Cách đây 7 năm, vào ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài Liên hợp Quốc (PCA) tại Lahaye đã có phán quyết bác bảo mọi yêu sách phi lý của Trung Quốc về “Đường 9 đoạn” ở Biển Đông.
Thế nhưng vụ thắng kiện của Philippines đối với Trung Quốc từ đó đến nay vẫn không có hiệu lực. Mặc dù về lý thuyết, đây được xem là phán quyết mang tính lịch sử. Lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế có tư cách pháp nhân bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc trong phạm vi “Đường 9 đoạn”. Tòa PCA xác định, nó không có cơ sở pháp lý và cũng bác bỏ luôn cả quyền lịch sử đối với tài nguyên bên trong đường lưỡi bò.
Không những ném phán quyết của Tòa vào sọt rác, Trung Quốc tiếp tục có những hành động ngang ngược, gây rối trên Biển Đông, chèn ép các nước trong khu vực.
Vì thế, mặc dù Trung Quốc và Mỹ đang cố gắng hạ nhiệt những căng thẳng, song nhân kỷ niệm 7 năm ngày Trung Quốc thua kiện, Washington đã không nhân nhượng. Cụ thể, hôm 11/7, Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng can thiệp vào các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; chấm dứt “hành vi quấy rối thường xuyên” các tàu của các quốc gia có yêu sách hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Tuyên bố này do Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đưa ra. Ông kêu gọi Bắc Kinh thực hiện các yêu sách hàng hải của mình theo luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đồng thời, kêu gọi Trung Quốc ngừng vi phạm quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Không dừng lại ở lời kêu gọi, ông Miller nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.”
“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, phụ họa với Mỹ, phái đoàn của Liên minh châu Âu và đại sứ quán của 16 nước thành viên EU tại Philippines dịp này cũng ra tuyên bố kêu gọi duy trì các quyền tự do trong vùng biển tranh chấp. EU khẳng định, các cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS góp phần duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền và rất cần thiết để giải quyết các tranh chấp hàng hải: “Phán quyết của Tòa Trọng tài là một cột mốc quan trọng, ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tham gia các thủ tục tố tụng đó, và là cơ sở hữu ích để giải quyết tranh chấp giữa các bên một cách hòa bình”.
Tuyên bố của Mỹ và EU được đưa ra sau các báo cáo về việc các tàu bảo vệ bờ biển của Philippines bị hai tàu Trung Quốc “theo dõi, quấy rối và cản trở” trong khi hỗ trợ một hoạt động hải quân ở bãi cạn Ayungin vào ngày 30/6.
Không chỉ có thế, hôm 9/7, Quân đội Philippines cũng báo cáo đã phát hiện 48 tàu đánh cá Trung Quốc xung quanh Bãi Đá Iroquois, phía nam Bãi Cỏ Rong. Bãi đá Iroquois là một rạn san hô có tiềm năng lớn về dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ngoài ra còn có 5 tàu hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc lượn lờ quanh Bãi cạn Sabina.
Những hành động gây rối này của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp thậ sự là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Đặc phái viên Mỹ MaryKay Carlson viết trên Twitter: “Hành vi vô trách nhiệm của Bắc Kinh ở Biển Đông đe dọa đến an ninh và các quyền hợp pháp của đồng minh hiệp ước của chúng ta, Philippines”.
Phản ứng về hành động “lấy thịt đè người” của Nhà Trắng, hôm 14/7, Ông Vương Nghị – trùm ngoại giao của Trung Quốc đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Blinken: “Washington “cần có cách tiếp cận họp lý và thực tế, họp tác với Trung Quốc theo cùng một hướng”. Ông Vương cũng dằn mặt Blinken, yêu cầu Mỹ ngừng “can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc”.
Ông Trùm ngoại giao họ Vương cũng kêu gọi Mỹ “ngừng chèn ép Trung Quốc về kinh tế,thương mại, khoa học và công nghệ, đồng thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp và không chính đáng đối với Trung Quốc”.
Còn theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Ông Vương Nghị đã nêu rõ lập trường nghiêm khắc của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan và kêu gọi Mỹ không được can thiệp thô bạo, bừa bãi vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Vậy là, nhân kỷ niệm 7 năm ngày Tòa PCA xử kiện, ra Phán quyết đối với Trung Quốc, tình hình trên Biển Đông vẫn không có chuyển biến gì đáng kể. Việc ASEAN thảo luận và thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vẫn giậm chân tại chỗ.
Trong màn sương mù ấy, Mỹ và các đồng minh cùng các Trung Quốc liên tục tập trận để phô trương sức mạnh. Các cuộc tập trận quy mô ngày càng lớn của Trung Quốc có thể coi như một thông điệp rằng, Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp trước hành động khiêu khích và gây bất hòa thông qua sức mạnh quân sự của Mỹ, các nước nên đối thoại và tìm kiếm sự hợp tác.
Đối với các nước đang có tranh chấp, ngoài Philippines và Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông. Mặc dù không có các tuyên bố chủ quyền trong khu vực, nhưng Mỹ đã thường xuyên điều các tàu chiến và máy bay tuần tra khu vực này trong nhiều thập niên qua, nhằm thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Khi chưa có bên nào thật sự “thắng kiện”, vẫn cần một “Người khổng lồ” như Mỹ luôn áp sát Trung Quốc. Và hai bên vẫn liên tục khẩu chiến. Nói tranh chấp địa – chính trị là vấn đề lớn, thật ra đó luôn là một cuộc chạy đua. Tranh chấp Biển Đông vẫn như một mồi lửa luôn sẵn sàng bùng cháy.
H.Đ