Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐối thoại Mỹ - Trung nhằm vãn hồi căng thẳng thương mại

Đối thoại Mỹ – Trung nhằm vãn hồi căng thẳng thương mại

Chuyến công du của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến Trung Quốc, nhằm vãn hồi căng thẳng thương mại song phương, đối mặt không ít thách thức.

Chưa đầy 3 tuần sau chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, bà Yellen trở thành bộ trưởng thứ 2 công du Trung Quốc khi đến Bắc Kinh vào hôm qua (7.7).
Tìm cách cạnh tranh lành mạnh

Khuya qua, mạng truyền hình Trung Quốc CGTN đưa tin Thủ tướng nước này Lý Cường đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Yellen. CGTN dẫn lời Thủ tướng Lý nói trong cuộc gặp rằng tăng cường hợp tác là một nhu cầu thực tế và là lựa chọn đúng đắn. Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc và Mỹ nên tăng cường liên lạc, tìm kiếm sự đồng thuận về các vấn đề kinh tế quan trọng giữa hai nước, để mang lại sự ổn định và năng lượng tích cực cho quan hệ kinh tế song phương.
Ở phía ngược lại, bà Yellen khẳng định Washington không tìm cách “phân ly”, sẵn sàng thúc đẩy liên lạc, tránh những hiểu lầm do khác biệt gây ra, đồng thời tăng cường hợp tác ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các thách thức toàn cầu.

Theo Reuters, Bộ trưởng Yellen cũng nhấn mạnh rằng trong một số trường hợp nhất định, “Washington cần theo đuổi các hành động có mục tiêu để bảo vệ an ninh quốc gia”, nhưng những bất đồng về những động thái như vậy không nên vì gây nguy hiểm cho mối quan hệ rộng lớn hơn. Bà cho rằng Mỹ “tìm kiếm sự cạnh tranh kinh tế lành mạnh”, với một bộ quy tắc công bằng.

Phát biểu trong cuộc gặp trước đó trong cùng ngày với đại diện các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, Bộ trưởng Yellen đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh cải cách thị trường, đồng thời cảnh báo rằng Washington và các đồng minh sẽ phản đối “cách hoạt động kinh tế bất công”. Cùng ngày 7.7, CGTN dẫn thông cáo từ Bộ Tài chính Trung Quốc hy vọng Mỹ “có những hành động cụ thể để tạo môi trường thuận lợi cho quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước”. Thông cáo còn cảnh báo sẽ chẳng có bên nào thắng cuộc nếu hai bên xảy ra chiến tranh thương mại.

Thực tế, căng thẳng, đặc biệt là xung đột thương mại, không có lợi cho hai bên vì dù sao thì quan hệ thương mại Mỹ – Trung vẫn rất sâu sắc. Thương mại song phương Mỹ – Trung năm ngoái đạt mức 690 tỉ USD sau khi giảm xuống từ năm 2018 – thời điểm chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump áp đặt mức thuế tăng 25% đối với một số mặt hàng Trung Quốc có trị giá xuất khẩu lên đến 370 tỉ USD vào Mỹ.

Bên cạnh đó, việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản liên tục dẫn đến thay đổi dòng chảy của vốn, khiến nhân dân tệ giảm giá đáng kể so với USD. Khi nhân dân tệ giảm giá thì ảnh hưởng đáng kể đến cân bằng thương mại giữa hai bên. Chính vì thế, ngay trước khi Bộ trưởng Yellen đến Trung Quốc, giới chuyên gia nhận định Washington và Bắc Kinh cần phải tìm được giải pháp cho chính sách tài chính để cả hai bên đều hạn chế tổn thương.
Mua bán nhiều, căng thẳng không ít

Tuy nhiên, quan hệ hai bên trong những năm qua cũng liên tục căng thẳng, thậm chí xung đột thương mại không ngừng tăng cao. Washington cũng cho rằng Bắc Kinh đã không tuân thủ thỏa thuận có hiệu lực từ đầu năm 2020 (trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ) là tăng cường mua nông sản và các sản phẩm công nghiệp, máy móc (bao gồm cả máy bay). Trong khi đó, thực tế thì Trung Quốc đã giảm mua máy bay nhưng lại tăng cường mua nguyên vật liệu, linh kiện bán dẫn…

Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao hai bên dâng cao, Washington và Bắc Kinh cũng liên tục “ăn miếng trả miếng” về thương mại. Ngay trước chuyến công du của Bộ trưởng Tài chính Yellen đến Bắc Kinh, Trung Quốc áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với gali và gecmani. Đây là các kim loại được sử dụng rộng rãi trong chất bán dẫn và xe điện, nên lệnh hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc đe dọa sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tất nhiên gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất của Mỹ. Đến ngày 4.7, tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn thạo tin tiết lộ chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị hạn chế quyền tiếp cận của các công ty Trung Quốc đối với những dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ. Quy định mới có thể sẽ yêu cầu những nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ như Amazon.com và Microsoft xin phép chính phủ nước này trước khi cung cấp dịch vụ điện toán đám mây sử dụng chip trí tuệ nhân tạo (AI) cho khách hàng Trung Quốc. Trước đó, Washington cũng đã tung ra nhiều đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Bắc Kinh.

Trong bối cảnh như vậy, quan hệ thương mại Mỹ – Trung đang có dấu hiệu giảm sút. Theo Reuters, từ tháng 1 – 5 vừa qua kim ngạch thương mại giữa hai nước đã giảm 58 tỉ USD so với năm ngoái, mức giảm này tương đương 18%. Bên cạnh đó, những bất đồng sâu rộng giữa hai bên bị đánh giá là chưa có giải pháp để giải quyết. Như nhận xét của ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – AMTI, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS, Mỹ) khi trả lời Thanh Niên gần đây: “Quan hệ Mỹ – Trung về tổng thể thì khó có thể sớm cải thiện do hai bên không đồng thuận về các vấn đề cơ bản. Washington và Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi các chiến lược cạnh tranh về an ninh, công nghệ cao…”.

RELATED ARTICLES

Tin mới