Thursday, October 10, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVề sự “yêu, ghét” của cư dân mạng TQ

Về sự “yêu, ghét” của cư dân mạng TQ

Việt Nam và Trung Quốc hiện còn có tranh chấp về biển Đông. Trong lịch sử Việt Nam nhiều lần bị Trung Quốc xâm lược. Vậy nên không có gì lạ khi nhiều người Việt Nam có tâm lý bài Trung. Còn phía Trung Quốc thì sao? Người dân nghĩ gì về Việt Nam?

Người dân Nhật Bản mang theo cờ tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để khẳng định chủ quyển của nước này trước Trung Quốc.

Việt Nam chỉ có ba nước láng giềng trên đất liền. Thế nên vị trí của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng lớn hơn hẳn, so với Trung Quốc. Nước này có tới 14 láng giềng xung quanh, vì vậy có thể Trung Quốc không quan tâm đến Việt Nam nhiều như Việt Nam quan tâm đến họ.

Có một khảo sát thú vị đã trả lời một phần câu hỏi nêu trên. Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã tổ chức một cuộc bình chọn trực tuyến với nội dung: Nếu bạn được vẽ lại bản đồ thế giới thì bạn sẽ vẽ lại như thế nào? Những quốc gia nào bạn muốn được làm hàng xóm thân thiết và những quốc gia hàng xóm nào mà bạn muốn đẩy đi thật xa? Sau khi cuộc khảo sát được thực hiện đã có 200.000 người tham gia bình chọn. Kết quả nước được cộng đồng mạng muốn biến khỏi tầm mắt của họ nhất hóa ra lại là Nhật Bản, thứ hai là Philippines và thứ ba mới là Việt Nam. Nếu được vẽ lại bản đồ, cộng đồng mạng Trung Quốc muốn ba quốc gia này sẽ nằm tít bên kia bán cầu càng xa càng tốt!.

Tại sao Nhật Bản lại bị ghét như vậy? Theo ông Sun Lizhou, Phó giám đốc Viện nghiên cứu thế giới và Trung Quốc tại Đại học luật và khoa học chính trị Trung Quốc thì, Nhật Bản bị “ghét” là kết quả hơi bất ngờ. Bởi Nhật Bản là quốc gia có tầm ảnh hưởng quan trọng về kinh tế với Trung Quốc. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của đất nước tỷ dân, mà trong việc khảo sát có câu hỏi liên quan đến việc bạn dựa vào đâu để quyết định nên giữ một nước làm láng giềng hay đẩy họ đi thật xa. Phần lớn người tham gia bình chọn nói rằng họ dựa vào mối quan hệ ổn định về kinh tế. Vậy mà khi nhắc đến Nhật Bản họ lại bất chấp mọi lợi ích kinh tế để đẩy Nhật đi thật xa thì rõ ràng mối thù này rất lớn.

Theo ông Sun, nguyên nhân khiến cư dân mạng Trung Quốc muốn “chuyển” Nhật Bản đi nơi khác là do chính phủ nước này không chịu xin lỗi về các vấn đề mang tính lịch sử và tranh chấp tại quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Điều đó khiến quan hệ Nhật – Trung ngày càng rạn nứt. Bên cạnh đó, trong Chiến tranh thế giới thứ II phát xít Nhật đã gây ra nhiều tội ác với người dân Trung Quốc. Hiện nay sự phổ biến của các bộ phim truyền hình chống Nhật ở Trung Quốc ngày càng phát triển cũng đang góp phần tạo nên một hình ảnh nước Nhật đầy tiêu cực.

Cũng có nhiều quốc gia mà Trung Quốc không muốn ở gần, Nhật Bản “đứng đầu” với 13.196 lượt bình chọn. Thứ hai là Philippines với 11.671 phiếu bầu. Thứ ba là Việt Nam – 11.620. Ngoài ra, Triều Tiên, mặc dù là một đồng minh của Trung Quốc nhưng họ cũng không được ưa thích cho lắm khi xếp thứ tự bị “ghét” với 11.000 phiếu bầu, Ấn Độ 10.416 phiếu, Afghanistan 8.506 và Indonesia 8.167 phiếu. Giới phân tích nhận định, đây là những nước vốn có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, thế nên họ không ưa thích. Đặc biệt, phải nhắc đến Philippines và Việt Nam.

Philippines và Việt Nam liên tục phản đối mạnh mẽ “Đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông. Đồng thời, phản đối những tuyên bố vô căn cứ về chủ quyền biển đảo của quốc gia tỷ dân này. Philippines đã kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền lên Tòa án quốc tế. Còn Hà Nội đã nhiều lần đưa cảnh sát biển ra để đối phó với Trung Quốc khi họ tấn công ngư dân Việt Nam.

Tại sao Ấn Độ cũng bị ghét? Đó là vì hai quốc gia Trung-Ấn hiện vẫn đang tranh chấp 120.000 km2 đất và hai bên chưa ký Hiệp ước giải quyết các tranh chấp biên giới. Chính quyền Trung Quốc còn cáo buộc Ấn Độ bảo hộ cho một số người ly khai ở Tây Tạng.

Ngược lại với các nước trên, cộng đồng mạng Trung Quốc lại tỏ ra yêu quý và muốn được sống gần gũi cùng một số quốc gia sau đây:

Trước tiên là họ mong muốn được thân thiện với Pakistan với 11.831 phiếu bầu. Ba quốc gia tiếp theo mà cư dân mạng Trung Quốc muốn giữ lại làm hàng xóm thân thiết là Kazakhstan, Nepal và Tajikistan, Nga được xếp ở vị trí thứ 11.

Còn những quốc gia ở xa mà Trung Quốc muốn “kéo” đến để làm “hàng xóm” bao gồm Thụy Điển – một quốc gia khá bất ngờ, Thụy Điển được 9.776 phiếu bầu chiếm 5,8%. Tiếp theo là 6 nước gồm New Zealand, Đức, Maldives, Singapore, Na Uy và Thái Lan. Ông Sun Lizhou nhận định: Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi Thụy Điển được cư dân mạng bình chọn nhiều nhất. Có lẽ khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, lối sống nhàn nhã của người Thụy Điển đã thỏa mãn giấc mơ của nhiều người Trung Quốc. Và hình ảnh một đất nước ngoại giao hòa bình trong cộng đồng quốc tế cũng đã nhận được sự ủng hộ của người dân Trung Quốc.

Cần nói thêm, phúc lợi xã hội cũng là điều mà cư dân mạng Trung Quốc quan tâm. Theo ông Sun, chính sách phúc lợi xã hội hào phóng của Thụy Điển nhằm thúc đẩy bình đẳng xã hội đã nhận được sự đánh giá cao của cư dân mạng Trung Quốc. Còn các nước mà Trung Quốc muốn “kéo” về làm láng giềng đều có sự ổn định, giàu có và thân thiện với Trung Quốc. Trong đó, Đức và Singapore là mô hình thành công về lĩnh vực kinh tế và công nghệ, Maldives và Thái Lan là thiên đường của du lịch.

Chúng tôi xin lưu ý, khảo sát này chỉ mang tính chất tham khảo. 200.000 người tham gia khảo sát không thể đại diện cho toàn bộ người dân Trung Quốc. Một điểm nữa, thời điểm khảo sát cũng có thể không còn phù hợp với tình hình hiện tại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới