Nhìn từ trên trời, khu phi quân sự (DMZ) Bàn Môn Điếm trông giống như một “vết thương” khổng lồ trên bán đảo Triều Tiên, với chi chít hàng rào dây thép ngoằn ngoèo trên đồi, thung lũng và ra cả biển.
Khu phi quân sự DMZ Bàn Môn Điếm xuất hiện 70 năm trước, sau khi Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc (UNC) do Mỹ lãnh đạo và Bộ Tư lệnh Trung – Triều ký hiệp định đình chiến Triều Tiên vào ngày 27-7-1953 tại “làng đình chiến” Panmunjom.
Theo báo The New York Times, dọc theo đoạn đường dài 250km bao quanh DMZ, những người lính ở cả hai bên sẵn sàng giao chiến. Khách du lịch đến để chứng kiến “lịch sử sống động”, song những giấc mơ hòa giải giữa hai miền đã dần tan thành mây khói.
Một cuộc xung đột chưa được giải quyết
Trong bảy thập kỷ qua, đã có nhiều nỗ lực phá vỡ sự phân chia do DMZ tạo ra, kết nối lại đường bộ và đường sắt qua biên giới, cho phép thương mại và đầu tư xuyên biên giới và tổ chức đoàn tụ các gia đình ly tán.
Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy cuối cùng đã thất bại trong việc tạo ra hòa bình lâu dài, khi đối mặt với một cuộc xung đột chưa được giải quyết.
Bất chấp tên gọi của nó, DMZ và vùng phụ cận được trang bị vũ khí “tận răng”.
Lính canh giữ những ngọn đồi xung quanh hàng rào biên giới của họ – Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Lính canh giữ những ngọn đồi xung quanh hàng rào biên giới của họ – Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Ước tính có khoảng 2 triệu quả mìn được rải bên trong khu vực rộng 4,5km. Vành đai phía bắc và phía nam của DMZ bị phong tỏa bằng nhiều lớp hàng rào dây thép gai, được gia cố bằng bẫy mìn hoặc cảm biến điện tử. Các trạm lính canh có vũ trang giám sát cách khoảng 100 – 200m sau hàng rào.
Cứ khoảng 10m dọc theo hàng rào của Hàn Quốc là mìn sát thương Claymore. Tất cả các con đường dẫn ra khỏi DMZ đều được bảo vệ bằng các chướng ngại vật chống tăng. Đằng sau họ, 2 triệu quân sẵn sàng chiến đấu.
Vết thương lâu dài
Đối với bà Yoon Cheong-ja, 80 tuổi, cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc. Con trai của bà, Cảnh sát trưởng cấp cao Min Pyeong Gi, nằm trong số 46 thủy thủ thiệt mạng khi tàu hải quân Hàn Quốc Cheonan phát nổ, do trúng ngư lôi của Triều Tiên vào năm 2010.
“Khi con trai tôi qua đời, trái tim tôi như bị xé ra thành ngàn mảnh. Không người mẹ nào nên để mất con như tôi”, bà Yoon nói.
Các gia đình ly tán vì chiến tranh cũng thực hiện các chuyến hành hương hằng năm gần DMZ, nơi gần nhất họ có thể đến với quê hương của mình.
Trong các ngày lễ lớn, họ thực hiện các nghi lễ gia đình Nho giáo, đặt cơm, trái cây và cá khô lên bàn thờ và cúi đầu hướng về phần mộ của tổ tiên ở phía Bắc.
Hwang Bong Suk, 87 tuổi, khi nhìn đàn chim bay qua DMZ vào một buổi chiều, chia sẻ: “Khi tôi chết ở miền Nam, các con tôi sẽ mất đi mối ràng buộc với cội nguồn của chúng ở miền Bắc”.
Người mẹ góa bụa của bà đưa gia đình từ Triều Tiên đến Hàn Quốc vào năm 1948. Lúc đó Hwang 12 tuổi. Hai người chị của bà ở lại miền Bắc.
Mẹ của họ đã để dành những món quà cho họ, hy vọng một ngày nào đó sẽ được đoàn tụ.
Trong một chuyến đi thuyền gần đây đến vùng biển biên giới phía tây, ông Choi Jong Dae, 87 tuổi, có thể nhìn thấy Triều Tiên qua làn sương mù buổi chiều. Nhớ về quê hương của mình, ông nói: “Càng lớn tuổi, tôi càng nhớ quê hương và các anh chị em còn ở miền Bắc”.
Ông Choi nói thêm, giọng run run. “Tôi đã đến Nga, Mông Cổ, New York và Nam Phi. Nhưng tôi không thể về thăm quê hương của mình. Mặc dù nó rất gần, tôi có cảm giác như có thể duỗi cánh tay ra để chạm vào nó”.
Cuộc sống gần DMZ
Mặc dù DMZ được biết đến là một nơi hoang vắng, khắc nghiệt, nhưng những người gan dạ đã định cư gần đó – hoặc thậm chí bên trong – khu vực này.
Họ canh tác dưới sự giám sát của lính biên phòng bất chấp khả năng có mìn.
Khi mùa đánh bắt đến, ngư dân mạo hiểm vào vùng biển nguy hiểm gần biên giới để đánh bắt cá đù, cua xanh và bạch tuộc.
Trong những năm gần đây, các quận phía bắc của Hàn Quốc đã trở thành những điểm đến du lịch của những người bị lịch sử của DMZ thu hút.
Tại một khu cắm trại ven biển ngay bên ngoài DMZ phía đông, các gia đình dựng lều cắm trại cách hàng rào dây thép và biển báo quân sự chỉ vài mét.
Một phòng trọ theo chủ đề DMZ do nghệ sĩ Omyo Cho thiết kế, được trang trí bằng dây thép gai, ở bãi biển Myeongpa, Hàn Quốc – Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Một phòng trọ theo chủ đề DMZ do nghệ sĩ Omyo Cho thiết kế, được trang trí bằng dây thép gai, ở bãi biển Myeongpa, Hàn Quốc – Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Một nhà nghỉ theo chủ đề DMZ trong khu cắm trại có các phòng được trang trí bằng dây thép gai trên tường. Du khách có thể xem bảo tàng và các tour du lịch dọc theo biên giới.
Du khách Kim Pil Soo, 42 tuổi, cho biết: “Giờ đây, tôi có thể tuyên bố rằng mình đã trải qua một đêm tại khu cắm trại xa nhất về phía bắc của Hàn Quốc”.