Nga – Trung đang tăng cường hợp tác ở Bắc Cực trong bối cảnh khu vực này dần trở thành mặt trận cạnh tranh mới với phương Tây.
Các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) vì xung đột Ukraine đã buộc Nga phải tìm kiếm thị trường mới cho dầu thô, với phần lớn hàng xuất khẩu của nước này đang tìm đến Trung Quốc và Ấn Độ bằng tuyến đường biển phía nam, qua kênh đào Suez, vốn tốn nhiều thời gian vận chuyển và khiến chi phí tăng cao.
Biến đổi khí hậu khiến băng trên Bắc Băng Dương đang tan nhanh, có khả năng mở ra tuyến đường vận chuyển mới tốt hơn. Nga được cho là đang thử nghiệm một chuyến hàng chở dầu thô băng qua Bắc Băng Dương và dự kiến đến thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, vào ngày 12/8.
Nếu thành công, dự án này sẽ rút ngắn 30% hải trình giữa châu Âu và Đông Bắc Á so với tuyến đường qua kênh Suez, đồng thời giảm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa.
Trung Quốc, nước có tham vọng trở thành “cường quốc vùng cực” vào năm 2030, cũng đang nỗ lực giành chỗ đứng trong khu vực thông qua nghiên cứu khoa học và quan hệ kinh tế với các quốc gia Bắc Cực, đặc biệt là Nga.
“Chúng tôi thấy việc hợp tác với các đối tác Trung Quốc phát triển tiềm năng của tuyến hàng hải phía bắc là đầy hứa hẹn”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3. “Chúng tôi đã sẵn sàng thành lập một cơ quan hợp tác chung để phát triển tuyến đường biển này”.
Pavel Devyatkin, chuyên gia cấp cao từ Viện nghiên cứu Bắc Cực, trụ sở tại Washington, cho biết việc ngày càng nhiều dầu Nga được chuyển tới Trung Quốc qua vùng biển ở Bắc Cực ” là dấu hiệu mới nhất cho thấy xu hướng tăng cường hợp tác năng lượng giữa hai nước”.
Mối quan hệ đối tác giữa Nga với Trung Quốc càng được củng cố bởi tình trạng gián đoạn của Hội đồng Bắc Cực, diễn đàn hợp tác dành cho các nước trong khu vực.
Kể từ khi Nga phát động chiến sự Ukraine, 7 trong 8 thành viên Hội đồng, gồm Mỹ, Canada, Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Na Uy và Thụy Điển, đã liên tục tẩy chay các cuộc họp để phản đối Moskva. Căng thẳng giữa Nga với các thành viên này khiến Hội đồng Bắc Cực gần như tê liệt.
Giới chuyên gia nhận định chia rẽ ngày càng tăng trong Hội đồng Bắc Cực, nơi Trung Quốc tham gia với tư cách quan sát viên, đã đẩy Moskva xích lại gần hơn với Bắc Kinh trong các hoạt động liên quan đến khu vực.
Tháng 9 năm ngoái, tuần duyên Mỹ đã chạm trán với một số tàu chiến Trung Quốc và Nga đang tiến hành các hoạt động chung gần Alaska.
Tuần trước, hai nước đã tổ chức một cuộc tập trận hải quân và không quân chung ở biển Nhật Bản, tuyến đường biển chính giữa Trung Quốc và Bắc Băng Dương, nhằm “bảo vệ an ninh của các tuyến đường thủy chiến lược”.
Hồi tháng 4, Nga đã công bố kế hoạch phát triển một trạm khoa học quốc tế nghiên cứu Bắc Cực tại quần đảo Svalbard của Na Uy, hợp tác cùng Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, những thành viên còn lại trong khối các nền kinh tế mới nổi BRICS.
Marc Lanteigne, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bắc Cực ở Tromso, Na Uy, cho hay Trung Quốc còn đang trong quá trình “phân tích và đánh giá lại chính sách Bắc Cực của mình”.
Theo ông, Bắc Kinh đang cố gắng hỗ trợ Moskva mà không khiến các nước thuộc vùng Bắc Cực khác phản ứng mạnh. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa họ với một số nước Bắc Cực đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây và điều này đã thúc đẩy Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác cùng Nga.
Liselotte Odgaard, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy, cho hay Trung Quốc đã tham gia vào nhiều tổ chức hợp tác về khoa học và môi trường, đồng thời góp mặt trong nhiều cuộc thám hiểm khoa học đa phương dành cho các quốc gia bên ngoài vùng Bắc Cực.
Nhưng ngày càng có nhiều người nhận ra rằng các tổ chức nghiên cứu hay hoạt động thám hiểm này có thể được sử dụng cho mục đích chiến lược quân sự, như thu thập thông tin và tình báo.
“Họ đã hưởng lợi rất lớn từ điều đó trong nhiều năm, nhưng bây giờ mọi người bắt đầu chú ý và hiện diện của họ ở Bắc Cực đang bị chặn lại”, Odgaard cho biết.
Mối hợp tác với Nga và việc Trung Quốc theo đuổi hiện diện chiến lược ở Bắc Cực, bằng cách cố gắng mua hoặc xây dựng những thiết bị, cơ sở có thể sử dụng cho mục đích quân sự, đã khiến các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ trong khu vực cảnh giác hơn với những khoản đầu tư từ Bắc Kinh.
Bắc Kinh có các trạm nghiên cứu ở quần đảo Svalbard và Iceland, hỗ trợ nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực như sinh thái biển và vật lý khí quyển.
Nhưng vào năm 2019, trạm thứ ba, do Trung Quốc xây dựng vào năm 2016 tại thành phố Kiruna, phía bắc Thụy Điển, đã bị điều tra với cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể được sử dụng cho hoạt động tình báo quân sự.
Cùng năm đó, Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc đã bị hủy kế hoạch xây dựng các dự án sân bay trị giá 420 triệu USD ở Greenland, trong bối cảnh Đan Mạch lo ngại hoạt động này có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ liên minh với Mỹ.
Năm 2017, Copenhagen đã từ chối lời đề nghị từ công ty khai thác mỏ Trung Quốc General Nice Group về việc mua lại một căn cứ hải quân bỏ hoang ở Greenland do lo ngại về an ninh.
Năm 2018, Viện Nghiên cứu Địa cực, có trụ sở tại Thượng Hải, tiếp tục bị cản trở trong nỗ lực mua lại một sân bay ở Lapland, miền bắc Phần Lan. Helsinki đã đình chỉ thỏa thuận dưới áp lực từ Washington.
Viện Nghiên cứu Địa cực hồi tháng 6 tuyên bố sẵn sàng triển khai các thiết bị dưới nước trên quy mô lớn ở Bắc Băng Dương để liên lạc, điều hướng và định vị dưới băng. Mỹ phản đối động thái trên, cho rằng nó được sử dụng để dẫn hướng và che giấu tàu ngầm hạt nhân dưới lớp băng vùng cực.
Brian Hart, thành viên Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, cho hay Mỹ ngày càng lo ngại rằng các dự án nghiên cứu khoa học mà Trung Quốc theo đuổi ở Bắc Cực có thể nhằm phục vụ mục đích quân sự hay tình báo.
Một cơ sở lưu trữ dầu của công ty Lukoil, Nga, tại cảng Varandei ở Bắc Cực hồi năm 2013. Ảnh: Reuters
Một cơ sở lưu trữ dầu của công ty Lukoil, Nga, tại cảng Varandei ở Bắc Cực hồi năm 2013. Ảnh: Reuters
“Ranh giới giữa dân sự và quân sự thường có khả năng bị lu mờ đối với các dự án nghiên cứu, và đây chắc chắn là trường hợp của Trung Quốc”, ông nói. “Điều đó có nghĩa là ngay cả những nghiên cứu khoa học cũng có thể được Trung Quốc sử dụng cho mục đích phi dân sự”.
Theo Hart, việc xây dựng mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự mạnh mẽ với Nga, quốc gia rất gần Bắc Cực, cũng một phần là cách để Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở khu vực này.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Nga có thể cảnh giác với mức độ hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Bắc Cực, nơi Moskva coi là sân sau chiến lược của mình, với các tài sản quân sự nhạy cảm nhất đang hoạt động.
Chuyên gia Odgaard từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy cho rằng dù Bắc Kinh không đặt mục tiêu trở thành cường quốc quân sự ở Bắc Cực thông qua các hoạt động đơn phương, họ rõ ràng đang cố gắng tăng cường quan hệ chiến lược với Moskva bằng cách ủng hộ hiện diện của Nga trong khu vực.
“Trung Quốc không muốn ra mặt gây sức ép với phương Tây”, Odgaard nhận định. “Thay vào đó, họ giúp đỡ Nga, bên đang đối đầu trên nhiều lĩnh vực với phương Tây. Họ có nguồn lực kinh tế và công nghệ mà Nga đang thiếu”.
Theo Lanteigne, Trung Quốc sẽ tiếp tục thể hiện vai trò của mình ở Bắc Cực, khi cuộc cạnh tranh ở khu vực này ngày càng quyết liệt. Ông cho biết chuyến thăm lần đầu tiên sau 65 năm của một tàu sân bay Mỹ tới Na Uy hồi tháng 5 là dấu hiệu cho thấy Bắc Cực không còn là “khu vực không có hoạt động quân sự”.
“Những hoạt động như vậy sẽ là lý do để Trung Quốc cho rằng NATO mới là bên đang quân sự hóa khu vực, mà không đả động gì đến vai trò của Nga”, ông nói. “Dù vậy, Trung Quốc sẽ phải thận trọng hơn nhiều trong chính sách Bắc Cực của mình, vì tình hình an ninh ở đây đang trở nên phức tạp hơn nhiều”.