Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNATO phòng thủ toàn diện hay chiến tranh tổng lực với Nga...

NATO phòng thủ toàn diện hay chiến tranh tổng lực với Nga và TQ

Tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày 11- 12/7 ở Vilnius, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức thông qua kế hoạch phòng thủ toàn diện.

Tuy nhiên, phân tích bối cảnh và nội dung chủ yếu của kế hoạch này, có thể thấy mục tiêu đích thực hướng tới của NATO dường như không phải để “phòng thủ toàn diện” mà tiếp tục cuộc “chiến tranh tổng lực”, vừa nhằm làm Nga phải chịu thất bại chiến lược vừa chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc.

Bản chất của NATO không phải là “phòng thủ”
Ngay sau khi Thế chiến II vừa kết thúc, năm 1946 Mỹ tuyên bố phát động cuộc Chiến tranh Lạnh nhằm làm tan rã Liên Xô mà không cần chiến tranh nóng. Lãnh đạo NATO gọi đó là “chiến lược giành chiến thắng không cần chiến tranh”.

Để thực thi chiến lược này, năm 1949, Mỹ đứng đầu, cùng một số nước Tây Âu thành lập NATO. Ngay từ khởi thủy, NATO đã được cho là công cụ chiến tranh của Mỹ để chống lại hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa do Liên Xô dẫn dắt.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh từ NATO, năm 1955 các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đứng đầu là Liên Xô ký kết Hiệp ước thành lập liên minh phòng thủ Warsava.

Trong thời kỳ “cải tổ” (1985-1991), với chủ trương hội nhập với thế giới và xây dựng “Ngôi nhà chung Châu Âu”, lãnh đạo Liên Xô cùng với các nước xã hội chủ nghĩa Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Tiệp Khắc ký nghị định thư về việc chấm dứt sự tồn tại của Liên minh phòng thủ Warsava vào ngày 1/7/1991.

Lẽ ra, sau khi Liên minh phòng thủ Warsava được giải thể, NATO không còn bất kỳ lý do gì để tồn tại nhưng liên minh này vẫn tiếp tục mở rộng, từ 15 thành viên thời Chiến tranh Lạnh thành 31 thành viên vào thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius.

Mục tiêu của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh không chỉ là làm tan rã Liên Xô mà còn không để cho nước Nga phát triển, mặc dù Moscow đã lựa chọn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa và tình nguyện hội nhập với Phương Tây.

Chính vì thế, năm 2001 Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa ký với Liên Xô năm 1971 do Nga kế thừa, để xúc tiến triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa trên lãnh thổ Ba Lan và Rumani, sẵn sàng vô hiệu hóa các tên lửa chiến lược của Nga.

Năm 2018, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước về hủy bỏ tên lửa tầm trung ký với Liên Xô có hiệu lực từ năm 1988 do Nga kế thừa, để sẵn sàng bố trí tên lửa ở Châu Âu, chuẩn bị tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Nga.

Cũng sau Chiến tranh Lạnh, do nước Nga lâm vào khó khăn về kinh tế – xã hội, bất ổn về chính trị và an ninh, còn Trung Quốc chủ trương “im lặng chờ thời” nên Mỹ đứng đầu NATO phát động nhiều cuộc chiến tranh để thực hiện các mục tiêu địa – chính trị của họ trong giai đoạn mới.

Năm 1999, NATO do Mỹ chỉ huy phát động chiến tranh Nam Tư, núp dưới chiêu bài “bảo vệ nhân quyền”. Năm 2001, Mỹ đứng đầu NATO phát động chiến tranh ở Afghanistan, mượn cớ “chống khủng bố” để thiết lập quyền lực tuyệt đối ở Trung Á.

Năm 2003, Mỹ và Anh phát động chiến tranh ở Iraq núp dưới lý do “quốc gia này sở hữu vũ khí hóa học”. Năm 2011, NATO phát động chiến tranh ở Libya mượn cớ “bảo vệ nhân quyền”…

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng nói năm 2019: “Trong 242 năm kể từ khi giành được độc lập, nước Mỹ đã trải qua 226 năm chiến tranh và chỉ có 16 năm hòa bình”.

Như vậy, nhìn lại toàn bộ lịch sử của NATO có thể thấy liên minh này là công cụ để Mỹ tiến hành chiến tranh để thiết lập quyền thống trị thế giới.

Ukraine chỉ vào NATO sau khi hoàn thành “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” với Nga
Một trong những quyết định lịch sử của Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua là không đề ra thời hạn cụ thể để kết nạp Ukraine làm thành viên. Theo quyết định này, Ukraine sẽ ngay lập tức trở thành thành viên NATO một khi “đáp ứng được một số điều kiện”.

Vậy điều kiện đó là gì? NATO không giải thích cụ thể, nhưng giới phân tích cho rằng điều kiện tiên quyết là Ukraine phải tiến hành thành công cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” (Proxy War) đến người lính Ukraine cuối cùng, làm Nga phải chịu “thất bại chiến lược”.

Theo cách giải thích của Tổng thống Nga V.Putin, “thất bại chiến lược” có nghĩa là NATO muốn xóa sổ vĩnh viễn nước Nga trên bản đồ thế giới. Mục tiêu chiến lược này của NATO đã được ghi rất rõ trong các văn kiện chiến lược và học thuyết quân sự cũng như tuyên bố công khai.

Theo kế hoạch của Mỹ, NATO chi viện toàn diện về kinh tế, chính trị và quân sự cho Ukraine để tiến hành chiến dịch phản công nhằm giành lại quyền kiểm soát các tỉnh Donetsk, Lugansk, Zaporizhia và Kherson, tiến tới “giải phóng” Crimea, buộc Nga phải chấp nhận ký kết hòa bình theo điều kiện của NATO, có nghĩa là đầu hàng vô điều kiện.

Hậu thuẫn cho bước đi này, kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO được thông qua tại Hội nghị thượng Vilnius bao gồm giành ưu thế toàn diện trước Nga trên đất liền, trong không gian, trên biển và trên vũ trụ.

“Giới tinh hoa Phương Tây không giấu giếm mục tiêu của họ: gây ra – như họ nói, đây là cách nói trực tiếp – “thất bại chiến lược của Nga”. Điều này có nghĩa là kết liễu chúng ta một lần và mãi mãi” Tổng thống Nga Putin.

Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO còn nhằm mở rộng sang Châu Á-Thái Bình Dương
Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO không chỉ khiến Nga phải chịu “thất bại chiến lược” mà còn nhằm chống Trung Quốc bởi cả Nga và Trung Quốc đều là mối đe dọa lớn nhất đối với “trật tự thế giới dựa trên luật lệ của Mỹ” – một cách diễn giải khác về trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo sau Chiến tranh lạnh.

Cuộc chiến tranh ủy nhiệm của NATO ở Ukraine để hạ gục Nga chỉ là “cuộc tổng duyệt” cho một cuộc chiến tranh khác ở Châu Á – Thái Bình Dương nhằm chống Trung Quốc.

Giải thích ý nghĩa của Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ công bố trong năm 2022, Tổng thống Joe Biden cho biết, chỉ khi Mỹ lãnh đạo “trật tự dựa trên luật lệ” thì thế giới sẽ có hòa bình và phát triển thịnh vượng, còn quyền lãnh đạo đó trong tay quốc gia khác (ám chỉ Trung Quốc) thì thế giới sẽ “hỗn loạn”. Ông Joe Biden còn tuyên bố, Trung Quốc đang có ý định thay thế vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Như vậy, nếu NATO ở Châu Âu nhằm vào Nga thì “NATO Châu Á” nhằm vào Trung Quốc. Chiến lược của NATO đến năm 2030 xác định Nga là đối thủ trước mắt, còn Trung Quốc là đối thủ hệ thống, cơ bản và lâu dài.

Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, của Đức, của Anh và của Nhật Bản đều coi Trung Quốc là “mối đe dọa có tính hệ thống và lâu dài”. Do đó, không sớm thì muộn, NATO Châu Á được cho là sẽ ra đời.

Hạt nhân của NATO Châu Á có thể sẽ là Hiệp ước liên minh Anh, Mỹ, Australia (AUKUS) ký kết tháng 9/2021. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius.

Tại Hội nghị này, NATO quyết định sớm mở Văn phòng đại diện tại Nhật Bản. Còn Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đã mở văn phòng đại diện tại Brussel – trụ sở của NATO.

Như vậy, rõ ràng là, kế hoạch mới của NATO hoàn toàn không mang tính chất “phòng thủ toàn diện” mà là dường như để tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện như giới phân tích gọi đó là “cuộc chiến tranh thế giới phức hợp” (World Hybrid War) đầu tiên trong lịch sử thế giới. Ukraine chính là tâm điểm của cuộc chiến tranh này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới