Monday, October 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Tần Cương mất chức và chiêu ngoại giao mới của Bắc...

Ông Tần Cương mất chức và chiêu ngoại giao mới của Bắc Kinh

Việc ông Tần Cương – Ngoại trưởng Trung Quốc- bị mất chức khiến người dân nước này sôi nổi luận bàn. Mà cũng chả riêng dư luận trong nước, câu chuyện một ngoại trưởng mới 57 tuổi, mới ngồi ghế nóng được bảy tháng bị miễn nhiệm một cách đột ngột là điều hiếm thấy xưa nay.

Hôm 25/7, Quốc hội Trung Quốc bất ngờ bỏ phiếu bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Vương Nghị, 70 tuổi, trở lại làm… tân Ngoại trưởng, thay thế cho ông Tần Cương ngã ngựa. Ông Tần bị miễn nhiệm nhưng không có bất kỳ lời giải thích nào.

Thật ra thì ông Tần đã vắng mặt trong các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước đã hơn một tháng nay. Mạng xã hội đã râm ran nhiều tin đồn đoán về sự thất sủng của họ Tần. Cư dân mạng cho rằng, ông Tần bị Tổng Bí thư Tập Cận Bình “lườm”, chứ không phải ông “có lí do về sức khỏe” (!). Trước khi được cất nhắc, theo các nhà quan sát, ông Tần được sự tin tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhờ cách ông sắp xếp cho các chuyến công du nước ngoài của ông Tập khá hanh thông.

Khi tại vị, Tần Cương là quan chức cấp cao có lịch trình làm việc dày đặc. Thế nhưng ông đã không xuất hiện kể từ ngày 25/6. Khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn sang thăm Trung Quốc, Tần Cương đã không đón tiếp, khiến dư luận phía Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi. Ông Tần cũng vắng mặt tại nhiều cuộc họp ngoại giao quan trọng, trong đó có cuộc họp với các Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia hồi đầu tháng 7.

Khi ông Tần Cương vắng mặt một cách bí hiểm thì ông trùm ngoại giao Vương Nghị với gương mặt lạnh lùng đã xuất hiện trong một số hoạt động với tư cách… cựu ngoại trưởng. Vương Nghị không có điều gì lăn tăn khi ông đang giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (chức vụ này “to” hơn chức ngoại trưởng).

“Bàn tay vô hình” nào đã kéo giật ông Tần về phía sau? Có mấy giả định, có thể ông quá cứng rắn với Mỹ mà thiếu đi sự mềm dẻo? Tương tự như thế là quan hệ với Nga, với Đài Loan, cứng quá, nhiệt tình quá thì dễ gãy. Cũng có thể ông dính vào tham nhũng? Những câu hỏi này cần có thời gian mới trả lời được.

Về cuộc chiến Nga-Ukraine, ông Tần vẫn nói và làm đúng theo ý chỉ của bề trên. Ông nhận định, chính Mỹ và phương Tây là kẻ chủ mưu thúc đẩy xung đột kéo dài, họ đã “sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để phục vụ các chương trình nghị sự địa-chính trị nhất định”. Ông liên tục kêu gọi hai bên đối thoại càng sớm càng tốt.

Nhà ngoại giao khôn ngoan từng làm Đại sứ trên đất Mỹ khẳng định, Bắc Kinh “không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng và không cung cấp vũ khí cho bên nào trong cuộc xung đột ở Ukraine”. Trước đó, Lầu Năm Góc cảnh báo Trung Quốc sẽ nhận “hậu quả” nếu gửi viện trợ vũ khí cho Nga.

Đối với các vấn đề nóng như Đài Loan, quan hệ Nga-Trung, quan điểm của Tần Cương không khác gì Vương Nghị. Trong một bài bình luận đăng trên tạp chí National Interest của Mỹ dịp cuối năm 2022, Tần Cương đưa ra quan điểm về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, tái khẳng định quan hệ Mỹ – Trung không phải “trò chơi kẻ được, người mất”. Ông tỏ ra cứng rắn và linh hoạt trong cuộc gặp dài hơn 5 giờ và dùng bữa tối với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh hồi tháng 6, trong nỗ lực ổn định quan hệ song phương.

Có một luồng ý kiến cho rằng, ông Tần Cương không được tin cậy nữa bởi vì, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đang tập trung loại trừ thành phần “hai mặt” không trung thành. Ở Trung Quốc từng có chiến dịch bảo đảm “lòng trung thành tuyệt đối” của lực lượng công an nước này. Trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 (10/2022) từng có những cuộc truy lùng những kẻ “hai mặt”, những cán bộ bị nghi ngờ là không trung thành với ông Tập Cận Bình, một chiến dịch sẽ chỉ kết thúc vào cuối tháng 3 năm 2022, tức sáu tháng trước Đại hội Đảng lần thứ 20.

Một vấn đề nữa là chuyện phe cánh, đấu đá nội bộ. Một nhà ngoại giao giải thích: “Trước đây, người ta phân tích việc đề bạt lãnh đạo trên cơ sở phe phái. Bây giờ thì người ta tìm cách phân biệt họ thuộc nhóm trung thành nào của ông Tập Cận Bình: giới kỹ trị thuộc các tập đoàn công nghiệp quân sự, nhóm Triết Giang, nơi ông Tập Cận Bình khởi đầu sự nghiệp, nhóm những người ông Tập quen biết khi còn ở Đại học, giới tài chính… Tất cả đều có năng lực và “nhất hô bá ứng” với Tập Cận Bình”.

Phải chăng, ông Tần Cương được lựa chọn tại Đại hội Đảng, được người đứng đầu Đảng buộc phải “chấp nhận” theo Điều lệ Đảng, Tần không thuộc phe phái ông Tập? Vì lẽ đó mà bảy tháng sau ông đã phải ngậm ngùi rời ghế, chưa biết sẽ về đâu.

Vẫn biết những điều chúng tôi vừa phân tích ở trên chỉ là những suy đoán. Ngay cả các chính khách trong bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng khó mà biết cụ thể mọi điều. Dù sao thì đây cũng là chuyện nhân sự cấp cao, chuyện nội bộ của Trung Nam Hải.

Có điều trong những căng thẳng địa-chính trị hiện nay, trong các mối quan hệ song phương, đa phương trùng điệp hiện nay thì giới chính trị, ngoại giao các nước liên quan rất cần tìm một lời giải tương đối chính xác. Như thế sẽ chủ động hơn trước khi Bắc Kinh tung ra “bình mới rượu cũ” nhằm thực hiện chiến lược “một vành đai, một con đường”, trước hết là âm mưu độc chiếm biển Đông.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới