Theo ông Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, hoạt động xây dựng giảm mạnh là dấu hiệu đáng lo ngại về vòng xoáy “chết chóc” tiềm ẩn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Hoạt động xây dựng giảm mạnh
Phục hồi mạnh mẽ trong quý I, kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc trong vài tháng trở lại đây. Niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng suy yếu đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của quốc gia tỷ dân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản lao dốc.
Lĩnh vực bất động sản, chiếm khoảng 25% nền kinh tế Trung Quốc, bắt đầu đi xuống vài năm qua do tác động của đại dịch Covid-19 và chính sách “ba lằn ranh đỏ” nhằm hạn chế việc các nhà đầu tư dùng đòn bẩy quá mức.
Thêm vào đó, sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế và việc làm đã làm giảm niềm tin của các hộ gia đình Trung Quốc, ảnh hưởng tới tiêu dùng và đầu tư vào thị trường bất động sản.
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc được đánh giá là không đáng kể và có thể không hiệu quả do nhu cầu trên thị trường vẫn yếu.
Đáng chú ý, chỉ số PMI phi sản xuất, đo lường các hoạt động ở cả lĩnh vực dịch vụ và xây dựng đã giảm xuống 51,5 từ mức 53,2 của tháng 6. Chỉ số phụ về xây dựng, một lĩnh vực sử dụng lao động lớn trong bối cảnh khủng hoảng thất nghiệp lan rộng, đã giảm từ mức cao 65,6 trong tháng 3 xuống 51,2 trong tháng 7.
Thị trường bất động sản kém sôi động của Trung Quốc cũng dẫn đến sụt giảm nhu cầu liên quan đến xây dựng trong nước, đe dọa triển vọng tăng trưởng trong quý III.
Hoạt động sản xuất đình trệ
Cũng theo dữ liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, hoạt động sản xuất của nước này vẫn đình trệ trong tháng 7, tức là 4 tháng liên tiếp.
Theo số liệu, chỉ số PMI trong tháng 7 đứng ở mức 49,3, tăng 0,3 điểm phần trăm so với tháng 6, nhưng vẫn nằm dưới mốc 50 điểm, vốn được dùng để xác định xem kinh tế tăng trưởng hay suy giảm. Chỉ số PMI được tính toán dựa trên khảo sát đối với 3.200 nhà sản xuất.
Giới chức Trung Quốc cho biết sẽ tập trung vào việc tăng nhu cầu trong nước, nhưng chi tiết của các biện pháp này vẫn chưa được công bố. Giới chức Trung Quốc đã mô tả quá trình phục hồi của nền kinh tê nước này là “khúc khuỷu”.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2023 của nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn ba tháng trước đó, nhưng thấp hơn nhiều so với dự đoán tăng 7,1% mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin AFP. So với quý I, kinh tế Trung Quốc tăng 0,8% trong quý II, giảm mạnh so với mức 2,2% ghi nhận trong quý I so với quý trước đó.
Ngoài ra, doanh số bán lẻ, thước đo hoạt động tiêu dùng quan trọng, đã tăng 3,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% trong tháng 5, cho thấy tâm lý không ổn định của người tiêu dùng.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc tăng từ 20,8% trong tháng 5 lên mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6.
“Trong tương lai, cần có sự hỗ trợ về chính sách để ngăn nền kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái, nhất là khi những cơn gió ngược từ bên ngoài có vẻ sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa”, bà Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics viết trong một báo cáo.
T.P