Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDoanh nghiệp Việt mờ nhạt, nhường ‘sân chơi’ công nghiệp cho FDI

Doanh nghiệp Việt mờ nhạt, nhường ‘sân chơi’ công nghiệp cho FDI

Cùng một môi trường nhưng giữa 2 khối doanh nghiệp lại có những động lực trái ngược nhau. Trong khi các doanh nghiệp (DN) FDI đổ vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo thì các doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực này rất mờ nhạt.

Yếu tiềm lực và thiếu động lực

Trao đổi tại một hội thảo về công nghiệp hỗ trợ được tổ chức gần đây, ông Mẫn Chí Trung, Tổng Giám đốc Công ty An Trung Industries (Hải Dương) cho biết, với mô dân số Việt Nam gần 100 triệu người, nhu cầu sử dụng đồ điện tử, ô tô, xe máy rất lớn, nên đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện cung cấp cho các ngành này. Mặc dù cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Trước hết, chi phí đầu tư ban đầu vào lĩnh vực này tốn kém hơn các lĩnh vực khác, bởi máy móc đòi hỏi rất hiện đại và có độ chính xác cao. Nhà xưởng cũng phải đạt tiêu chuẩn cao nhất. Nguồn nhân lực cũng phải tuyển chọn kỹ lưỡng, đồng thời phải bỏ ra chi phí lớn để đào tạo cho chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ngoài được miễn, giảm tiền thuê mặt bằng thời gian đầu như mọi doanh nghiệp khác đầu tư vào khu công nghiệp, công ty ông không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào khác.

“Doanh nghiệp cần nhất là vốn và công nghệ thì cả hai đều không được hỗ trợ”, ông Trung nói.

Giám đốc một công ty cơ khí, đang là nhà cung ứng cho một số doanh nghiệp ô tô FDI tại Việt Nam tâm sự: một linh kiện đơn giản nhất là những con ốc vít dùng trong xe ô tô, vặn vào đâu cũng phải có thông số kỹ thuật riêng. Muốn sản xuất phải trải qua tính toán trên lý thuyết, rồi đến thử nghiệm và đầu tư công nghệ. Tức là đòi hỏi nhà sản xuất phải nắm được từ kỹ thuật, công nghệ cho đến lựa chọn vật liệu… Quá trình này rất vất vả, tốn kém cả thời gian lẫn chi phí.

“Đầu tư vào sản xuất công nghiệp thì khó khăn vất vả đủ thứ, lợi nhuận lại thấp. Doanh thu của doanh nghiệp có thể lên tới 500 tỷ đồng/năm nhưng lợi nhuận cuối cùng có khi chỉ đạt vài tỷ đồng”, vị giám đốc này than thở.

Một chuyên gia từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) kể, có doanh nghiệp Việt mất đến 4 năm phấn đấu mới đạt điều kiện nhà cung ứng cấp 2 cho một tập đoàn công nghiệp đa quốc gia có nhiều nhà máy ở Việt Nam, nhưng đạt được rồi thì không muốn vươn lên nữa mà bỏ ngang, để chuyển sang làm bất động sản vì thấy lợi nhuận lớn hơn.

Thực tế, những năm qua giá đất liên tục tăng. Có nơi giá tăng hơn 100%, có nơi tới 200% sau thời gian ngắn. Đầu cơ đất đai kiếm lời hơn cả chục lần, mà chẳng phải tính toán, thử nghiệm kỹ thuật, đầu tư công nghệ làm gì, bởi có thành công thì lợi nhuận thu về cũng chẳng nhiều, không bằng mua miếng đất bỏ đó mấy năm sau ăn lời bạc tỷ, anh nói.

Đến nay, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do. Sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu sẽ hưởng nhiều ưu đãi. Đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam thời gian qua chiếm 60% là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt tham gia vào lĩnh vực này rất mờ nhạt.

Ông Mẫn Chí Trung tâm sự, có sang Trung Quốc mới thấy, các công ty trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo của Trung Quốc được tạo điều kiện rất tốt về đất đai, nhà xưởng, nguồn vốn và thuế. Không những thế, Nhà nước còn kết nối doanh nghiệp với chuyên gia, đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp nước ngoài, hỗ trợ thu hút người tài, liên kết với nhau… Còn ở Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp phải “độc lập tác chiến”.

Vay vốn không được ưu đãi phải chịu lãi suất cao, đầu tư lớn, sản xuất rất vất vả, cực nhọc mới tạo ra sản phẩm có chất lượng mà lợi nhuận thấp. Điều này đã khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam không có động lực tham gia vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Nội lực yếu và nỗi lo ‘bẫy thu nhập trung bình’

Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thời gian qua cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân hiện nay chủ yếu hoạt động ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng,… ít tham gia vào sản xuất công nghiệp. Hơn 50% doanh nghiệp dân doanh vay vốn ngân hàng, chủ yếu để trang trải hoạt động, chứ ít đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thiết bị máy móc hay công nghệ. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp, so với các nước trong khu vực chỉ đạt 2%. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu. Số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI là hết sức hạn chế, đặc biệt ở những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao như sản xuất ô tô, thiết bị điện tử. Có rất ít mối liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam với doanh nghiệp FDI.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2010 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 71,6 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp trong nước đạt 32,8 tỷ USD và doanh nghiệp FDI đạt 38,8 tỷ USD. Năm 2010, doanh nghiệp trong nước đóng góp 45,8% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đến năm 2022, xuất khẩu của cả nước đạt 371 tỷ USD thì doanh nghiệp FDI chiếm 275 tỷ USD tương đương với 74%, còn doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp khoảng 26% vào tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hiện chúng ta là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đang phấn đấu đến năm 2030, trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Muốn vậy, trước tiên phải vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, con đường trở thành nước thu nhập cao, không thể bỏ qua công nghiệp chế biến chế tạo.

Hiện nay tỷ lệ đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo chiếm chưa tới 20% trong GDP hàng năm. Mục tiêu của Chính phủ là tăng tăng tỷ trọng này trong GDP lên mức trên 25% vào giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu này có thể đạt được, nhưng chưa chắc đã gắn với sự đóng góp của lực lượng doanh nghiệp trong nước, chủ yếu vẫn dựa nhiều vào các doanh nghiệp FDI. Đến một lúc nào đó, những lợi thế dành cho doanh nghiệp FDI giảm so với các nước khác, họ rút đi, sẽ để lại một ngành công nghiệp chế biến yếu kém và không đủ năng lực cạnh tranh. Đã có rất nhiều cảnh báo về những quốc gia sập “bẫy thu nhập trung bình” thường có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kém phát triển, kém đa dạng với năng suất lao động thấp.

Trước thực tế này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần rà soát lại, xem xét tích hợp, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để xây dựng một chương trình tổng thể về khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến chế tạo có quy mô quốc gia. Không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Coi doanh nghiệp FDI là động lực dẫn dắt, còn doanh nghiệp trong nước là nền tảng vững chắc để phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Phải xây dựng được lực lượng doanh nghiệp trong nước vững mạnh, có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt và hình thành chuỗi cung ứng trong nước, vươn ra cạnh tranh toàn cầu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới