Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ phóng vệ tinh chậm hơn TQ khi xảy ra xung đột

Mỹ phóng vệ tinh chậm hơn TQ khi xảy ra xung đột

Trung Quốc có lẽ đã vượt qua Mỹ trong lĩnh vực phóng và thay thế vệ tinh nhanh chóng khi xảy ra xung đột, theo báo cáo mới của Đại học Georgetown (Mỹ).

Trong một thập niên qua, Trung Quốc đã phát triển thành công năng lực vô cùng then chốt cho phép phóng vệ tinh nhanh chóng, theo đó sử dụng các tên lửa kích thước gọn, nạp nhiên liệu rắn và sử dụng bệ phóng di động thay vì bãi thử truyền thống.

Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi của Đại học Georgetown (Mỹ), theo báo South China Morning Post hôm 25.7.

Năng lực trên của Trung Quốc gọi là năng lực Phóng ứng phó chiến thuật trên không gian (TRSL), như đội ngũ nghiên cứu Mỹ trình bày trong báo cáo dài 47 trang với tựa đề “Phòng thủ mặt trận cao cuối cùng”, được công bố vào tháng 7.

Để so sánh, trong cùng thời gian, Mỹ chỉ thể hiện được năng lực TRSL vỏn vẹn 1 lần. Lần kế tiếp được dự kiến sẽ thực hiện trong năm nay.

“Cả hai quốc gia đều xây dựng các tài sản quy mô lớn trên không gian, với những ứng dụng sâu rộng về kinh tế, khoa học và quân sự. Việc nhanh chóng thay thế vệ tinh bị hỏng hoặc bị hư hại đóng vai trò thiết yếu để duy trì năng lực bền bỉ trên không gian”, đồng tác giả Sam Bresnick cho biết.

Nhà nghiên cứu Bresnick chỉ ra một thực tế, trong khi Mỹ sở hữu ngành công nghiệp không gian hiện đại nhất thế giới, nhưng đến nay nước này vẫn chưa thể hiện được năng lực phóng vệ tinh trong thời gian ngắn.

Ông Bresnick và đồng sự Corey Crowell đến từ Lực lượng Không gian Mỹ đã sử dụng dữ liệu công khai nhằm phân tích tiến triển của Trung Quốc trong việc phát triển năng lực không gian suốt 10 năm qua.

Họ phát hiện Trung Quốc nhanh chóng mở rộng kiến trúc hạ tầng không gian, phóng hàng trăm vệ tinh mới và đưa chúng vào những quỹ đạo đa dạng quanh địa cầu.

Kể từ năm 2002, Trung Quốc thiết kế và phóng hơn 6 mẫu tên lửa nhiên liệu rắn, tương thích với bệ phóng di động (TEL). Điều này có nghĩa là các tên lửa có thể được di chuyển trên các nền tảng di động như xe tải, đến bất kỳ khu vực mở, bằng phẳng và bấm nút phóng vào thời điểm thích hợp.

Trong số này, Khoái Châu-1A và Trường Chinh 11 do Học viện Công nghệ Phóng Không gian Trung Quốc đã được sử dụng cho khoảng 30 vụ phóng thành công từ năm 2013.

Trong lần gần đây nhất, Trung Quốc đã phóng tên lửa Khoái Châu-1A từ sa mạc Gobi tuần trước.

Mỹ đang tụt sau Trung Quốc

Về phần mình, các nhà phát triển tên lửa đẩy ở Mỹ là ưu tiên sản xuất những dòng rốc két lớn hơn, nhiên liệu lỏng và dựa vào cơ sở hạ tầng sẵn có.

Hiện Mỹ chỉ sở hữu 2 dòng tên lửa nhiên liệu rắn, lần lượt là Pegasus XL và Minotaur, đều là sản phẩm của Northrop Grumman và dựa trên thiết kế cách đây 3 thập niên. Cả hai đều không có năng lực TEL, vì Pegasus phóng từ máy bay còn Minotaur phải cần đến bệ phóng truyền thống.

Trong khi đó, tên lửa đẩy Khoái Châu-1A có thể phóng vệ tinh trong vòng 7 ngày kể từ khi đến điểm phóng phù hợp, theo Đài CCTV.

Tính đến năm 2023, chính phủ Mỹ chỉ dành một khoản ngân sách hạn chế cho việc phát triển các tên lửa phóng nhanh: 15 triệu USD trong năm 2021 và 50 triệu USD trong 2 năm 2022 và 2023.

“Để thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc, chính phủ Mỹ có lẽ cần cân nhắc phát triển các chiến lược quản lý các vệ tinh và tên lửa đẩy đang có sẵn, tăng cường đầu tư vào các tên lửa nhiên liệu rắn, hợp tác với các nhà cung cấp tư nhân để phát triển và duy trì các tên lửa nhiên liệu lỏng cho TRSL”, theo báo cáo đề xuất.

Báo cáo cũng đề nghị phía Mỹ chế tạo thêm nhiều vệ tinh và đặt chúng trong tình trạng cận kề khả năng phóng trong điều kiện khẩn cấp.

RELATED ARTICLES

Tin mới