi rất ấn tượng bởi những thay đổi và tầm nhìn của Luật Đấu thầu của Việt Nam sửa đổi năm 2013, nó sẽ thúc đẩy môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch”.
Vậy mà việc đấu thầu tại Việt Nam vẫn bị nghi ngờ không minh bạch thì chứng tỏ cơ chế thực thi pháp luật chưa hoàn thiện.
Thứ hai, để tránh phải nhận những sản phẩm dịch vụ không “ưng ý” bởi doanh nghiệp nước ngoài, kiểu như “đường cong mềm mại” trong dự án đường sắt cao tốc tại Hà Nội mà nhà thầu Trung Quốc thắng thầu và đang thực hiện dự án, chủ đầu tư cần phải chi tiết hoá, cụ thể hoá những yêu cầu về tính năng kỹ thuật và tiện ích của sản phẩm – dịch vụ.
Từ những yêu cầu đó, các nhà thầu sẽ tính toán chi tiết và sát thực tế, qua đó hạn chế, thậm chí chấm dứt những phát sinh chi phí đội thầu do những lý do mà ai cũng biết là “có khả kháng” nhưng vì mập mờ, không rõ ràng khi mời thầu nên người ta có thể chuyền những lý do ấy sang dạng “bất khả kháng”.
Doanh nghiệp Trung Quốc dù có thủ đoạn hay thủ thuật thì cũng không thể làm khác được nếu như cơ chế thực thi pháp luật của Việt Nam hoàn thiện, nếu những người trong cuộc nêu tất cả những yêu cầu cho đối tác khi xác định chủ trương, xây dựng kế hoạch cho một dự án nào đó.
Chúng ta phải loại bỏ tư duy, cách làm việc dựa trên tinh thần anh em, đồng chí, mà chỉ làm việc trên tinh thần tôn trọng quy định của pháp luật. Người dân sẽ không còn xì xào về việc doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu dự án này, công trình kia thì chắc phải “có gì phía sau” những chiến thắng ấy.
Tóm lại, việc doanh nghiệp đường sắt Trung Quốc thắng thầu kỷ lục tại Mỹ là một sự khẳng định khả năng của doanh nghiệp Trung Quốc có thể chiến thắng tại những thị trường khó tính nhất.
Đồng thời qua đó nó giúp cho Việt Nam nhìn lại và khắc phục các lỗ hổng trong cơ chế thực hiện luật pháp, nếu doanh nghiệp Trung Quốc có thể thắng thầu kỷ lục tại Việt Nam thì cũng là chuyện bình thường bởi khả năng của họ. Có như vậy Việt Nam mới thoát khỏi cảnh mãi là người thua cuộc trong các dự án Trung Quốc thắng thầu.