Nỗ lực duy trì sự đồng thuận về viện trợ cho Ukraina được cho là gây ra những phức tạp lâu dài cho NATO.
Việc tiếp tục ủng hộ Ukraina trong cuộc xung đột với Nga có thể gây ra những rắc rối lâu dài cho NATO, khi những vấn đề lớn lẽ ra phải được khối quân sự giải quyết đang bị đình trệ – tờ Politico dẫn lời các chuyên gia và cựu quan chức nhận định.
Một bài viết do tạp chí Politico đăng tải hôm 8.7 trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 11-12.7 ở Vilnius, Lithuania, đặt ra câu hỏi về chi phí viện trợ ngày càng tăng cho Ukraina, cũng như sự thiếu thống nhất giữa các thành viên. Bài báo viết: Nhiều đồng minh ngày càng tỏ ra lo lắng về “thời gian và cái giá phải trả để Kiev có thể tiếp tục được hỗ trợ”.
Tuy nhiên, trước công chúng, các quan chức NATO và Mỹ đã tăng cường nỗ lực thể hiện sự thống nhất trước hội nghị thượng đỉnh, bày tỏ sẵn sàng tiếp tục ủng hộ Ukraina chừng nào còn cần.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Tổng thống Mỹ đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraina chừng nào còn cần, cung cấp cho họ số lượng vũ khí và năng lực đặc biệt”.
Tuy nhiên, theo tờ Politico, sự đoàn kết với Kiev cuối cùng là để phục vụ các mục tiêu đối nội của Washington, cụ thể là củng cố vị thế của Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ trước cuộc tổng tuyển cử năm 2024. Đồng thời, sự bất ổn chính trị gia tăng ở Mỹ đang thúc đẩy Ukraina ngày càng đòi hỏi nhiều hơn từ những người ủng hộ phương Tây để chuẩn bị cho một kịch bản khi viện trợ đột ngột ngừng lại – Hagar Chemali, cựu quan chức chính phủ Mỹ dưới thời ông Barack Obama làm tổng thống, nói với Politico.
“Trong bối cảnh ông Donald Trump đang tái tranh cử tổng thống và do ngày càng có nhiều ứng viên đảng Cộng hòa đặt câu hỏi hoặc phản đối Mỹ ủng hộ Ukraina, tôi cho rằng Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để có thêm hỗ trợ quân sự trong năm nay, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11.2024″ – bà Chemali nói.
Hơn nữa, hỗ trợ Ukraina cũng có thể là một nỗ lực để tránh giải quyết các vấn đề dài hạn trong NATO bằng cách tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn – Rachel Rizzo, một thành viên của Trung tâm châu Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nói với Politico.
“Đó là dấu hiệu cho thấy tinh thần chung và ưu tiên hiện tại của NATO là giữ nguyên hiện trạng với Ukraina càng lâu càng tốt” – bà Rizzo tuyên bố, bày tỏ nghi ngờ về việc khối sẽ thông báo lộ trình rõ ràng để Ukraina gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Lithuania.
“NATO phải thể hiện một mặt trận gắn kết tại hội nghị thượng đỉnh này. Vì vậy, cách tiếp cận dễ dàng hơn ở đây là chỉ trả lời các câu hỏi ngắn hạn; và những câu hỏi lớn hơn đòi hỏi sự đồng thuận từ các đồng minh đang dần được giải quyết” – bà Rizzo nói.
NATO dường như bị chia rẽ trong việc cung cấp cho Ukraina một lộ trình rõ ràng để gia nhập, với các quốc gia thành viên lớn, bao gồm cả Mỹ, dường như miễn cưỡng làm như vậy. Gần đây, Tổng thống Joe Biden cảnh báo, việc mời Kiev tham gia liên minh lúc này sẽ có nguy cơ đưa NATO vào cuộc chiến với Nga.
T.P