Điều mà các nhà đầu tư quan tâm không chỉ là rủi ro suy thoái của Mỹ mà còn là liệu Trung Quốc và châu Âu có thể kéo nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái hay không.
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 17.7, GDP của Trung Quốc tăng 6,3% trong quý II/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn kỳ vọng của một nhóm các nhà kinh tế được Reuters thăm dò.
So với quý I/2023, GDP quý II chỉ tăng 0,8%, chậm lại đáng kể so với mức tăng 2,2% trong quý I.
Dữ liệu tăng trưởng GDP quý II đáng thất vọng từ Trung Quốc ngay lập tức ảnh hưởng đến thị trường thế giới trong các phiên giao dịch ngày 17.7.
Chứng khoán châu Âu hầu như kết thúc ở mức thấp hơn và các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ có dao động nhẹ. Dữ liệu của kinh tế Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến hàng hóa, khiến giá vàng giảm và giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp.
Các nhà đầu tư và thương nhân lo ngại rằng, sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và châu Âu có thể kéo kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Trong nhiều tháng, giới đầu tư chủ yếu tập trung vào dự báo liệu nền kinh tế Mỹ sẽ trải qua một cú hạ cánh cứng hay mềm. Điều ít được nói đến là liệu nền kinh tế mạnh của Mỹ có thể chống chọi với suy thoái kinh tế toàn cầu hay không.
Khu vực đồng euro rơi vào suy thoái kỹ thuật hồi đầu năm nay trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trong khi đó, hoạt động thương mại của Trung Quốc đang suy giảm và áp lực giảm phát gia tăng.
Đồng USD – được giao dịch tương ứng với cách các nhà đầu tư nhìn nhận tình hình của Mỹ so với phần còn lại của thế giới – dao động giữa lãi và lỗ hôm 17.7. Chỉ số USD giảm 0,09%.
“Gần đây đã có sự phân nhánh giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Trung Quốc và châu Âu. Tất cả đều phát triển với tốc độ khác nhau, áp lực lạm phát không giống nhau và nỗ lực để thoát khỏi đại dịch” – tờ Market Watch dẫn lời Keith Buchanan, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại GLOBALT Investments ở Atlanta (Mỹ), giám sát khoảng 2,5 tỉ USD, cho biết.
“Việc châu Âu đang phải đối mặt với cuộc chiến lạm phát dai dẳng, câu hỏi là đặt ra là liệu Trung Quốc có cần nhiều biện pháp kích thích hơn không? Các biện pháp ở Trung Quốc khác so với ở Mỹ và châu Âu. Vì vậy, câu hỏi tiếp theo là, liệu cả ba có thể tiếp tục đi theo con đường của mình mà không ảnh hưởng đến bên kia không? Những gì đang ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới?” – ông Buchanan nói.
Theo chuyên gia này, chỉ thời gian mới có câu trả lời. “Câu hỏi lớn hơn vào thời điểm này là liệu nền kinh tế Trung Quốc đủ sẵn sàng để khởi động lại và tái cấu trúc bằng các biện pháp kích thích hay không? Liệu chúng ta có thể giữ cho nền kinh tế của chính mình thoát khỏi suy thoái hay không?” – ông Buchanan đặt câu hỏi.
Phát biểu với Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói, bà không cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ suy thoái, mặc dù sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền trên toàn thế giới.
Tuần trước, dữ liệu tháng 6 về giá tiêu dùng và giá sản xuất của Mỹ khiến các nhà đầu tư lạc quan rằng, lạm phát có thể tiếp tục tự giảm mà không gây tổn hại đáng kể đến thị trường lao động.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh Trung Quốc ở “vị thế yếu hơn nhiều” so với cùng kỳ năm trước và không có các biện pháp kích thích đáng kể, “ngày càng có nhiều cảm giác thất vọng cũng như lo lắng về triển vọng kinh tế đang suy giảm của Trung Quốc” – nhà phân tích Boyadjian cho hay.
T.P