Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ triển khai hệ thống thám thính quy mô lớn ở Bắc...

TQ triển khai hệ thống thám thính quy mô lớn ở Bắc Cực

Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm thực địa và đánh giá một thiết bị nghe dưới nước với hy vọng có thể triển khai trên quy mô lớn ở Bắc Băng Dương.

Thông tin này được Trung tâm Nghiên cứu Vùng cực Trung Quốc (PRIC, có trụ sở tại Thượng Hải) công bố trên một tạp chí chuyên ngành của nước này vào tháng trước, theo tường thuật của báo South China Morning Post (SCMP) ngày 9.7.

Theo bài viết, thông tin âm thanh được thu thập bởi mạng lưới thám thính quy mô lớn trong tương lai có thể được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm “liên lạc dưới bề mặt băng, điều hướng và định vị, phát hiện mục tiêu và tái tạo các thông số môi trường biển”.

Động thái này có khả năng sẽ gây ra nhiều căng thẳng hơn nữa tại khu vực Bắc Cực, nơi đang ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc chơi quyền lực toàn cầu do vị trí chiến lược, tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng cho các tuyến vận tải mới.

Trong thử nghiệm thực địa, các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc đã lắp đặt “hệ thống phao giám sát âm thanh bề mặt nông dưới băng vùng cực” trên một tảng băng nổi ở một khu vực xa xôi của Bắc Băng Dương vào ngày 9.8.2021. Theo PRIC, đây là một trong những khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Hệ thống mang theo một số dụng cụ, nhưng quan trọng nhất là một ống nghe dưới nước với nhiều cảm biến được bố trí theo các hướng khác nhau để đo cả áp suất và chuyển động phân tử của sóng âm.

Dữ liệu áp suất âm thanh có thể được sử dụng để theo dõi cá voi, hải cẩu và các nguồn phát ra âm thanh khác. Dao động ngang và dọc của các phân tử nước có thể giúp các nhà khoa học hiểu được các hiện tượng đại dương như dòng chảy, sóng và đáy biển.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói thiết bị nói trên có thể được sử dụng rộng rãi trong việc xây dựng mạng lưới giám sát môi trường Bắc Băng Dương.

Theo SCMP, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc khảo sát và lắp đặt nhiều thiết bị giám sát, bao gồm cả phao, ở khu vực Bắc Cực. Song họ chưa bao giờ lắp đặt một thiết bị nghe ở đó vì các thách thức về mặt kỹ thuật cũng như yếu tố địa chính trị.

Chính phủ Mỹ đã phản đối mạnh mẽ các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Bắc Cực, nơi được bao phủ bởi các chỏm băng mà các tàu ngầm hạt nhân có thể lợi dụng để di chuyển và ẩn náu. Nga cũng có những quan ngại tương tự mặc dù trong những năm gần đây, sự lo lắng của họ dường như đã giảm bớt. Tại Moscow hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong việc phát triển các tuyến vận tải đi qua khu vực Bắc Cực là đầy hứa hẹn.

Sự tan chảy nhanh chóng của băng ở Bắc Cực dự kiến sẽ tạo ra một tuyến đường ngắn hơn nhiều cho thương mại hàng hải giữa Đông Á, châu Âu và thậm chí cả Bắc Mỹ, mang lại cho Trung Quốc động lực lớn hơn để tham gia vào các vấn đề ở Bắc Cực, theo PRIC.

Trong một báo cáo vào tháng 4, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington D.C) cho biết nghiên cứu về Bắc Cực của Trung Quốc tập trung vào việc thúc đẩy hiểu biết khoa học về các vấn đề như cấu tạo băng, thời tiết và sinh vật biển. Song CSIS nhận định nỗ lực thám hiểm nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực cũng bao gồm các cuộc khảo sát hải dương học rộng lớn có thể giúp ích cho các hoạt động của hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc có hai trạm nghiên cứu cố định ở Bắc Cực, một ở quần đảo Svalbard của Na Uy và một ở Iceland. Bắc Kinh có kế hoạch mở rộng sự hiện diện trên đất liền tại khu vực này nhưng phải đối mặt với những rào cản ngày càng tăng từ Mỹ và các quốc gia khác.

Năm 2018, PRIC đã cố gắng mua một sân bay ở Lapland (Phần Lan). Thỏa thuận này được cho là đã bị chính phủ Phần Lan hủy bỏ dưới áp lực của Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới