Phản ứng lại việc Mỹ không chấp nhận giải thích đưa máy bay quân sự ra Quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam), Trung Quốc nói Mỹ không có quyền bình luận.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 19/4 đã bác bỏ các yêu cầu của Mỹ về việc nước này đưa một máy bay quân sự ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo Reuters.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng truyền thống của quân đội nước này là “hết lòng phụng sự nhân dân” và giúp đỡ họ khi cần thiết.
Bộ này còn mỉa mai: “Trong thời điểm mạng sống của một người đang gặp nguy hiểm thì Mỹ lại bày tỏ sự quan tâm và nghi ngờ liệu đó là máy bay quân sự hay dân sự”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn ngang ngược khẳng định Bắc Kinh có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và việc họ cứu công dân gặp nạn trên “lãnh thổ” của mình là chuyện đương nhiên.
Trong khi đó, việc máy bay quân sự của Trung Quốc tới Biển Đông rõ ràng đã được phối hợp với dư luận trong nước nhằm che giấu âm mưu và những lời cam kết trước đó rằng không quân sự hóa Biển Đông.
Nhật báo Quân Giải Phóng Nhân Dân của Trung Quốc đăng tải thông tin và hình ảnh. Tờ Thời báo Hoàn Cầu “bình luận” đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc công khai thừa nhận việc cho máy bay hạ cánh trên đá Chữ Thập.
Tờ báo này còn dẫn lời chuyên gia quân sự nói rằng động thái này cho thấy đường băng xây dựng tại đá Chữ Thập có thể phù hợp cho hoạt động của các loại máy bay dân sự, máy bay chiến đấu và máy bay vận tải cỡ lớn… Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3.000m và là một trong ba đường băng mà Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong khi đó, về phía Mỹ, liên quan tới việc quân đội Trung Quốc công khai thừa nhận việc cho máy bay quân sự hạ cánh trên đá Chữ Thập, Washington đã có các tuyên bố yêu cầu Trung Quốc tái xác nhận rằng họ không có kế hoạch triển khai hay luân phiên máy bay quân sự như đã từng cam kết rằng không có kế hoạch quân sự nào tới Biển Đông trước đó.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, ông Gary Ross đã đưa ra tuyên bố này đồng thời kêu gọi các bên liên quan trên Biển Đông nên tuân thủ luật pháp quốc tế và “tránh các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kirby, trong buổi họp báo thường kỳ cũng bày tỏ sự khó hiểu trước quyết định sử dụng máy bay quân sự để cứu nạn công nhân của Trung Quốc. Theo ông này, bản thân các công nhân gặp nạn cũng là “một vấn đề” bởi rõ ràng họ đang “nâng cấp các công trình có tính chất quân sự” của Trung Quốc.
Trong lúc theo sát hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, quân đội Mỹ cũng đang đề cập đến khả năng sẽ đưa tàu ngầm không người lái đến Biển Đông trong tương lai gần. Báo Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Carter xác nhận về khả năng này.
Tờ báo cho biết trong sáu tháng qua, Lầu Năm Góc đã bắt đầu thảo luận công khai một chương trình phát triển các thiết bị không người lái hoạt động dưới lòng biển, trong khuôn khổ kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc chi phối khu vực Biển Đông.
Bộ trưởng Carter cho biết Lầu Năm Góc đang đầu tư phát triển các tàu ngầm không người lái với nhiều kích cỡ và trọng tải khác nhau. Những thiết bị này có thể hoạt động trong các vùng nước cạn mà các tàu ngầm thông thường không thể đi vào và có thể sẽ được đưa vào hoạt động cuối thập niên này.