Sáng 17-7, ngày thứ 5 xét xử vụ án chuyến bay giải cứu, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã đề nghị mức án tử hình với bị cáo Phạm Trung Kiên. Các bị cáo còn lại bị đề nghị cao nhất đến 20 năm tù.
Sáng 17-7, phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu bước sang ngày xét xử thứ năm, trước khi chuyển sang phần tranh tụng, viện kiểm sát công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Cần kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Theo đó, viện kiểm sát đề nghị tử hình đối với bị cáo Phạm Trung Kiên. Bị cáo này bị viện kiểm sát đánh giá là tham nhũng với thủ đoạn “trắng trợn” nhất.
Theo bản luận tội được công khai tại tòa, viện kiểm sát cáo buộc một số bị cáo trong vụ án đã lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chủ trương nhân đạo của Nhà nước để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin – cho buộc các doanh nghiệp phải “bôi trơn”, đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu.
Từ đó các doanh nghiệp phải tăng giá vé máy bay ảnh hưởng đến uy tín Nhà nước, mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách giải cứu công dân về nước trong đại dịch.
Viện kiểm sát đánh giá hành vi của các bị cáo đã “phản bội lại chính sự cố gắng của đồng đội, đồng chí của mình” trong dịch COVID-19, do đó việc truy tố, xét xử vụ án là cần thiết đảm bảo sự răn đe.
Đánh giá lời khai của các bị cáo về việc không nhận thức hành vi nhận tiền là vi phạm, viện kiểm sát cho rằng trong phần thẩm vấn một số bị cáo đã “lập lờ, đánh lận” khi biện minh việc nhận tiền chỉ là được “cảm ơn”.
“Hành vi nhận tiền của các bị cáo là hành vi nhận hối lộ. Các bị cáo đang làm chức trách nhiệm vụ nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền bằng cả gia tài nhiều người mơ ước”, viện kiểm sát lập luận.
Ngoài ra, viện kiểm sát cũng cho rằng cần kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong giai đoạn sau của vụ án.
T.P