Cuộc xung đột tại Ukraine đã chứng kiến việc sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử với mức độ nhiều hơn so với bất cứ cuộc xung đột nào trước đây. Nga – quốc gia đầu tư rất nhiều vào tác chiến điện tử, được cho là đã sử dụng các hệ thống này để vô hiệu hóa vũ khí tiên tiến hay bom thông minh mà phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Chiến thuật tác chiến điện tử của Nga
Bài học lớn rút ra từ cuộc xung đột Nga-Ukraine không phải là về máy bay không người lái hay pháo binh mà là tác chiến điện tử. Tác chiến điện tử (hay EW) tập trung vào các nỗ lực kiểm soát và khai thác phổ điện từ để gia tăng lợi thế trước đối phương. Nếu bị can thiệp điện từ hoặc bị gây nhiễu, hầu hết các công cụ của chiến tranh hiện đại, từ radio, radar đến GPS sẽ ngừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.
Một báo cáo đăng tải trên Tạp chí Economist cho biết, các đơn vị tác chiến điện tử của Nga đã sử dụng công nghệ gây nhiễu GPS một cách chiến lược để phá vỡ hoặc làm suy yếu khả năng định vị của các loại vũ khí phương Tây, thách thức cả những vũ khí được cho là “bất khả chiến bại”.
Thông qua các chiến thuật phức tạp liên quan đến việc thao túng tín hiệu GPS, các lực lượng Nga đã tìm cách xâm nhập những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của các đối thủ, một báo cáo trong tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc nêu rõ.
Các nhà sản xuất vũ khí hầu như đều nhận thức rõ về những lỗ hổng liên quan đến tín hiệu vệ tinh GPS. Tín hiệu này có thể bị triệt tiêu bằng thiết bị phá sóng GPS. Để chống lại mối đe dọa đó, họ đã bổ sung các biện pháp phòng thủ như thiết kế ăng-ten hướng lên trên hay sử dụng tín hiệu M-Code chuyên biệt, được hỗ trợ bằng các bộ lọc chống nhiễu tiên tiến.
Lầu Năm Góc từ lâu cũng phát triển biện pháp đối phó với mối đe dọa này, với việc sử dụng các tín hiệu điện tử mạnh hơn, khó gây nhiễu hơn cho vũ khí. Nhưng do các vệ tinh GPS nằm cách quá xa, ít nhất là khoảng 20.000km ở trên cao, việc chống gây nhiễu vẫn là một thách thức lớn. Mỹ cũng phát triển một loạt các biện pháp nhằm bảo mật dữ liệu điều hướng và dữ liệu thời gian, ngay cả trong môi trường không có GPS.
Việc áp dụng các biện pháp nói trên chỉ là một khía cạnh của EW, nhưng cho thấy tính cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến giành ưu thế về tác chiến điện tử và những quốc gia không thể bắt kịp cải tiến mới nhất trong EW sẽ nhanh chóng bị tụt hậu, Tướng Charles Brown – người được đề cử làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ nhận xét trong phiên điều trần hồi tuần trước.
Theo giới phân tích, đây cũng là lời cảnh tỉnh đối với Ukraine. Báo cáo của Lầu Năm Góc đã nêu bật một số hạn chế của nhiều loại vũ khí trong cuộc xung đột Ukraine. Theo báo cáo, ngay cả những vũ khí được thiết kế đặc biệt của Mỹ nhằm ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài cũng trở nên vô hiệu hóa trước chiến thuật tác chiến điện tử của Nga. Điều này đã bộc lộ những lỗ hổng tiềm ẩn và gây lo ngại về độ tin cậy của chúng trong môi trường chiến đấu.
Phương Tây lo ngại vũ khí bị “tê liệt” trên chiến trường
Ngay từ đầu cuộc xung đột, Nga đã tìm cách gây nhiễu các radar phòng không của Ukraine, khiến chúng bị tê liệt. Bộ Quốc phòng Nga trước đó tiết lộ một số cách thức hoạt động của các đơn vị tác chiến điện tử thuộc Quân khu trung tâm của Nga, cho thấy kinh nghiệm của họ trong việc áp chế các thiết bị điện tử của đối phương tại nhưng khu vực tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Thông tin đăng tải trên Economist cho biết, các lực lượng vũ trang Nga đã vô hiệu hóa thành công đạn pháo dẫn đường bằng GPS M982 Excalibur và bom thông minh JDAM-ER, bắn hạ khoảng 5.000 máy bay không người lái Ukraine mỗi tháng.
Bài báo cho biết, kể từ tháng 3/3033, nhiều loại đạn dẫn đường bằng vệ tinh GPS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đã gặp phải sự cố và không tiếp cận được mục tiêu. Ban đầu, chúng có độ chính xác rất cao, nhưng sau đó giảm dần hiệu quả tấn công.
Các tài liệu bí mật của Lầu Năm Góc cho rằng, cứ 9 quả bom JDAM-ER thì có tới 4 quả trượt mục tiêu, có thể do bị Nga can thiệp tín hiệu GPS. Ngoài ra, tỷ lệ bắn trượt mục tiêu của các tên lửa GMLRS phóng từ bệ phóng HIMARS do Mỹ sản xuất ngày càng cao hơn.
Với sự trợ giúp của các hệ thống tác chiến điện tử, các lực lượng vũ trang Nga đã vô hiệu hóa một số lượng lớn máy bay không người lái của Ukraine. Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng và an ninh hồi tháng 5 lưu ý rằng, Nga đã tăng cường khả năng tác chiến điện tử để đề phòng một cuộc phản công của Ukraine.
Một trong những hệ thống tác chiến điện tử lợi hại nhất của Nga là Krasukha-S4. Hệ thống có khả năng phát hiện và theo dõi mọi loại mục tiêu trên không, kể cả những mục tiêu di chuyển ở độ cao thấp. Thiết bị tinh vi này có thể hoạt động theo mọi hướng và mọi góc độ, cho phép truyền tín hiệu vô tuyến mà không bị hạn chế về phương vị và độ cao.
Một khi bị tổ hợp Krasukha-S4 tác động, máy bay của đối phương sẽ mất khả năng điều hướng và liên lạc. Nếu bay ở độ cao thấp, chúng buộc phải bay cao hơn và trở thành mục tiêu cho các hệ thống phòng không.
Hệ thống Krasukha-S4 được thiết kế để bảo vệ các sở chỉ huy, các nhóm quân, sân bay, hệ thống phòng không và các cơ sở công nghiệp lớn. Hệ thống này có khả năng chặn tín hiệu radar và kênh điều khiển vô tuyến của máy bay không người lái.
Việc các lực lượng Nga sử dụng một cách hiệu quả kỹ thuật tác chiến điện tử đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia quân sự trên toàn thế giới. Nhiều người cho rằng, điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tìm kiếm những biện pháp đối phó để bảo vệ các hệ thống vũ khí. Theo các chuyên gia, các quốc gia cần phải ưu tiên nghiên cứu và phát triển lĩnh vực tác chiến điện tử để giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn trong các cuộc xung đột trong tương lai.
T.P