Sự xuống cấp nghiêm trọng hiện nay trong mối quan hệ giữa Liên bang Nga và Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO phản ảnh rõ những căng thẳng song phương với Mỹ. Nhưng tình trạng này không chỉ dừng ở đó: Giữa Nga và NATO, tầm nhìn chiến lược giờ đã trở nên khó thể dung hòa. Cuộc chiến xâm lược do Nga tiến hành ở Ukraina, kéo dài hơn 500 ngày qua, phải chăng là một chỉ báo cho sự chấm dứt một mối quan hệ được thiết lập từ ba thập niên?
Giới quan sát cho rằng thời kỳ hợp tác xuyên châu lục, bắt đầu từ năm 1997, là đã qua. Chiến tranh Ukraina đã khiến NATO năm 2022 phải xem Nga như là “mối đe dọa quan trọng nhất và trực diện nhất” cho an ninh châu Âu. Ngược lại, từ mùa hè 2022, Matxcơva khẳng định rằng NATO trên thực tế đã tham chiến chống lại Nga khi hậu thuẫn quân sự cho Ukraina.
Ảo tưởng quan hệ đối tác Nga – NATO
Nếu tính từ ngày thành lập Liên bang Nga theo Hiến Pháp (1993) cho đến năm 2023 này, mối quan hệ giữa Nga và NATO đã tròn được 30 năm. Nhưng trong ba thập niên đó, quan hệ Nga – NATO không chỉ có xung khắc. Giữa đôi bên thật sự đã có những hợp tác, thông qua các cơ chế như Quan hệ Đối tác vì Hòa bình (Partenariat pour la Paix – PPP) năm 1994 hay Hội đồng Nga – NATO (COR) năm 1997.
Đặc biệt, sự kiện Nga và NATO, tại thượng đỉnh của Liên minh ở Paris ngày 27/05/1997, ký kết Đính ước Sáng lập là một bước tiến lớn trong quan hệ quân sự và ngoại giao. Tài liệu dài 24 trang dự trù tăng cường quan hệ đối tác với Matxcơva về chống khủng bố, duy trì hòa bình, giải trừ vũ khí và thậm chí cả trong quan hệ kinh tế. Văn bản còn đi kèm với việc thành lập một Hội đồng NATO – Nga thường trực (2002).
Năm 2022 vừa qua đánh dấu 25 năm Đính ước Sáng lập. Nhưng quyết định tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraina đã làm lộ rõ những ảo tưởng của phương Tây đối với Nga. Chuyên gia địa chính trị Pascal Boniface, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trong một chương trình của France 24 tháng 5/2022 nhận xét :
“Đối với những ai nghĩ rằng Nga đã là một đối tác trung thành và đáng tin cậy cho Mỹ, rằng có một kiểu Âu hóa nước Nga và nước này sẽ tuân theo chương trình nghị sự của Mỹ, thì đây quả thật là một sự thất vọng nặng nề. Bởi vì Nga khi ấy ký thỏa thuận này đang trong một giai đoạn suy yếu nghiêm trọng. Việc ký kết này là nhằm tranh thủ thời gian trước khi xây dựng lại các lực lượng quân đội đã trở nên quá yếu kém trong những năm 1990.”
Theo nhà nghiên cứu về Nga, ông Cyrille Bret, Viện Delors, trong một bài viết đăng trên tờ Diplomatie số cho tháng 5-6/2023, Hội đồng NATO – Nga thường trực (COR) thật sự là một chiếc nhiệt kế tốt nhất để theo dõi những biến động trong mối quan hệ Nga – NATO.
Cơ chế này không ít lần phải tạm ngưng hoạt động, như sau vụ Nga can thiệp vào cuộc xung đột ở Gruzia và đơn phương công nhận độc lập các vùng ly khai của Gruzia năm 2008, hay việc Nga quyết định sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014. Nhưng đó cũng là nơi để đôi bên nối lại các đối thoại với chính sách tái lập quan hệ « Reset » dưới thời tổng thống Obama. Hay như ngay giữa cuộc khủng hoảng Ukraina, Nga và NATO đã 11 lần gặp nhau từ năm 2014 cho đến tháng Giêng năm 2022.
Nga: NATO và chiến lược nước đôi
Giờ đây trong bối cảnh chiến tranh Ukraina đã bước sang năm thứ hai và không biết khi nào sẽ kết thúc, NATO không ngừng gia tăng viện trợ quân sự và luôn đưa ra những cam kết bảo đảm an ninh cho Kiev, người ta có cảm tưởng Nga và NATO do Mỹ dẫn đầu đang lao vào một cuộc chiến ủy nhiệm và tưởng chừng như đang đoạn giao. Vì sao đến nông nỗi này? Lỗi ở tại ai?
Vẫn theo nhà nghiên cứu Cyrille Bret, những lời lẽ và lập luận khác nhau giữa hai bên, nếu như cho thấy những bất đồng ngày càng lớn, thì điều này cũng làm nổi rõ tính chất không tương thích về chiến lược giữa Nga và NATO.
Đối với Nga, NATO là một phần trong chiến lược “tiêu chuẩn kép” của phương Tây nói chung và của Mỹ nói riêng tại châu Âu. Việc NATO quyết định can thiệp quân sự chống chính phủ Milosevic ở Kosovo (trên phần lãnh thổ Serbia) năm 1999 mà không có sự ủy nhiệm của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là một cú sốc chiến lược. Nước Nga thân phương Tây dưới hai nhiệm kỳ tổng thống Eltsin xem hành động này của NATO một mặt phá hoại vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga – vùng Balkan – và mặt khác, biểu thị một thái độ xem thường nguyên tắc không can thiệp.
Chiến dịch quân sự này kể từ đó được Matxcơva cảm nhận như một kiểu “nói nước đôi” của NATO đối với Nga: Một mặt, phương Tây không tôn trọng luật lệ quốc tế và an ninh tập thể, và mặt khác, khối liên minh quân sự này lại đòi Matxcơva tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực đó.
Về điểm này, nữ chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Chiến lược FRS, Isabelle Facon, có giải thích thêm về cảm nhận của Nga đối với NATO: “Trước hết, Nga luôn cho rằng NATO không còn lý do để tồn tại. Không còn Hiệp ước Vacxava, không còn Liên Xô, nên đối với Nga, NATO chỉ là tàn tích của thời Chiến tranh lạnh và việc tổ chức này vẫn hiện hữu được Nga cảm nhận như là một tín hiệu bổ sung về kiểu cao ngạo của phương Tây, vốn cho rằng mình đã chiến thắng trong Chiến tranh lạnh, điều mà Nga không muốn thừa nhận. Nga nói rằng họ không thua, mà đã góp phần chấm dứt Chiến tranh lạnh. Thái độ khăng khăng của NATO là một tín hiệu cho thấy thực tế này đã không được tính đến.”
Theo giới chuyên gia, chính việc NATO liên tục mở rộng sang các nước cựu thành viên khối Xô Viết đã khiến Nga bất an và không ngừng đả kích khối liên minh quân sự rộng lớn này. Chỉ trong vòng 20 năm, từ năm 1999 – 2020, Nga chứng kiến 14 nước, từ các nước Đông Âu (Ba Lan, Hungary, Rumanie), đến Balkan (Croatia, Montenegro…) qua cả vùng Baltic (Estonia, Latvia, Litva)…, những nước thuộc Liên Xô cũ và vùng ảnh hưởng của Nga, lần lượt gia nhập NATO.
Đối với Nga, một lằn ranh đỏ đã bị vượt qua. Việc NATO mở rộng biên giới gây khó khăn cho một chiến lược có từ thời Stalin: Hình thành một vùng “sông băng phòng thủ” tránh mọi tiếp xúc trực tiếp giữa lãnh thổ Nga với NATO. Chính trong ý tưởng này mà bộ Ngoại Giao Nga đã phát triển khái niệm “nước ngoài cận kề” để giải thích cho tầm ảnh hưởng của Nga tại các vùng giáp ranh, đồng thời giới hạn chủ quyền một số quốc gia, quan trọng nhất là Ukraina.
Rõ ràng, đối với Matxcơva, sự hiện diện một liên minh quân sự to lớn ngay sát cửa nhà với sự tham dự của Mỹ, luôn bị cáo buộc là theo chủ nghĩa can thiệp, là một mối đe dọa, theo như các thuật ngữ được nêu ra trong học thuyết quân sự mới. Và nỗi lo này còn tăng gấp bội trước đà bành trướng của Liên Hiệp Châu Âu, theo như nhận định của bà Isabelle Facon. Điều này giải thích vì sao năm 2007, ông Putin đã có một bài diễn văn lời lẽ hiếu chiến tại Hội nghị An ninh Munich.
“Cuối cùng, đối với Matxcơva, thực tế ngày nay là, không những không gian an ninh và chính trị theo cơ cấu NATO đang được mở rộng, mà cả Liên Hiệp Châu Âu cũng được mở rộng, hai tổ chức mà Nga không là thành viên, đây thực sự là một vấn đề. Điều đó có nghĩa là Nga đang bị cô lập, hay bị gạt ra bên lề trong các vấn đề an ninh châu Âu.”
Ba kịch bản cho quan hệ Nga – NATO
Trở lại với bài viết của nhà nghiên cứu Cyrille Bret, theo quan điểm của liên minh quân sự, đây là quyền tự quyết của một quốc gia trong việc gia nhập NATO. Trong mối quan hệ này, liên minh quân sự cho rằng chính Nga đã cố tình vi phạm luật quốc tế khi dùng vũ lực ngoài khuôn khổ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và tìm cách gây bất ổn châu Âu bằng các cuộc tấn công chiến thuật hỗn hợp trên truyền thông, thâm nhập, tấn công mạng, đầu độc và các phương tiện quân sự…
Từ những nhận định này, NATO từ năm 2022 chính thức không xem Nga như là một « đối tác », mà là một « mối đe dọa trực tiếp và quan trọng nhất » cho an ninh của khối. Đối với NATO, những lời tố cáo của Nga về các hành động của khối chỉ là « điều hoang đường », và do vậy, những chiến dịch chống tin giả là cần thiết.
Nga là nguồn cội của những « cuộc xung đột đã bị đóng băng » tại Gruzia, Moldova. Đối với NATO, từ năm 2008, Nga đã đi theo một chiến lược « chủ nghĩa xét lại » nhằm phá hủy các cơ chế an ninh tập thể tại châu Âu và đặt châu lục dưới mối đe dọa quân sự thường trực qua kế hoạch tái vũ trang từ năm 2009.
Tóm lại, giữa NATO và Liên bang Nga, tầm nhìn chiến lược là khó thể dung hòa. Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina bước sang năm thứ hai, kịch bản nào cho quan hệ Nga – NATO?
Nhà nghiên cứu Cyrille Bret, Viện Delors, đưa ra ba triển vọng : Thứ nhất, Chiến tranh lạnh trở lại châu lục. Thứ hai, đôi bên đối đầu quân sự trực diện, đặc biệt là tại Ukraina. Và kịch bản cuối cùng cũng là kịch bản quan trọng nhất có liên quan đến cạnh tranh Mỹ – Trung hiện nay : Cuộc chia lìa chiến lược giữa Nga và NATO sẽ lan rộng trên quy mô Á-Âu.
Trong trường hợp Nga gặp khó khăn, Trung Quốc có thể tìm cách hỗ trợ quân sự trực tiếp và công khai hơn. Điều đó có nghĩa là cuộc ly hôn Nga-NATO sẽ trở thành một trong những chiến trường đọ sức toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Chiếc bẫy Thucydide như vậy sẽ khép lại ở châu Âu sau khi đã giăng ra ở Thái Bình Dương!
T.P