Gần 40% số tàu ngầm tấn công nhanh của Mỹ đang trong quá trình sửa chữa hoặc chờ đến lượt bảo trì vì các xưởng tàu đối mặt tình trạng thiếu nhân công và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Đài CNN hôm 13.7 dẫn báo cáo mới của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội thống kê được, trong số 49 tàu ngầm tấn công nhanh hiện có của Hải quân Mỹ, tổng cộng 18 chiếc đang trong quá trình bảo trì hoặc chờ đến lượt sửa chữa.
Điều này có nghĩa là có gần 40% số tàu ngầm không sẵn sàng ra khơi, cao hơn con số 20% cho phép được bảo trì trong cùng một giai đoạn. Cũng theo mục tiêu của Hải quân Mỹ, lẽ ra không có tàu ngầm trong tình trạng nằm chờ đến lượt bảo trì.
Bloomberg là phía truyền thông đầu tiên đưa tin về số tàu ngầm Mỹ tạm thời bị loại khỏi lực lượng.
2015 là năm gần đây nhất Hải quân Mỹ thực hiện được mục tiêu trên, với 10 tàu ngầm (19% số tàu ngầm của lực lượng) được bảo trì trong cùng một thời điểm. Kể từ đó, số lượng và tỷ lệ tàu ngầm bị “trùm mền” cứ tiếp tục tăng và hiện ở mức 37%.
Số tàu ngầm tấn công nhanh của Hải quân Mỹ cũng giảm đều từ mức 53 chiếc cách đây 1 thập niên xuống còn 49 chiếc.
Hải quân Mỹ có kế hoạch trong vòng vài năm tới sẽ mua thêm 2 tàu ngầm tấn công nhanh/năm. Tuy nhiên, hạm đội tàu ngầm tấn công nhanh đang đối mặt tình trạng giảm sút trong thời gian tới do số lượng tàu ngầm được mua trong thập niên 1990 ở mức thấp.
Việc thiếu hụt tàu ngầm sẽ còn trầm trọng hơn theo sau thỏa thuận giữa Mỹ, Anh và Úc (liên minh AUKUS), với Mỹ và Anh sẽ cung cấp từ 3 đến 5 tàu ngầm tấn công nhanh cho Úc vào đầu thập niên 2030.
Tàu ngầm tấn công nhanh được ưa chuộng vì có thể đảm nhiệm nhiều dạng sứ mệnh khác nhau, bao gồm tham gia cuộc chiến chống tàu ngầm, thực hiện các đợt tấn công bằng tên lửa hành trình, vận chuyển các lực lượng đặc nhiệm và hơn nữa.
Hiện Hải quân Mỹ sử dụng 3 lớp tàu ngầm tấn công nhanh, gồm lớp Los Angeles (cũ hơn), lớp Seawolf, và lớp Virginia (mới hơn).
T.P