Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ đã báo cáo láo về người chết do Covid

TQ đã báo cáo láo về người chết do Covid

Số liệu chính thức từ Trung Quốc cung cấp một cái nhìn hiếm hoi nhưng ngắn gọn về số người chết đích thực do dịch bệnh Covid-19 gây ra, cho thấy số ca tử vong do Covid-19 trong thời gian đầu năm nay tại một tỉnh ở Trung Quốc có thể gần bằng con số Bắc Kinh công bố về tổng số ca tử vong ở quốc gia này trong toàn bộ thời gian đại dịch diễn ra.

Số liệu nói trên được đăng ở trang web của chính quyền tỉnh vào hôm Thứ Năm (13/7) và đã bị xóa chỉ vài ngày sau đó. Nhưng các nhà dịch tễ học sau khi xem xét phiên bản trang được lưu trong bộ nhớ cache của thông tin đã cho biết đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy số liệu thống kê chính thức của nước này đã chênh lệch quá nhiều so với thực tế.

Trang web nói trên cho biết, trong quý đầu năm nay, số lượng hài cốt được hỏa táng ở tỉnh Chiết Giang lên tới 171.000, tăng 72 nghìn so cùng kỳ năm ngoái, biên độ tăng vào khoảng 70%.

Tháng 2 năm nay, Trung Quốc cho biết, số người chết chính thức ở đại lục kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát là 83.150 người — một con số cực kỳ thấp, đến mức các nhà nghiên cứu độc lập nói là không thể tin được. Sau đó, Chính phủ chỉ công bố số người chết hàng tuần hoặc hàng tháng, khi cộng các số liệu đó lại, tổng số người chết vào khoảng 83.700 người.

Sự gia tăng các ca nhiễm Covid ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái đã buộc Chính phủ phải từ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt vào tháng 12. Thế nhưng sự đột ngột đảo ngược chính sách đã khiến các bệnh viện và hiệu thuốc trở tay không kịp và rất có thể đã làm tăng tốc làn sóng lây nhiễm và tử vong trên phạm vi toàn quốc.

Sự gia tăng mạnh các ca nhiễm virus Covid trên khắp Trung Quốc đã diễn ra trong khoảng hai tháng. Hầu hết các ca tử vong xảy ra vào tháng 1, nhưng cũng có nhiều người chết vào tháng 12. Các nhà dịch tễ học ước tính rằng 80% đến 90% dân số bị nhiễm bệnh.

Số liệu của tỉnh Chiết Giang cung cấp một cái nhìn vào số liệu hỏa táng mà Chính phủ Trung Quốc luôn giữ bí mật. Mặc dù những số liệu này không bao gồm nguyên nhân tử vong, nhưng các nhà nghiên cứu thường sử dụng số liệu thống kê dôi ra về số người chết để ước tính ảnh hưởng của các sự kiện chết người nghiêm trọng như tai nạn và dịch bệnh. Các quan chức cho biết, tất cả những người chết tại Chiết Giang đều được hỏa táng.

Kể từ đợt bùng phát làn sóng quy mô lớn đầu tiên của dịch Covid-19 ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, nhiều chính quyền địa phương và nhà nước đã giấu giếm số liệu hỏa táng được công bố định kỳ. Hiện nay vẫn chưa rõ tại sao tỉnh Chiết Giang lại công bố số liệu hoả táng quý đầu tiên của năm nay, nhưng chỉ ba ngày sau khi công bố thì số liệu này đã bị xóa.

Hôm Thứ Ba, nhiều cuộc điện thoại gọi đến Cục Dân chính Chiết Giang đều không có người nhận. Hôm Thứ Hai, Caixin [Tài Tân] một cơ quan truyền thông có trụ sở tại Bắc Kinh, đã đăng các số liệu nói trên, nhưng bài báo ấy cũng nhanh chóng bị gỡ xuống.

Một phân tích công bố trên The New York Times tháng 2 ước tính rằng đợt bùng phát dịch Covid ở Trung Quốc thời gian đó có thể đã dẫn đến cái chết của khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu người, — kết luận này dựa trên nghiên cứu của bốn nhóm nhà dịch tễ học.

Các chuyên gia của hai trong số các nhóm trên cho biết, số liệu ấy, vốn chỉ giới hạn ở tỉnh Chiết Giang với dân số 65,8 triệu người, khi được ngoại suy cho dân số 1,4 tỷ người của cả nước, thì nhất quán với tổng số người chết mà họ ước tính.

Ben Cowling, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hong Kong cho biết, các số liệu ấy có thể được sử dụng để ước tính sơ bộ về số người chết trong cả nước Trung Quốc. “Tôi không thể xác định liệu mọi tỉnh có bị ảnh hưởng như nhau hay không, nhưng tôi cho rằng nó hữu ích cho suy đoán sơ bộ,” ông nói. “Điều này phù hợp với ước tính khoảng 1,5 triệu [người chết].”

Một nhóm các nhà nghiên cứu khác – Lauren Ansel Meyers, giáo sư sinh học và thống kê tại Đại học Texas ở Austin và nhà dịch tễ học Zhanwei Du tại Đại học Hồng Kông – dựa trên số lượng hài cốt được hỏa táng ước tính có khoảng 1,54 triệu người chết ở Trung Quốc đại lục trong thời gian từ tháng 12 đến tháng 3.

Năm ngoái, nhóm nghiên cứu này đã dựa trên xét nghiệm lây nhiễm ở Trung Quốc, hiệu quả của vắc-xin và các yếu tố khác, áp dụng một phương pháp hoàn toàn khác, trong khung thời gian ngắn hơn một chút so với ước tính trước đó, kết quả họ ước tính có thể có 1,55 triệu ca tử vong, dao động trong phạm vi hợp lý là từ 1,2 triệu đến 1,7 triệu ca. Meyers cho biết, các con số này tương tự như ước tính hiện tại, điều đó có thể cho thấy Covid lây lan theo cách tương tự trên tất cả các tỉnh ở Trung Quốc sau khi chính sách “Xóa sạch” [清零政策: xuất hiện ổ dịch nào, xoá sạch ngay ổ dịch ấy] kết thúc.

Meyers nói: “Việc cuối cùng thu được những con số rất giống nhau này cho thấy khắp nơi trên cả nước đều cùng chịu mức độ tàn phá như nhau”.

Dựa trên số liệu hỏa táng, Cai Yong, một nhà nhân khẩu học nghiên cứu về tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, ước tính trong quý đầu năm nay có 1,5 triệu người đã chết, và cho biết, để đo lường tỷ lệ tử vong chung trong thời gian tăng đột biến các ca lây nhiễm, cần tính đến số ca tử vong vào tháng 12, là tháng mà các ca bệnh bắt đầu tăng mạnh.

Ông cho biết ông rất ngạc nhiên trước số lượng hài cốt được hỏa táng ở Chiết Giang. “Nó cao hơn tôi dự đoán.”

Chiết Giang là một trong những tỉnh giàu có nhất Trung Quốc, điều kiện y tế tốt, tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người già cao hơn mức trung bình toàn quốc. Sự phân bố độ tuổi ở Chiết Giang mang tính đại diện cho tình hình chung ở Trung Quốc, với số người 60 tuổi trở lên chiếm 19% tổng dân số. Tháng 12 năm ngoái, khi dịch Covid lan rộng, cơ quan y tế ở tỉnh Chiết Giang tuyên bố rằng số ca nhiễm bệnh mỗi ngày ở tỉnh này đã lên tới 1 triệu người.

Cả bốn nhà dịch tễ học và nhà nhân khẩu học đều cảnh báo rằng khi ngoại suy số liệu hỏa táng, có một số điểm cần lưu ý và có một số điểm khó xác định. Nhưng vì không có số liệu đáng tin cậy hơn từ Trung Quốc, nên các học giả cho biết họ không thể không dựa vào những thông tin dù còn có sai sót để ước tính ảnh hưởng của dịch bệnh.“

Chúng tôi không có cách nào tốt hơn,” Cai Yong nói.

Gần đây có những nguồn tin khác ngầm gợi ý về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với những nơi khác ở Trung Quốc. Số liệu được công bố vào đầu năm nay cho thấy tuổi thọ trung bình ở Thượng Hải đã giảm mạnh, từ 84,1 tuổi vào năm 2021 xuống còn 83,2 tuổi vào năm 2022, đây là lần giảm mạnh đầu tiên kể từ năm 1983. Cai Yong cho biết sự sụt giảm ấy có thể là do đợt bùng phát dịch Covid vào tháng 12 và do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt vào mùa xuân năm đó, khiến một số cư dân không được hưởng các dịch vụ y tế.

“Tôi chân thành hy vọng Chính phủ Trung Quốc có thể công bố tất cả các số liệu hiện có và minh bạch hóa để mọi người có thể hiểu những gì đã xảy ra,” Cai Yong nói. “Họ có số liệu. Nhưng số liệu ấy nằm đâu không rõ.”

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới