Sunday, October 6, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y...

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thoát án tử

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, bị đề nghị mức án tử hình, nhưng HĐXX vụ “chuyến bay giải cứu” xét thấy bị cáo ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả nên không cần loại trừ khỏi xã hội, tuyên mức án tù chung thân.

Các bị cáo trong vụ án.

Sau 1 tuần nghị án kéo dài, chiều 28.7, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

HĐXX đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo nhận hối lộ trong vụ án “chuyến bay giải cứu” là người có chức vụ quyền hạn, được giao nhiệm vụ, công vụ nhất định. Song, trong khi thực hiện nhiệm vụ, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của người đưa hối lộ.

Hành vi đưa, nhận tiền của các bị cáo diễn ra trong thời gian dài, hành vi này đã gián tiếp buộc các doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng giá vé máy bay, khiến người dân chịu thiệt thòi, phải về nước với chi phí cao hơn trong khi đại dịch khiến kinh tế khó khăn, suy giảm.

Đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị tuyên tử hình là hoàn toàn tương xứng. Tuy nhiên, quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Kiên thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Ngoài trả lại cho doanh nghiệp 12 tỉ đồng, bị cáo Kiên cũng tác động gia đình nộp lại 30 tỉ đồng, đã khắc phục được hơn 42 tỉ đồng (nhận 42,6 tỉ đồng). Ngoài ra, gia đình bị cáo cũng có công với cách mạng.

Do đó, trên cơ sở chính sách nhân đạo của pháp luật, HĐXX xét thấy không cần thiết loại trừ bị cáo ra khỏi xã hội vĩnh viễn, có mức án phù hợp thể hiện tính nhân văn, nhưng vẫn đủ răn đe, phòng ngừa chung.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Kiên tù chung thân về tội nhận hối lộ, nhẹ hơn mức án tử hình mà viện kiểm sát đề nghị.

Cùng phạm tội nhận hối lộ, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu Trưởng phòng Tham mưu (Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), tù chung thân; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), tù chung thân; Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 16 năm tù; Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, 3 năm tù; Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, 6 năm tù; Nguyễn Quang Linh, cựu Thư ký Phó thủ tướng thường trực, 7 năm tù.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5 (Cục An ninh điều tra, Bộ Công an), bị tuyên án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo còn lại trong vụ án “chuyến bay giải cứu” nhận mức án từ 18 tháng tù treo đến 16 năm tù giam, tùy tội danh.

Theo cáo buộc, để có thể lọt vào danh sách tổ chức chuyến bay cho công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài, các doanh nghiệp đã phải chi tiền “bôi trơn” cho một loạt quan chức tại các bộ, ngành, địa phương.

Để có tiền “đi đêm” với quan chức mà vẫn đảm bảo lợi nhuận thu được từ các chuyến bay, các doanh nghiệp nâng giá vé máy bay và các khoản chi phí phát sinh. Hậu quả, người dân chịu thiệt khi số tiền phải bỏ ra cho mỗi suất bay về nước bị đội lên nhiều lần. Kết quả điều tra cho thấy, 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đã có hơn 400 lần đưa hối lộ, với tổng số tiền hơn 226 tỉ đồng.

21 cựu quan chức, cán bộ bị xét xử tội nhận hối lộ đã hơn 500 lần nhận tiền từ cá nhân, doanh nghiệp với tổng cộng gần 165 tỉ đồng. Điển hình như bị cáo Tô Anh Dũng nhận hối lộ 37 lần với tổng số 21,5 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan nhận 32 lần với tổng số hơn 25 tỉ đồng; Nguyễn Quang Linh nhận 5 lần với tổng số hơn 4,2 tỉ đồng; Chử Xuân Dũng nhận 7 lần với tổng số hơn 2 tỉ đồng; Trần Văn Tân nhận 9 lần với tổng số 5 tỉ đồng…

Trong số này, người nhận hối lộ nhiều nhất là bị cáo Phạm Trung Kiên, đã 253 lần nhận tổng cộng 42,6 tỉ đồng của 18 người đại diện các doanh nghiệp. Quá trình xét xử, bị cáo Kiên thừa nhận hành vi của mình và đã tác động người thân nộp khắc phục được khoảng 42 tỉ đồng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới