Theo ông Thái, việc chi bồi dưỡng tại Malaysia là rất phổ biến. Bị cáo nhận thức thời điểm đó dịch bệnh căng thẳng, nếu không có tiền bồi dưỡng thì không thể huy động được anh chị em làm việc.
Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, có 8 bị cáo là cựu cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại các nước Nhật Bản, Malaysia, Liên bang Nga và Angola. Trong đó, có tới 4 người từng công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, gồm: ông Trần Việt Thái (đại sứ đặc mệnh toàn quyền) và 3 cán bộ.
Tại phiên tòa, ông Thái khai chính thức đảm nhiệm chức vụ đại sứ đặc mệnh toàn quyền từ cuối năm 2020.
Trước câu hỏi có quy định nào về việc thu tiền của chủ tàu, chủ lao động, người mãn hạn tù trong trại chờ về nước hay không, ông Thái cho rằng Nhà nước không có quy định nào cụ thể, đồng thời, trước khi có chủ trương giải cứu công dân về nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cũng chưa từng tổ chức công việc này.
“Nói là vượt quy định cũng rất là khó”, cựu đại sứ nói.
Kể về bối cảnh khi bắt đầu có chủ trương “chuyến bay giải cứu”, ông Thái cho biết từ ngày 11/1/2021, Malaysia ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia, yêu cầu 6 đại sứ quán vào trại chờ để giải tỏa người mãn hạn tù. Trong đó, Việt Nam có gần 2.000 người.
Sau đó, ông Thái chỉ đạo Nguyễn Hoàng Linh và Lê Ngọc Anh (cán bộ đại sứ) đi khảo sát thực tế để lập kế hoạch dự trù kinh phí đưa những người Việt Nam mãn hạn tù về nước. Các khoản khảo sát có tiền vé máy bay, tiền hộ chiếu, thủ tục về nước, tiền xét nghiệm covid-19.
“Ở chuyến bay đầu tiên, đại sứ quán phải đấu tranh với chủ tàu, chủ ghe, người sử dụng lao động sẽ chi trả tiền cách ly. Sau đó, vì phát sinh thêm nhiều vấn đề, đại sứ quán phát trực tiếp tiền trên tại sân bay”, ông Thái khai.
Theo lời khai của cựu đại sứ, sau khi khảo sát, đại sứ quán thống nhất 3 mức thu: 20,3 triệu đồng/người có hộ chiếu; 24,9 triệu đồng/người chưa có hộ chiếu; 30-34 triệu đồng/người ở đảo xa phải bay thêm chuyến nội địa.
Riêng chi phí cấp hộ chiếu, đại sứ quán thu hơn 4,6 triệu đồng/cuốn nhưng thực tế chỉ 1,6 triệu đồng/cuốn.
Về phương thức thu, tại tòa, ông Thái cho biết, do bối cảnh dịch bệnh, giãn cách xã hội, chủ yếu người nộp tiền sẽ chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng một người bạn của Ngọc Anh. Tổng số tiền mà đại sứ quán đã thu là 44,6 tỷ đồng. Số tiền này, chỉ 34,2 tỷ đồng được chi cho việc đưa công dân về nước.
Số tiền dư còn lại, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia cho biết trích một phần dùng để “bồi dưỡng” cho cán bộ tại đại sứ quán, theo tỷ lệ: Đại sứ hệ số 1,5; 2 cán bộ trực tiếp hệ số 1,2; còn lại hệ số 1, căn cứ vào mức phụ cấp của Nhà nước.
Sau khi cân đối, ông Thái hưởng 580 triệu tiền “bồi dưỡng”, cấp dưới hưởng 220-480 triệu đồng.
“Bị cáo thừa nhận sai phạm. Nhưng ở Malaysia, việc chi bồi dưỡng là rất phổ biến. Bị cáo nhận thức thời điểm đó dịch bệnh căng thẳng, nếu không có tiền bồi dưỡng thì không thể huy động được anh chị em làm việc. Sau đó, bị cáo đã nhận thức được, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, mong muốn được xem xét về mức độ phạm tội”, ông Thái khai.
Theo cựu đại sứ, ngoài 4 bị cáo đã nộp lại tiền hưởng lợi, những nhân viên còn lại tại đại sứ quán không nộp vì cho rằng không vi phạm.
Tại tòa, 3 bị cáo từng là cấp dưới của ông Thái tại đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia đồng ý với những lời khai trên của cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
T.P