Chính phủ Nhật Bản cảnh báo, với việc dân số đang ngày càng già hóa, đến trước năm 2025 khoảng một phần ba doanh nghiệp nhỏ nước này sẽ có nguy cơ ngừng hoạt động.
Hơn 4.000 công ty phá sản trong nửa đầu năm
Hôm 10/7, Tokyo Shoko Survey, cơ quan điều tra tín dụng doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, đã công bố kết quả khảo sát cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, số vụ phá sản của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2020, hơn 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản phá sản chỉ trong vòng nửa năm.
Theo kết quả khảo sát, trong 6 tháng, có 4.042 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản phá sản; ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ ăn uống với mức cao kỷ lục, tiếp theo là ngành xây dựng, sản xuất và bán lẻ. Nguyên nhân dẫn đến phá sản doanh nghiệp bao gồm: đồng yen mất giá, giá nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến chi phí cho doanh nghiệp cao, quan trọng nhất là thiếu lao động, trả lương cao cũng không tuyển được lao động.
Trong nửa đầu năm 2023, đã có 110 vụ phá sản do thiếu nhân lực, đạt kỷ lục từ trước đến nay. Trên thực tế, làn sóng đóng cửa các công ty Nhật Bản này đã bắt đầu từ năm ngoái.
Khi được các phóng viên phỏng vấn trên đường phố, hầu hết người dân Nhật Bản đều phàn nàn: giá thực phẩm tăng rõ rệt nhất, số lần họ ăn ở ngoài giảm đi, ăn ở nhà thường xuyên hơn và không còn cách nào khác.
Tuy nhiên, theo nhiều học giả Nhật Bản, so với đồng yen mất giá và chi phí tăng cao, tình trạng “thiếu hụt lao động” mới là điều nghiêm trọng nhất. Thực tế, tình trạng “thiếu hụt lao động” đã bắt đầu xuất hiện từ vài năm trở lại đây.
Năm 2019, số công ty Nhật nợ trên 10 triệu yen do “thiếu nhân lực” và phải làm thủ tục phá sản là 426. Hiện làn sóng phá sản ngày càng mạnh, lên tới hơn 4.000 chỉ trong nửa năm.
Già hoá dân số
Trên thực tế, trước sức ép “thiếu lao động”, Nhật Bản cũng đã áp dụng hàng loạt biện pháp “xử lý”. Ví dụ, khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Để giải quyết nỗi lo của các gia đình có hai người đi làm, chính phủ Nhật Bản đã thành lập các trường mẫu giáo. Đối với các gia đình vợ chồng đều đi làm, chỉ cần đáp ứng một số điều kiện nhất định, trẻ em có thể được gửi đến trường mẫu giáo từ khi 56 ngày tuổi.
Một biện pháp khác là khuyến khích người già tiếp tục làm việc. Ở Nhật Bản, hầu hết các tài xế taxi đều là những người đàn ông lớn tuổi tóc hoa râm. Ngoài ra, người cao tuổi còn tham gia tích cực vào các công việc như giữ trật tự giao thông, quản lý tài sản, lao công, đưa thư, thu ngân ở siêu thị…
Theo số liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, năm 2021, tỷ lệ đi làm của những người trên 65 tuổi ở Nhật Bản là 25,1% và ở những người từ 65 đến 69 tuổi là 50,3%. Điều đó có nghĩa là, trong số những người trên 65 tuổi, cứ bốn người thì có một người vẫn đang làm việc và hơn một nửa số người từ 65 đến 69 tuổi vẫn đang làm việc.
Theo một báo cáo do Hội đồng Đánh giá Tài chính Nhật Bản công bố, các yếu tố như tỷ lệ lương hưu giảm và sự bảo đảm kinh tế không đủ là những lý do chính khiến người già ở Nhật Bản tiếp tục đi làm.
Nhưng cho dù như vậy, thị trường lao động Nhật Bản vẫn còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu.Từ những năm 1980, Nhật Bản đã bắt đầu thu hút một lượng nhỏ lao động từ các nước phát triển đến Nhật Bản, chủ yếu là Mỹ, Anh, Canada và các nước khác, sau đó chuyển sang một số nước đang phát triển như Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Với việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên tục đóng cửa, đồng yen mất giá, giá cả tăng và tiền lương thực tế giảm, người lao động nước ngoài cũng đang dần lựa chọn rời khỏi Nhật Bản.
Theo dự báo của Viện Dân số và Xã hội Nhật Bản, đến năm 2024, dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản sẽ giảm từ 74 triệu người năm 2020 xuống dưới 60 triệu người.
Đóng cửa vì không người kế nghiệp
Kiyoshi Hashimoto, 82 tuổi, nay có thể yên tĩnh tập thổi sáo tại nhà máy chế tạo máy của ông ở ngoại ô Tokyo, nơi đáng lẽ rất ồn ào. Hashimoto, người đã xây dựng nhà máy cách đây 40 năm, đã qua tuổi nghỉ hưu từ lâu nhưng không có người kế nghiệp cũng chẳng ai mua để tiếp quản và nhà máy hiện chỉ có ông chủ và ít công nhân gắn bó lâu năm.
Chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo rằng, tình trạng dân số giảm dần và già hoá có thể ảnh hưởng đến 1/3 số doanh nghiệp nhỏ vào cuối năm 2025. Hashimoto là một trong số đó.
Nhà máy của Kiyoshi Hashimoto nằm ở huyện Yachimata có đầy đủ máy móc, bàn khoan và tủ linh kiện. Ông nói rằng nếu bây giờ nhà máy đóng cửa, “mọi nỗ lực cả đời sẽ trở nên lãng phí”. Hashimoto trong quá khứ từng thuê mấy chục công nhân, nhưng giờ ông chỉ còn lại 2 nhân viên làm bán thời gian.
Ngân hàng dữ liệu Teikoku Databank, cơ quan điều tra nghiên cứu về các vụ phá sản, chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản đang phải đối mặt với “sự sụp đổ hàng loạt” nghiêm trọng. Báo cáo năm 2019 của chính phủ Nhật Bản ước tính rằng vào cuối năm 2025 sẽ có 1,27 triệu chủ doanh nghiệp nhỏ ở vào độ tuổi từ 70 trở lên, và cảnh báo rằng làn sóng đóng cửa này sẽ làm mất đi 6,5 triệu cơ hội việc làm và làm giảm 22 nghìn tỉ yen (170 tỉ USD) quy mô của nền kinh tế Nhật Bản.
Ngân hàng Dữ liệu Teikoku Databank chỉ ra rằng tình hình có thể còn tồi tệ hơn vào cuối năm 2029, bởi vì những người đàn ông thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sinh sau chiến tranh, trụ cột của các chủ doanh nghiệp nhỏ sẽ ở tuổi 81, đây cũng là tuổi thọ trung bình của đàn ông Nhật Bản và làn sóng đóng cửa sẽ tiếp tục tồi tệ hơn, dự kiến có thêm nhiều người sẽ mất việc làm.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản được thừa kế bởi các thành viên gia đình hoặc nhân viên thân tín. Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều người trẻ tuổi không muốn kế thừa công việc kinh doanh của gia tộc. Hơn nữa, ngày càng có nhiều người chọn tới sống ở thành phố, dân số ở các vùng nông thôn đang giảm dần, các công ty ở vùng sâu vùng xa càng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Một số người Nhật lớn tuổi cho rằng việc bán công ty của gia đình cho người ngoài là điều đáng xấu hổ và thà đóng cửa nó còn hơn là chuyển nhượng cho người khác.
Biện pháp tháo gỡ
Bên cạnh việc chính phủ Nhật Bản đã đưa ra chính sách tạo điều kiện khuyến khích các công ty bán lại, nhiều công ty tư nhân cũng đã bắt đầu hỗ trợ các nhà đầu tư tìm kiếm các công ty để bán. Ví dụ, công ty tư vấn BATONZ của Nhật Bản năm 2018 đã môi giới được 80 trường hợp, đến nay mỗi năm môi giới hơn 1.000 vụ mua bán doanh nghiệp nhỏ.
Ông Yuichi Kamise, người phụ trách BATONZ, nói: “Làn sóng đóng cửa này đồng nghĩa với việc nghề thủ công độc đáo của Nhật Bản, các dịch vụ đặc biệt và công thức nấu ăn nguyên bản của các nhà hàng sẽ bị mất đi. Điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến văn hóa Nhật Bản và làm giảm sức hấp dẫn của ngành du lịch”.
Một trong những công ty vận tải nhỏ đã thông qua sử dụng dịch vụ môi giới này để tìm được một công ty logitic lớn sẵn sàng tiếp quản công việc kinh doanh của gia tộc.
Bà Suzuki, 61 tuổi, bỏ việc để trở về nhà giúp đỡ người cha đã ngoài 80 tuổi, người đã thành lập công ty xe tải vào năm 1975. Ba người tài xế xe tải của công ty đều không có ý định tiếp quản công ty và sự bùng phát dịch COVID-19 đã khiến việc kinh doanh của công ty càng trở nên khó khăn hơn. Sau đó, một công ty logitic lớn đã sẵn sàng tiếp quản công ty, điều này khiến bà Suzuki thở phào nhẹ nhõm. Bà nói với AFP: “Tôi muốn duy trì hoạt động kinh doanh của công ty, ít nhất là đến chừng nào cha tôi còn sống”.
Cũng có những doanh nhân trẻ được hưởng lợi từ dịch vụ môi giới này. Đầu bếp 28 tuổi Rikuo Morimoto từng nghĩ dù cố gắng ở mức cao nhất cũng chỉ có thể mở một xe ăn uống hoặc một quán bar nhỏ; sau đó trong thời kì dịch bệnh, Morimoto đã dùng tiền tiết kiệm để mua một nhà hàng 40 tuổi ở Tokyo, giữ lại bài trí nội thất và đồ đạc trong cửa hàng, rồi đưa ra thực đơn của riêng anh và thực hiện được ước mơ trở thành chủ nhà hàng.
T.P