Tuesday, November 5, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam và bí mật...

Những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam và bí mật về sự can thiệp của TQ

Qua những tài liệu giải mật và cuộc phỏng vấn với những người trong cuộc, nhà sử học George J. Veith đã thông tin thêm những điều gây bất ngờ về những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam và bí mật sự can thiệp của Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai gặp mặt Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger trong cuộc gặp được gọi là “lịch sử” tại Bắc Kinh ngày 9/7/1971.

Phỏng vấn “Người đưa thư”

Ông Nguyễn Xuân Phong từng là Quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm Paris của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng là bạn thân của nhà sử học Veith. Khi được người bạn của mình hỏi về chiến tranh Việt Nam, ông Phong đã nói: “Phía Trung Quốc muốn đưa hai sư đoàn nhảy dù vào Biên Hòa để chặn cuộc Nam tiến của quân Bắc Việt. Điều này thực sự bất ngờ vì Trung Quốc cùng với Liên Xô đã nhiệt tình giúp đỡ Hà Nội trong suốt những năm tháng đó, bỗng nhiên thay đổi”.

Trong thời gian đàm phán ở Paris về vấn đề Việt Nam từ năm 1968 đến năm 1975, ông Phong là người đã tiếp xúc với phía Trung Quốc nhằm để cứu vãn miền Nam Việt Nam trong những ngày cuối cùng của chiến tranh. Vào năm 1971, sau khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger có chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh năm 1971, ông Phong đã được mời đến tham dự bữa tiệc ở Sứ quán Miến Điện tại Paris. Tại bữa tiệc này ông Phong được giới thiệu với một quan chức Trung Quốc từ Văn phòng Thủ tướng Chu Ân Lai.

Ông Phong cho biết: phía Trung Quốc đã qua ông gửi nhiều thông điệp tới ông Thiệu để tìm cách có được một cuộc hội thoại trực tiếp về chiến tranh Việt Nam, nhưng vị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã không hồi âm. Trung Quốc khi đó rất muốn Chính phủ Lâm thời nắm quyền thông qua công thức liên minh của Pháp với Tướng Dương Văn Minh để ngăn chặn sự tiếp quản của Bắc Việt. Sau khi một liên minh được thành lập, ông Minh sẽ gửi lời kêu gọi trợ giúp và người Pháp sẽ trả lời rằng, một lực lượng quốc tế sẽ vào Nam Việt Nam để bảo vệ chính phủ mới.

Bước đầu hai sư đoàn nhảy dù của Trung Quốc sẽ vào Biên Hòa. Bắc Kinh yêu cầu có 4 ngày để điều động quân của họ đến căn cứ không quân này. Rõ ràng, Bắc Kinh không thể ra mặt và làm việc này một cách trực tiếp mà họ nhờ người Pháp. Bởi Bắc Kinh không thể ngang nhiên can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Trung Quốc muốn can thiệp bằng quân sự để ngăn cản chiến thắng của quân Bắc Việt?

Lý do được nhà sử học George J. Veith đưa ra, là vì muốn có một miền Nam Việt Nam trung lập để không bị bao vây bởi một hiệp ước tiềm tàng giữa Matxcơva và Hà Nội. Điều này được Nayan Chanda của Far Eastern Economic Review khẳng định khi cho rằng Bắc Kinh đã nhất quán tuân thủ chính sách duy trì bằng mọi cách theo ý của mình, một Đông Dương bị chia cắt không có các cường quốc lớn.

Thông điệp từ Trung Quốc

Ngoài ông Nguyễn Xuân Phong còn có một Tướng hồi hưu người Pháp là Paul Vanuxem, người quen biết ông Nguyễn Văn Thiệu. Trong cuốn sách phát hành năm 1976 về những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, ông Vanuxem đã kể lại rằng. ông đã tới Dinh Độc Lập vào ngày 30/04/1975 để nói chuyện với Tướng Minh – khi đó đang là Tổng thống.

Theo ông Lý Qúi Chung – Bộ trưởng Bộ Thông tin trong chính phủ tồn tại 2 ngày của Tổng thống Minh: “ông Vanuxem nói rằng ông ấy muốn đưa ra một kế hoạch cho ông Minh, để cứu vãn tình hình tuyệt vọng mà chính thể Sài Gòn đang đối mặt”.

Ông Vanuxem nói với ông Minh, ngay sau khi ông Minh ghi âm lời tuyên bố đầu hàng sáng ngày 30/4: “Tôi đã sắp đặt việc này ở Paris. Tôi yêu cầu ông công khai xin trợ giúp từ nước C (China – tức Trung Quốc) để có thể bảo vệ ông”.

Lúc này ông Vanuxem đã đưa ra gợi ý, khuyên ông Minh cầm cự trong 3 ngày. Thế nhưng, ông Minh đã từ chối và nở một nụ cười cay đắng trước lời đề nghị này. Ông Minh nói: “Theo Tây, theo Mỹ mãi chưa đủ sao mà bây giờ lại theo Tàu?”.

Thực ra Hà Nội khi ấy cũng biết được lời đề nghị của ông Vanuxem và cuối cùng thừa nhận về ý định can thiệp của Trung Quốc. Trong cuốn “Sách Trắng Quốc Phòng” của Việt Nam xuất bản sau 10 năm chiến tranh kết thúc. Trong đó thừa nhận rằng, ông Vanuxem đã tới Dinh Thống nhất và tìm cách thực hiện âm mưu nhằm ngăn chặn bước tiến của họ để giành chiến thắng trong cuộc chiến đó.

Phía Trung Quốc, cũng được cho là đã chủ động tiếp cận cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn với William Buckley trên Firing Line tháng 9/1975, ông Kỳ đã nói rằng: “Các đặc vụ Trung Quốc thậm chí đã từng tới nhà ông ở Sài Gòn vào năm 1972, để đưa ra yêu cầu ông giúp sức lật đổ tổng thống Thiệu, cũng như tuyên bố miền Nam Việt Nam trở thành một quốc gia trung lập, không theo Nga cũng không theo Mỹ”.

Ông Kỳ khi đưa gia đình di tản sang Mỹ sau khi Sài Gòn sụp đổ đã phân tích rằng, nếu ông làm điều đó thì phía Trung Quốc sẽ hỗ trợ ông, bởi vì Bắc Kinh đã gặp khó khăn ở biên giới phía Bắc với người Nga. Chính vì thế, Trung Quốc không muốn sườn phía Nam của mình lại bị vệ tinh của Nga chiếm đóng hay gây áp lực. Nói cách khác, Trung Quốc khi ấy muốn chia cắt Việt Nam thành hai.

Với những khẳng định từ nhiều nguồn khác nhau, sử gia Veith tin rằng, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn cản chiến thắng của quân Bắc Việt bằng cách hậu thuẫn một chính phủ trung lập ở miền Nam Việt Nam là có thật. Thế nhưng điều này cũng lại không thể được khẳng định hoàn toàn khi không có bằng chứng về tài liệu hay sự chấp nhận chính thức từ phía chính phủ Trung Quốc, cũng như chính phủ Pháp. Vì thế mà sử gia Veith gọi đó là “Bí mật lớn cuối cùng của chiến tranh Việt Nam”.

Nguồn cơn của bí mật cuối cùng

Nguồn cơn trước hết là quan hệ Xô-Trung-Việt dần rạn nứt. Chúng ta biết rằng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ của anh cả Liên Xô và láng giềng Trung Quốc. Thế nhưng từ năm 1968, quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt, khi Việt Nam vẫn giữ quan hệ với Liên Xô và cả Trung Quốc, trong khi Liên Xô và Trung Quốc mâu thuẫn gay gắt.

Những bất đồng quan điểm về cách thức tiến hành cuộc chiến với Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, trở nên rõ rệt giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phía Trung Quốc muốn Việt Nam chỉ tiến hành chiến tranh du kích, trong khi phía Việt Nam muốn tiến hành một cuộc chiến tranh tổng thể, hơn nữa, Việt Nam muốn trực tiếp đàm phán với Hoa Kỳ thay vì thông qua trung gian.

Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, Hoa Kỳ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc phản đối.

Thứ hai là, năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã có chuyến thăm Trung Quốc và những thỏa thuận giữa hai nước này được coi là sự kiện phản bội của Trung Quốc. Sau chuyến thăm ấy, Trung Quốc cũng đã đưa ra quyết định không giữ mức viện trợ như đã hứa năm 1973. Ban đầu, lấy lý do cần kinh phí để hỗ trợ Hoa kiều hồi hương để cắt một phần viện trợ và cắt hẳn vào năm 1978, đồng thời rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước. Trung Quốc đưa ra điều kiện nếu muốn nhận viện trợ lại thì Việt Nam phải từ chối tất cả các khoản viện trợ của Liên Xô. Trung Quốc thấy Việt Nam được thống nhất lại đang cố gắng xây dựng mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ giữa ba nước Đông Dương sẽ là mối đe dọa với Trung Quốc từ hai phía. Phía Trung Quốc lo sợ Việt Nam sẽ làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.

Thứ ba là, năm 1974, Trung Quốc cho quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc đó đang được Việt Nam Cộng hòa quản lý trong sự làm ngơ của Hoa Kỳ.

Từ đây mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gay gắt. Việt Nam không bao giờ quên những đóng góp, sự giúp đỡ của Trung Quốc trước đó với cách mạng nước nhà. Nhưng Việt Nam cũng nhận rõ những hành động phản bội của Trung Quốc. Đặc biệt là những hành động “đâm sau lưng” của ông hàng xóm này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới