Chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin khẳng định Nga có thể chế tạo bất kỳ tên lửa nào mà nước này muốn sau khi thu được các “chiến lợi phẩm” vũ khí phương Tây.
Nga dùng “chiến lợi phẩm” vũ khí phương Tây thu được ở Ukraine làm gì?
Trao đổi với Sputnik, các chuyên gia khẳng định ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã sản xuất vũ khí tiên tiến hơn nhiều so với những loại tên lửa lỗi thời mà NATO cung cấp cho Ukraine, vì vậy có rất ít điều có thể học được từ chúng ngoại trừ việc điều chỉnh hệ thống phòng không để chống lại chúng tốt hơn.
Những bình luận này được đưa ra sau khi ông Mikhail Sheremet, một nhà lập pháp Nga đại diện cho Cộng hòa Crimea tại Duma Quốc gia Nga, đề xuất khả năng ngành công nghiệp quốc phòng Nga có thể sử dụng một số tên lửa “chiến lợi phẩm” thu được gần đây ở Ukraine để sản xuất vũ khí mới của mình.
Các tên lửa “chiến lợi phẩm” bao gồm tên lửa tác chiến lục quân MGM-140 (ATACMS) do Mỹ sản xuất, một loại tên lửa đạn đạo được phóng bởi hệ thống HIMARS và tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow/SCALP do Anh sản xuất.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự Nga nói với Sputnik rằng ngành công nghiệp vũ khí của Nga không còn tụt hậu so với phương Tây và sản xuất vũ khí tốt hơn nhiều so với các loại đạn không mấy hiện đại được cấp cho Ukraine.
Nhà phân tích quân sự Viktor Litovkin – đại tá Quân đội Nga đã nghỉ hưu, cho biết: “Chúng tôi có vô số tên lửa tốt hơn nhiều so với Storm Shadow, Scalp và Tomahawk. Đây là ba tên lửa có cùng trình độ”.
“Chúng tôi có một tên lửa như vậy, đó là Kalibr, có thể được phóng từ tàu ngầm hoặc từ tàu nổi. Chúng tôi có những tên lửa như Kh-22, X-101 hay Onyx. Tất cả đều là tên lửa siêu thanh, trong khi Tomahawk, Storm Shadow và SCALP đều bay cận âm. Tên lửa của chúng tôi tốt hơn nhiều so với những tên lửa này. Vì vậy, chúng tôi có thể chế tạo bất kỳ tên lửa nào (mà chúng tôi muốn). Chúng tôi có rất nhiều người tài năng ở đất nước của chúng tôi, rất nhiều văn phòng thiết kế”, chuyên gia Litovkin nói.
Tuy nhiên, vị sĩ quan đã nghỉ hưu lưu ý rằng “chắc chắn chúng ta cần phải nghiên cứu” những tên lửa phương Tây thu được, để cải thiện khả năng phòng không của Nga.
“Chúng tôi đang nghiên cứu xem nó được chế tạo như thế nào, ý tưởng là gì? Vật liệu nào được sử dụng, phần mềm nào, chất nổ nào được sử dụng, chúng bay như thế nào, trong những tầng khí quyển nào… nhiều thứ. Họ bắt được tên lửa của chúng tôi, nghiên cứu xe tăng của chúng tôi và chúng tôi nghiên cứu xe tăng của họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi phải sao chép kỹ thuật của họ, đặc biệt là những kỹ thuật tệ hơn những gì chúng tôi đang sử dụng”.
Aleksey Borzenko, một nhà báo quân sự, là phó tổng biên tập của Literaturnaya Gazeta, cũng nói với Sputnik rằng “chẳng ích gì khi tạo ra những thứ tương tự”.
Nhà báo Borzenko nói: “Đầu tiên, những tên lửa được cung cấp cho Ukraine đã cũ. Đây đều là những diễn biến của 15 năm, thậm chí 30 năm trước. Còn về vũ khí tên lửa, chúng ta đã vượt phương Tây ở nhiều lĩnh vực. Tại sao chúng ta phải sao chép những gì đã được thực hiện từ lâu và không còn làm chúng ta lo ngại nữa?”.
Ông nhấn mạnh: “Điều duy nhất thú vị đối với các nhà khoa học quân sự của chúng tôi là xem các thiết bị điện tử của họ được chế tạo như thế nào. Chỉ có bấy nhiêu thôi”.
Vị phó tổng biên tập khẳng định Nga đã phát triển một số loại tên lửa siêu thanh và đưa chúng vào trang bị, trong khi Mỹ và các nước NATO đã tụt lại phía sau rất xa.
“Nga có Vanguard và Kinzhal. Có nhiều hệ thống tiên tiến hơn bất cứ thứ gì mà người Mỹ hiện có. Họ đang cố gắng tạo ra một tên lửa siêu thanh nhưng không có kết quả thử nghiệm khả quan. Chúng tôi đã sử dụng tên lửa của mình để tấn công chính xác và phá hủy những mục tiêu kiên cố ở sâu trong lòng đất. Vì vậy, tôi thấy không ích gì khi sao chép thứ gì đó từ các hệ thống lạc hậu mà Ukraine nhận được từ phương Tây”, ông Borzenko cho biết.
Lưu ý đến độ chính xác cao của tên lửa Nga, nhà báo cho biết: “Không có gì họ không thể làm được. Hãy nhớ câu chuyện này với (hệ thống phòng không) Patriot mà chúng tôi đã phá hủy ở Kiev. Patriot đã cố gắng đánh chặn tên lửa của chúng tôi nhưng đều trượt, và chúng tôi đã phá hủy toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá nửa tỷ USD”.
Phương Tây cũng chê tên lửa Nga lạc hậu
News York Times dẫn báo cáo từ Conflict Armament Research (CAR) – nhóm nghiên cứu vũ khí độc lập có trụ sở tại London cho biết, nền tảng công nghệ, thành phần linh kiện điện tử được sử dụng trên các mẫu vũ khí hàng đầu của Nga đều lạc hậu hơn so với phương Tây.
Báo cáo của CAR được thực hiện trên cơ sở thu thập các linh kiện điện tử gắn trong những vũ khí được Nga sử dụng ở chiến trường Ukraine. Các chuyên gia của CAR còn nhận định, linh kiện điện tử trong tên lửa hành trình và trực thăng tấn công tiên tiến của Nga sử dụng các công nghệ có từ 10 năm trước, và được tái sử dụng lại từ các thiết kế vũ khí trước đó.
Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của lực lượng an ninh Ukraine là nhanh chóng thu thập các bộ phận của những tên lửa Nga bắn vào các mục tiêu ở nước này nhằm nỗ lực tìm ra bí mật công nghệ của quân đội Nga.
Các chuyên gia đã tỏ ra bất ngờ khi phát hiện trong những loại vũ khí được xem là hàng đầu của Nga lại chứa các linh kiện có thành phần công nghệ khá thấp, bao gồm một hệ thống định vị vệ tinh cơ bản sử dụng công nghệ cũ hơn so với phương Tây. Linh kiện này cũng được tìm thấy trong một số loại bom đạn dẫn đường khác của Nga.
Các chuyên gia của CAR cũng chỉ ra rằng hầu hết công nghệ đang được Nga sử dụng để chế tạo tên lửa đều có nguồn gốc từ phương Tây, bất chấp các lệnh cấm vận đối với Moscow. Các lệnh cấm này ngăn quân đội Nga tiếp cận với các công nghệ cao từ châu Âu nhưng có vẻ chúng không mang lại hiệu quả.
T.P